Biển quảng cáo chương trình đầu tư định cư có nội dung “Đầu tư vào Hi Lạp, thay đổi cuộc sống” - Ảnh: GETTY IMAGES
Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dạng thức này đang bùng nổ mạnh hơn.
Sau gần 9 tháng thế giới sống chung với virus corona, không ít người bắt đầu quan tâm hơn tới chuyện có một tấm thẻ thường trú hoặc một quốc tịch khác để vượt qua những khó khăn, hạn chế của dịch bệnh đã ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc của họ.
Trong khi đó, nhiều quốc gia cũng muốn tăng thêm nguồn thu ngân sách từ các chương trình đầu tư định cư để có chi phí lo toan phúc lợi xã hội và vực dậy nền kinh tế đang khánh kiệt, lao đao vì COVID-19.
Giải pháp tăng thu ngân sách
Các chương trình đầu tư định cư (bỏ một khoản tiền đầu tư tối thiểu để được cấp thẻ thường trú hoặc quyền công dân của một nước) đã có ít nhất từ những năm 1980.
Canada có chương trình này từ những năm 1980. Mỹ bắt đầu cung cấp chương trình visa EB-5 từ năm 1990 và Anh cũng áp dụng tương tự liền sau đó. Theo Công ty Henley Global, hiện hơn 100 quốc gia trên thế giới có chương trình đầu tư định cư, hơn một nửa trong đó chỉ mới bắt đầu từ sau năm 2000 và phần nhiều trong số này được khởi động sau 2008.
Bà Kate Everett-Allen, phụ trách mảng nghiên cứu cư trú quốc tế tại Công ty bất động sản Knight Frank (London, Anh), cho rằng nhiều nước mở chương trình đầu tư định cư sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 vì cần một giải pháp hỗ trợ kinh tế trong nước.
Những quốc gia này mở cửa với những người giàu có ở nước ngoài để đổi lấy những khoản đầu tư lớn vào bất động sản hoặc các lĩnh vực kinh doanh khác. Ở châu Âu, Cyprus mở chương trình đầu tư định cư năm 2012, Malta có năm 2014, các chương trình tương tự cũng được giới thiệu ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hi Lạp.
Từng có thời người ta chỉ quan tâm tới các chương trình đầu tư định cư tại những quốc gia phát triển như Mỹ hay Vương quốc Anh, nhưng giờ đây chương trình này được mở rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Bồ Đào Nha, St. Lucia, Montenegro.
Dù vậy, các chương trình đầu tư định cư cũng đã có những thay đổi lớn trong những năm gần đây. Những thay đổi này một phần vì sức ép từ các chính phủ nhằm siết chặt hơn thủ tục nhập cư và đòi hỏi sự minh bạch hơn trong hoạt động đầu tư nước ngoài.
Theo Công ty Henley & Partners, mặc dù các chương trình đầu tư định cư hiện khá phổ biến song khoảng 80% visa dành cho nhà đầu tư hiện vẫn đang do một nhóm nhỏ các nước/thành phố có thu nhập cao như Mỹ, Anh, Canada, Úc và Hong Kong cấp.
Bùng nổ vì COVID-19
Cho tới nay, nguồn cung của các chương trình đầu tư định cư vẫn luôn mở rộng. Giới chuyên gia cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục. Do những áp lực tài chính vì đại dịch COVID-19, nhiều chương trình đầu tư định cư hẳn sẽ được các nước tung ra trong thời gian tới.
Bên "cung" bùng nổ cũng để nhằm đáp ứng mức tăng của bên "cầu". Thời gian qua, sự quan tâm và nhu cầu của những người giàu có với các chương trình đầu tư định cư cũng đã tăng lên rõ rệt. Đây là những cá nhân có nhu cầu di chuyển thuận lợi hơn ra quốc tế và mong muốn đa dạng hóa đầu tư.
"Công ty chúng tôi nhận thấy sự quan tâm và các yêu cầu về vấn đề này trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020 đã tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái" - ông Paddy Blewer, giám đốc phụ trách quan hệ công chúng của công ty chuyên tư vấn về đầu tư định cư Henley & Partners có trụ sở tại London, Anh, chia sẻ.
"Và điều thú vị là có sự gia tăng mức độ quan tâm rất lớn từ người Mỹ, những người thông thường không phải thuộc thị trường khách hàng lớn", ông Paddy Blewer tiếp.
Theo ông Paul Williams - CEO Công ty La Vida Golden Visas, một công ty chuyên tư vấn, cung cấp dịch vụ đầu tư định cư cho các khách hàng từ 80 nước trên thế giới, sự quan tâm của khách hàng với các chương trình này ở vùng Caribê giảm vào cuối tháng 3 và trong suốt tháng 4 năm nay, tuy nhiên sau đó tăng vọt trở lại trong tháng 5, 6 và 7.
"Hiện tại đang có rất nhiều người muốn có quyền công dân tại Caribê", ông Paul Williams nói và cho biết thêm trong số nhu cầu mới tăng này có nhiều người Mỹ.
Mặc dù đại dịch COVID-19 có thể là yếu tố "thời sự" làm tăng sức nóng của các chương trình đầu tư định cư, song theo ông Paddy Blewer, động lực chính khiến các chương trình này "bung nở" những năm qua là do con người luôn có nhu cầu được đi lại tự do, thoải mái - những quyền lợi mà tấm hộ chiếu của quốc gia họ chọn đầu tư sẽ đáp ứng.
Ông Paddy Blewer, người từng tư vấn nhiều về chương trình này cho các doanh nhân trong độ tuổi 40 hoặc 50 từ Tây Phi, Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc hoặc Trung Đông - những người là thế hệ đầu tiên trong các gia đình giàu có, cho biết một nhà đầu tư điển hình trong các chương trình đầu tư định cư là người muốn tự do đi lại ở châu Âu hoặc Mỹ để làm ăn hay nghỉ dưỡng cùng gia đình mà không cần phải xin nhiều visa.
Rõ ràng quan hệ cung - cầu là một thực tế của thị trường này, và lợi ích được chia đều giữa hai bên khi đáp ứng được thỏa thuận chung đặt ra. Tuy nhiên từ những tình huống phát sinh khi các chính sách đầu tư định cư bị lợi dụng làm "cửa sau" cho tội phạm truy nã hoặc quan chức tham nhũng "chạy án", nhiều quốc gia cũng đã và đang phải sửa hay soạn luật để có thể vừa đạt mục tiêu kinh tế vừa tránh được những rủi ro, hệ lụy bất ổn từ chính sách này.
Muôn vàn lý do mua hộ chiếu thứ 2
Hộ chiếu của quốc đảo St. Kitts & Nevis, nằm giữa Đại Tây Dương và biển Caribê, là một trong những quốc gia có chương trình đầu tư định cư lâu đời nhất, từ năm 1984 - Ảnh: JHMARLIN
Những yếu tố cũng được coi là động cơ chính thúc đẩy sự phát triển của các chương trình đầu tư định cư là cơ hội giáo dục hay việc làm, các chính sách ưu đãi thuế, an toàn cá nhân, đa dạng hóa tài sản toàn cầu hoặc tìm cơ hội tăng nguồn thu cho những khoản đầu tư bất động sản.
Chưa kể là những biến động địa chính trị gần đây như ở Hong Kong cũng đã khiến nhiều người tìm tới chương trình đầu tư định cư như một giải pháp hữu dụng để họ quản lý bất ổn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận