Theo báo New York Post, những cáo trạng của tòa án liên quan vụ việc mà tờ báo này tiếp cận được cho biết, ông Guramrit Hanspal, 52 tuổi, đã sống trong ngôi nhà mua theo hình thức trả góp này trong 23 năm qua.
Ở thời điểm mua, căn nhà của ông Hanspal có giá 290.000 USD, tuy nhiên trong suốt 23 năm sống tại đó, ông chỉ mới trả được một lần duy nhất số tiền 1.602,37 USD.
Cũng theo cáo trạng của tòa, trong suốt thời gian đó, ông Hanspal đã bốn lần nộp đơn kiện và tự tuyên bố phá sản 7 lần, để tránh việc bị trục xuất khỏi ngôi nhà.
Ngôi nhà ông Hanspal mua trả góp cho tới nay đã thuộc sở hữu của 2 ngân hàng khác nhau và một công ty bất động sản kể từ năm 2000.
Theo một điều khoản có tên “luật tự động đình chỉ” trong Bộ luật Phá sản Hoa Kỳ, trong trường hợp một người tuyên bố phá sản, thì các chủ nợ sẽ tạm thời không được tịch biên tài sản, gây phiền hà hay cố tìm cách thu nợ.
Điều đáng nói tại ngôi nhà nói trên không chỉ có một mình ông Hanspal sinh sống. Cáo trạng của tòa cho biết có “ít nhất ba người khác” đang sống tại địa chỉ này cũng đã nộp đơn xin phá sản, và đã được áp dụng luật “đình chỉ tự động” vừa nêu.
Theo ông Jordan Katz - một luật sư đại diện quyền lợi cho chủ của tòa nhà là công ty Diamond Ridge Partners cho rằng, rõ ràng nhóm người này đang lợi dụng kẽ hở của luật pháp để chiếm đoạt tòa nhà.
Ông Hanspal đã mua trả góp ngôi nhà từ ngân hàng Washington Mutual.
Năm 2008 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, ngân hàng Washington Mutual sụp đổ, và ngân hàng JP Morgan Chase thâu tóm các tài sản của họ. Tuy nhiên ngay cả JP Morgan Chase cũng chưa “tống cổ” được vị khách hàng “cù nhây” Hanspal.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận