26/03/2023 11:07 GMT+7

Mùa thi, mùa... trầm cảm

Đang là mùa thi học kỳ cuối cùng của thời trung học, bỗng một buổi sáng, con gái chị Yên vừa mếu vừa bảo: Con không đi học nữa đâu! Tưởng cô bé chỉ bị mệt mỏi của năm học cuối cấp, ai dè, ngày hôm sau, lại vẫn một ý đó: Con không muốn đi học nữa!

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Khỏi phải kể nhiều về nỗi sốc của vợ chồng chị Yên. Sau gần 12 năm đèn sách, mùa thi chính là giai đoạn quyết định, lẽ nào lại chịu lỡ dở? Nhìn con gái nằm ủ rũ, chị không nỡ ép con phải đến trường, càng chẳng biết phải xử lý làm sao. 

Gọi cho thầy chủ nhiệm thì biết gần đây, cô bé thường đi trễ về sớm, chểnh mảng, vi phạm nội quy lặt vặt. Điểm số ở lớp tuy thấp nhưng đâu tới nỗi phải chán nản tới mức này nhỉ?

Không hiếm những đứa trẻ "to xác" nhưng tâm trí vẫn còn nhiều non nớt, dễ tổn thương, hay quan trọng hóa vấn đề, và yếu đuối khi phải đối diện với các vấn đề riêng của cuộc sống. Mỗi một thay đổi, vài lời trêu chọc, một câu vô ý... đều dễ làm các con cảm thấy bị đả kích nghiêm trọng.

1. Chị Yên tự xét mình cũng là người quan tâm tới con, chăm sóc con tương đối chu đáo, cẩn thận. Thế nhưng, khi mẹ gặng hỏi vì sao con muốn bỏ học, thì con gái chị đã buông nhiều câu rất đáng buồn: Mẹ đâu hiểu con, mẹ có biết con từng bị bạo lực học đường, con bị stress, con sợ đi học không? Hay mẹ chỉ muốn bắt con tiếp tục đi học cho mẹ vừa lòng?

Những lời ấy khiến gia đình chị Yên trĩu nặng lo âu. Vợ chồng xét lại từng chút một, trách cứ, đổ lỗi cho nhau... 

Chị quáng quàng đưa con đi bệnh viện, sau khi nhận thấy con gái xuất hiện vài biểu hiện phức tạp: thường xuyên sợ hãi, không dám ở nhà một mình. Giấc ngủ cũng chập chờn, hay giật mình, lại bảo nghe thấy có âm thanh, tiếng nói trong đầu...

Bác sĩ thông báo, con gái chị Yên bị trầm cảm độ 2, tức không phải là nhẹ. Khuyên gia đình, ngoài cho uống thuốc, hãy để mắt tới con nhiều hơn. Chị Yên đành xin nghỉ không lương một thời gian, để có thể loanh quanh bên cạnh con gái. 

Giờ, buổi học nào mà con kêu mệt hoặc miễn cưỡng, chị mạnh dạn cho con nghỉ ở nhà. Sức khỏe quan trọng hơn, còn người thì còn tương lai, chị không muốn phải quá quan trọng chuyện tốt nghiệp hoặc vào đại học nữa. Chỉ mong con gái mau bình tâm vượt qua giai đoạn khó khăn này là mừng rồi.

2. Cũng bất ngờ khi Bi hay khóc lóc, đòi xuống ngủ với mẹ, dù đã học lớp 10, cả nhà chị Ngà tá hỏa khi được cô giáo chia sẻ: "Bi "quen" với bạn học cùng lớp, hai đứa mới nghỉ chơi nhau nên chắc suy sụp". 

Tìm hiểu thêm, chị Ngà biết Bi có phần xấu hổ với xung quanh, khi bị "người yêu" chủ động nói chia tay trước mặt đông đảo bạn bè. Dù trước đó, "người yêu" luôn tỏ ra chiều chuộng, lép vế trước Bi.

Không dám la mắng con, thậm chí là hỏi han cũng phải xa gần tế nhị, chị Ngà chỉ lẳng lặng đưa đón, nhắc con ăn uống ngủ nghỉ, bồi dưỡng. Dù sốt ruột vì những ngày cuối năm học tới gần, nhưng chị Ngà cũng không dám hối thúc con ôn bài. 

Chị đành thở dài nhìn con mình thẫn thờ nằm một chỗ, lúc vui lúc buồn, lúc gần gũi lúc lạnh lùng cáu giận với cả người thân...

3. Bây giờ, không hiếm những đứa trẻ "to xác" nhưng tâm trí vẫn còn nhiều non nớt, dễ tổn thương, hay quan trọng hóa vấn đề, và yếu đuối khi phải đối diện với các vấn đề riêng của cuộc sống. 

Mỗi một thay đổi, vài lời trêu chọc, một câu vô ý... đều dễ làm các con cảm thấy bị đả kích nghiêm trọng. Ba mẹ thì bận bịu, yêu thương con nhưng không phải đã đủ sâu sát. Lứa tuổi mới lớn thích tìm hiểu, yêu đương, nhưng lại thiếu kiến thức và cả sự chín chắn để hành xử.

Áp lực học hành, thi cử, phải có thành tích hoặc đậu vào trường này trường kia khiến học sinh khổ sở, không dám đối diện, đôi khi chọn phương án "đổ bệnh" một cách vô thức.

Thêm là ba mẹ, người nhà thường mặc định cho rằng "các con còn nhỏ", "chưa biết gì đâu", hoặc "toàn là chuyện vặt ấy mà", "học thôi chứ có gì khó"... 

Nên khi gặp chuyện, các con dễ đổ vỡ tinh thần, hụt hẫng, thậm chí là nghĩ quẩn. Không phát hiện để chữa trị hoặc trấn an kịp thời, nhiều khi hậu quả khó lường.

Sự quan tâm, đồng hành của gia đình luôn là liều thuốc "dự phòng" quan trọng, giúp con cái phòng tránh hoặc dễ vượt qua được những trận trầm cảm lẽ ra không đáng có của tuổi học trò.

Chữa trầm cảm cho phụ nữ theo cách trao chìa khóaChữa trầm cảm cho phụ nữ theo cách trao chìa khóa

Hơn nửa thập niên, người thì đóng cổng nhà không tiếp chuyện ai. Một người phụ nữ khác khi nhận tin "sét đánh" mắc bệnh ung thư đã nghĩ đến chuyện tự kết thúc đời mình. Một ngày, họ cùng ngồi lại nắm chặt tay nhau, vượt qua "hố đen" trầm cảm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên