Bức tranh The salon of litterature at Madame Geoffrin's mansion của họa sĩ người Pháp Anicet Charles Gabriel Lemonnier Bức tranh The salon of litterature at Madame Geoffrin's mansion của họa sĩ người Pháp Anicet Charles Gabriel Lemonnier
Nobel văn chương năm nay, một lần nữa, ném quả táo bất hòa vào một thế giới sôi sùng sục không ai thèm nghe ai...
Và những tưởng Nobel văn chương được trao cho ca sĩ - nhạc sĩ Bob Dylan đã là thảm họa. Những tưởng chồng của một thành viên Ủy ban Nobel dính dáng tới vụ cưỡng hiếp và tiết lộ danh tính người được trao, khiến vợ ông phải rút khỏi hội đồng và Nobel văn chương không trao vào năm 2018 mà để dành trao gộp vào năm 2019, đã đủ gọi là xìcăngđan khổng lồ.
Những tưởng giữa bao ồn ào huyên áo, Ủy ban Nobel sẽ lựa chọn người trao để ít gây điều tiếng nhất. Nhưng không, đó chỉ toàn là những tưởng của toàn thế giới.
Họ hứa
Tờ New York Times (ngày 10-10-2019) ghi lại rằng do thường xuyên bị chỉ trích bởi các nhà phê bình là giải Nobel đã trao cho người quá vô danh, trao quá nhiều đàn ông, trao quá nhiều cho nhà văn châu Âu, nên năm nay trong một cuộc phỏng vấn, ông Anders Olsson - người đứng đầu ban văn chương Ủy ban Nobel - nói:
"Trước đây, chúng tôi đã chỉ tập trung vào văn chương của các nước châu Âu, còn giờ đây chúng tôi đang nhìn ra khắp thế giới. Trước đây, giải Nobel chỉ tập trung vào các tác giả là đàn ông. Giờ đây chúng ta có rất nhiều cây viết nữ thật sự vĩ đại, vì thế giải thưởng và toàn bộ cơ chế xét giải đã được kiện toàn và phạm vi đã được mở rộng hơn rất nhiều".
Như vậy, họ hứa sẽ ưu tiên sự đa dạng và khi lựa chọn người trao giải, họ sẽ tính đến yếu tố đa dạng về địa lý lẫn giới.
Nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk
Họ trao
Và xong, họ trao cho hai nhà văn của lục địa già. Những cái tên nằm trên bảng cá cược đoạt Nobel, để những mong đa dạng hóa văn hóa, những Tàn Tuyết, những Ngũgĩ wa Thiong'o không hề được cất lên. Mà đầu tiên là Olga Tokarczuk, và tiếp đến là Peter Handke.
Lời hứa mở rộng phạm vi có vẻ chỉ là về lý thuyết. Và lời phê phán rằng lựa chọn của hội đồng năm nay "quá châu Âu" có lẽ vẫn chỉ là một lời chê nhẹ nhàng.
Bởi xìcăngđan kéo theo ngay sau khi cái tên Peter Handke xướng lên, với những chỉ trích đối với cả hai tân khôi nguyên Nobel, rằng Olga là một người thiên tả, còn Peter lại đích thị là một tay thiên hữu.
Họ được tụng ca
Nhưng năm 2018 đã là một năm thắng đậm của Olga Tokarczuk, nữ văn sĩ người Ba Lan, mà cho đến gần đây, các tác phẩm mới được dịch ra tiếng Anh một cách rộng rãi.
Đi sâu vào những vi tế trong tâm lý con người, đồng thời cũng tập trung vào những vấn đề vĩ mô như chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sự mập mờ của đường biên giới và cách vượt qua các ranh giới, căn cước và sự bấp bênh của nó, Tokarczuk là một trong những nhà văn Ba Lan hiện đại quan trọng và xuất sắc nhất.
Tác phẩm Flights (tên tiếng Ba Lan là Bieguni) khai thác những vấn đề kể trên, đã được trao giải Booker quốc tế năm 2018, đưa bà vụt lên vị trí sao sáng trên văn đàn thế giới.
Bà còn là nhà văn nữ quyền tiên phong, một nhà hoạt động vì môi trường, một người bất đồng chính kiến với Chính phủ Ba Lan. Với phong trào môi trường đang lên cao, với #metoo quét qua mọi ngả đường thế giới, Olga Tokarczuk là một lựa chọn hoàn hảo.
Tập đại thành của bà sẽ sớm được xuất bản cho độc giả tiếng Anh, cuốn The Books of Jacob, vào năm 2021.
Nhà văn Áo Peter Handke
Và họ bị phản đối
Trái ngược hoàn toàn với chủ nhân văn chương 2018 là dư luận dành cho chủ nhân năm 2019, cứ như thể hội đồng chấm giải Nobel như muốn ra một thông điệp rằng: quyết định của họ chẳng bị thúc ép bởi bất kỳ một thế lực nào?
Hay đơn giản là họ muốn giỡn mặt công chúng. Bởi Peter Handke là một lựa chọn còn hơn cả xìcăngđan.
Chỉ vài phút sau khi cái tên Peter Handke, một nhà văn Áo nổi tiếng, được xướng lên, ngay lập tức bất đồng từ nhẹ nhàng tới căm phẫn xuất hiện trên mạng.
Và quả như những gì chúng ta đoán được, ngày hôm sau, rất nhiều tờ báo chạy những tiêu đề gay gắt, từ "lựa chọn có vấn đề", tới "trò đùa," tới "sự mù lòa về mặt luân lý đến kinh ngạc". Hiệp hội các nhà văn (PEN) Mỹ và Đức ra ngay thông cáo chỉ trích.
Phản ứng đủ kiểu đến từ khắp nơi trên thế giới: trong khi ở Áo và Đức thì có cả ngợi ca lẫn công kích, ở Serbia thì tuyền tụng ca, ở Mỹ và Anh thì lên án, còn ở Bosnia thì biểu tình.
Peter Handke là ai mà có thể gây ra sóng gió dữ dội đến vậy trên văn đàn quốc tế? Ông là một trong những nhà văn sáng giá nhất của Áo sau Thế chiến 2.
Ông đứng ngang hàng với Thomas Bernhard - được người bạn thân là Elfriede Jelinek, nữ tác gia người Áo được trao Nobel văn chương năm 2004, tụng ca là người xứng đáng nhận giải Nobel còn hơn bà, với hàng loạt tiểu thuyết khai thác những ngóc ngách tâm lý bí ẩn.
Lên án ngôn ngữ và coi ngôn ngữ là sự hạn chế, bác bỏ cái ý niệm văn chương dấn thân của Jean-Paul Sartre là quá lãng mạn, Handke muốn tìm ra một thứ ngôn ngữ mới, nơi giúp con người ta thoát khỏi những hiện thực hư cấu, mà tìm được tâm thức đích thực.
Nói như dịch giả và nhà phê bình Theodora Danek, "Từ những năm 1960 đến giữa những năm 1980, Handke là nhà văn được yêu mến và kẻ lập dị của văn chương Áo, một sự hiện diện cáu kỉnh chống đối lại mọi thứ, và đặc biệt là thiết chế tư sản thành Vienna".
1996 là năm định mệnh với Handke, ông cho xuất bản A Journey to the Rivers: Justice for Serbia, một tác phẩm du ký nơi Handke phủ nhận vai trò của người Serb trong cuộc thanh tẩy sắc tộc mà cho rằng Serbia mới là nạn nhân của cuộc chiến Nam Tư.
Handke tin rằng truyền thông phương Tây đã dựng nên hình ảnh méo mó về Serbia và chỉ có ông mới hiểu rõ được sự thật nào mới là sự thật. Hơn 8.000 đàn ông và bé trai theo đạo Hồi người Bosnia đã bị quân đội Serb hành hình tập thể ở Srebrenica.
Handke coi nạn diệt chủng ấy là không tồn tại, và rằng người Hồi giáo đã tự dàn dựng những vụ thảm sát để đổ tội cho quân Serb. Năm 2006, Handke - một người theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ Serbia - đứng lên tụng ca, bảo vệ và tham dự lễ tang người bạn thân Slobodan Miloševic, cựu tổng thống Nam Tư cũ. (người từng bị bắt và giao cho tòa án xử tội phạm chiến tranh ở Den Haag vào năm 2001, chết trong tù năm 2006.
Năm 2015, tòa án kết luận không có chứng cứ để buộc tội Miloševic đã phạm tội ác chiến tranh). Trong một cuộc phỏng vấn năm 2006, Handke nói về Miloševic: "Tôi nghĩ ông ấy là một người khá thảm thương. Không phải là anh hùng, mà là một con người thảm thương. Tôi là nhà văn, không phải quan tòa".
Cũng trong cuộc phỏng vấn ấy, ông nói ông nghĩ đời mình đã xong. Với nhiều người thì quả tình như vậy, Salman Rushdie gọi ông là "Thằng khốn quốc tế của năm" (trong cuốn Step Across This Line: Collected Nonfiction 1992-2002). Susan Sontag bảo rằng đời ông đã xong, ít nhất là ở New York này. Năm 2006, khi ông được trao giải thưởng Heinrich Heine, hàng loạt công kích và phản đối xảy ra căng thẳng đến nỗi Handke đã từ chối không nhận giải trước.
Phản ứng của dư luận quốc tế ngay khi tin ông được trao Nobel là hoàn toàn có thể biết trước: Những lời phê phán và chửi rủa túa ra trên mọi mặt báo, đến từ nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu, đến các nhà báo đã đưa tin về cuộc chiến tranh ở Nam Tư.
Peter Maass cho rằng "Đọc ông ta là một chuyện - nhưng trao cho ông ta một giải thưởng lại là chuyện khác, một giải thưởng khẳng định tính hợp pháp lớn lao của toàn bộ các tác phẩm của ông ta, không chỉ tiểu thuyết và kịch, là những thứ gần như hoàn hảo không chê vào đâu được và không có chút tính chính trị nào".
Chính vì vậy, nhiều dịch giả nghi ngờ rằng từ sau năm 1996, khi các tác phẩm của Handke không được tiếp tục dịch sang tiếng Anh và tiếng Thụy Điển nữa, có khả năng Uỷ ban Nobel đã không đọc các cuốn du ký và truyện dài của Handke.
Hẳn nhiên Bosnia và Kosovo là nơi phản ứng dữ dội nhất với hơn 20.000 chữ ký của người thân những nạn nhân của cuộc diệt chủng yêu cầu tước giải Nobel của Handke.
Nơi tụng ca Handke nhiều nhất chính là Serbia, nơi báo chí coi giải Nobel đã được trao cho "người bạn của người Serb", người đã là thành viên của Hội Khoa học và nghệ thuật quốc gia từ năm 2012.
Trước những sóng gió trong dư luận, Anders Olsson - thư ký thường trực của Uỷ ban Nobel trả lời tờ New York Times rằng Handke đã được lựa chọn dựa trên giá trị văn chương và mỹ học. "Nhiệm vụ của hội đồng không phải cân bằng chất lượng văn chương với những xem xét về mặt chính trị", rồi nói thêm: "Đây đâu phải là giải chính trị, mà là giải văn chương".
Vụ mạo danh kỳ quái
Như thể những huyên náo ấy là chưa đủ, thì vừa xong, John Banville lại tiết lộ cho các nhà báo khắp thế giới: ông bị lừa là mình đã được trao giải Nobel văn chương năm nay.
Nhà văn Ireland từng đoạt giải Booker cho tác phẩm Biển, tác giả một loạt tác phẩm đồ sộ khác, nhận được một cú điện thoại của một người tự xưng là Mats Malm, thư ký thường trực của Uỷ ban Nobel. "Ông ta hỏi tôi thích nhận giải năm 2018 hay 2019…
Ông ta nói rất đáng tin - Banville cho biết - Và tôi đã tin luôn". Thật khó mà không tin khi số điện thoại hiện lên là số của chính Ủy ban Nobel ở Thụy Sĩ. Banville đã gọi điện cho tất cả bạn bè thân hữu để chia sẻ tin tốt, để rồi sau khi thông báo giải Nobel chính thức xuất hiện, con gái ông đã gọi và báo không phải là ông.
Trong 45 phút hân hoan, Banville đã nghĩ tác phẩm của mình được Uỷ ban Nobel công nhận, và rằng ông đi theo bước chân của những bậc thầy văn chương vĩ đại như William Butler Yeats, George Bernard Shaw.
Quả đã nhiều năm rồi, Nobel không về với Ireland. Dẫu có chua chát, Banville vẫn nhìn ra khía cạnh hài hước của vụ lừa đảo, ông chính là "người suýt nữa thì giành giải Nobel".
Nobel ngừng trao giải một năm khiến 2019 trở thành năm rộn ràng với cộng đồng văn chương thế giới, khi người ta đón chờ hai cái tên ít nhiều có thể đáp ứng mong muốn của công chúng và tương xứng với lời hứa của hội đồng chấm giải.
Kết quả là hai cái tên gây ra phản ứng gần như đối cực: Không có điều tiếng mấy về Olga Tokarczuk, nhưng Handke sẽ vĩnh viễn là một ca đầy rắc rối, rồi sẽ còn được dai dẳng nhắc đến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận