Nắp cống bị mất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, cơ quan chức năng phải dùng tấm ván để che chắn tạm - Ảnh: LÊ PHAN
Trách nhiệm của những người mua phế liệu đến đâu khi họ có liên quan đến những vụ trộm cắp này?
Trong nhiều vụ việc mất cắp xảy ra gần đây, gây bức xúc nhất có lẽ là việc 44 nắp chắn rác của cống thoát nước bị kẻ trộm cạy mất khi cầu Thủ Thiêm 2 vừa thông xe ít ngày. Cùng lúc đó, trên địa bàn TP Thủ Đức lại phát hiện vụ hơn 10 nắp hố ga, hầm cáp điện trên tuyến đường Tố Hữu hay nhiều nắp chắn rác ở nhiều cầu cũng đã "không cánh mà bay" từ lúc nào.
Dù phần lớn vụ việc mất cắp các tài sản công cộng, giá trị tài sản bị mất có thể không lớn hoặc khi đi bán như phế liệu không được bao nhiêu tiền, nhưng hậu quả để lại thì không nhỏ và nguy hiểm cho xã hội. Tiêu biểu là vụ việc đau lòng hai trẻ đuối nước tại kênh Sơ Rơ (quận 12, TP.HCM) do lan can kênh bị mất một đoạn. Hoặc như nhiều vụ trộm ốc vít, cạy sắt chân trụ điện nông thôn có thể gây thương vong khi công trình hư hỏng, ngã đổ.
Điều đáng nói, ví như vụ cầu Thủ Thiêm 2, hàng chục nắp chắn rác có giá trị hơn 10 triệu đồng do chủ đầu tư chi ra nhưng kẻ gian chỉ bán đồng nát với giá vài trăm nghìn đồng! Có thể thấy, từ quyền lợi của người dân đến các đơn vị chủ đầu tư và ngân sách nhà nước… đều bị "thiệt đơn thiệt kép" qua các vụ việc trộm cắp "vặt" trên.
Sau mỗi vụ trộm, dư luận lại mong truy ra ai là kẻ trộm. Bằng cách nào? Không thể có sẵn hình ảnh từ camera trong mọi trường hợp! Rất dễ đoán biết mục đích của các hành vi trên là kiếm chát chút tiền. Và để có thể quy thành tiền thì "bến đỗ" của các tài sản, thiết bị công trình giao thông bị mất cắp… là các cơ sở thu mua phế liệu, đồng nát. Nơi có thể tìm ra manh mối kẻ gian phải ở nơi tiêu thụ hàng gian, do trộm cắp mà có.
Những người mua ve chai có biết mình đã mua hàng trộm cắp, có quan tâm mình đã mua món hàng gì, mua từ ai? Chuyện này có thể không cần thiết với những phế liệu bình thường, nhưng sẽ rất không bình thường nếu người ta mua bán một món đồ trộm cắp từ công trình.
Dõi theo các vụ việc xảy ra gần đây, rất ít thấy đơn vị chức năng xử lý cá nhân hay cơ sở thu mua, tiêu thụ tài sản như người bán phế liệu, cơ sở thu mua ve chai. Chỉ cần biện minh "không biết đó là tài sản công" hoặc "không quen biết người bán" là xong? Những người mua đồ trộm cắp có thể đều vô can không khi mình tiếp tay tiêu thụ?
Để giải quyết vấn nạn trộm cắp như trên không chỉ cần sự vào cuộc từ phía cơ quan chức năng, mà cần phải có sự hỗ trợ và sự quyết liệt từ cộng đồng. "Tai mắt" của nhân dân là mạng lưới truyền tin, tố giác vô cùng mạnh mẽ để cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, có chế tài xử lý các hiện tượng thu mua, tiêu thụ tài sản trộm cắp.
Và rất cần sự cẩn giác, tinh thần trách nhiệm từ chính những người mua phế liệu. Khi được xử lý nghiêm khắc, sẽ không có ai dám tiếp tay cho kẻ phá hoại công trình công cộng để chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bên cạnh đó, các phụ kiện của các công trình này cũng nên có ký hiệu nhận biết đặc biệt để không ai dám nghĩ đến việc lấy cắp và người mua, tiêu thụ không thể thoái thác, bao biện trách nhiệm.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết trường hợp nếu người tiêu thụ tài sản hoàn toàn không biết về nguồn gốc, xuất xứ của tài sản thì đây chỉ được xem là một giao dịch dân sự, do đó người tiêu thụ tài sản không vi phạm pháp luật.
Trường hợp người tiêu thụ tài sản biết rõ nguồn gốc xuất xứ của tài sản là do trộm cắp mà có và hai bên có sự hứa hẹn trước với nhau về việc tiêu thụ tài sản trộm cắp đó thì người tiêu thụ tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản với vai trò đồng phạm.
Còn trường hợp người tiêu thụ tài sản "biết rõ" nguồn gốc, xuất xứ của tài sản nhưng giữa hai người không có sự hứa hẹn trước thì người tiêu thụ tài sản sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, theo quy định tại điều 323 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) tùy vào giá trị của tài sản.
"Biết rõ" ở đây không phụ thuộc vào lời khai của người tiêu thụ tài sản mà phụ thuộc vào hành vi khách quan thể hiện ý thức chủ quan của họ. Chỉ cần có căn cứ chứng minh rằng họ biết rõ đó là tài sản do trộm cắp mà có (thông qua việc biết trực tiếp, thông qua truyền thông, thông qua nhận thức thông thường…) nhưng vẫn cố ý tiêu thụ thì vẫn sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Về cơ bản, giá trị của những tài sản bị trộm cắp này trên thực tế là không lớn, tuy nhiên hành vi trên sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và mỹ quan đô thị, vì vậy nên có những biện pháp xử lý, ngăn ngừa kịp thời.
Người thu mua, những cơ sở ve chai, phế liệu cần phải kiểm tra thật kỹ nguồn gốc, xuất xứ của tài sản trước khi mua, đặc biệt với những đồ vật chuyên dụng. Báo cáo với chính quyền địa phương khi phát hiện tài sản mua bán là tài sản do trộm cắp mà có nhằm kịp thời xử lý. Đồng thời, luật sư Lĩnh cũng kiến nghị cần phải tăng chế tài đối với hành vi tiêu thụ tài sản do trộm cắp mà có.
TUYẾT MAI
Tại Nhật Bản có hơn 15 triệu nắp cống và tuyệt nhiên không có tình trạng ăn cắp "vặt". Các nắp cống còn được tô vẽ, trang trí những hình ảnh thể hiện văn hóa, lịch sử đất nước. Nhiều vụ mất cắp gần đây cho thấy việc giữ gìn, bảo vệ tài sản công hiện nay chưa được coi trọng đúng mức, chưa xử lý triệt để vi phạm và có những "kẽ hở" trong việc truy cứu trách nhiệm các bên liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận