Một chung cư ở quận Tân Phú giao nhà xong đã nhiều năm nhưng chủ đầu tư chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho cư dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cụ thể tại chương trình, bà Nguyễn Thị Thu Nga - phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết đang đề xuất với UBND TP về việc công khai tên các chủ đầu tư vi phạm xây dựng lên trang thông tin điện tử và cấm chủ đầu tư làm các dự án mới.
Chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì, báo cho ai?
Trước đó, ông Trần Minh Tuấn, phó ban quản trị chung cư Hưng Ngân (quận 12), phản ánh chủ đầu tư cam kết nhiều tiện ích cho chung cư nhưng người dân đến ở nhiều năm mà các tiện ích vẫn chưa có.
"Những chung cư có tiện ích tốt hơn thường được chọn mua với giá cao hơn chung cư chỉ có căn hộ ở. Chủ đầu tư không xây dựng các tiện ích kèm theo dự án thì cơ quan nhà nước có chế tài gì không?" - ông Tuấn hỏi.
Theo bà Nga, hành vi chưa hoàn thành các hạng mục hạ tầng của chung cư là vi phạm xây dựng, có thể bị xử phạt từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng, buộc phải xây dựng các hạng mục này.
Ngoài ra, Sở Xây dựng đang kiến nghị UBND TP cho đăng tải công khai tên các chủ đầu tư vi phạm trên các trang thông tin của Sở Xây dựng, hoặc cấm chủ đầu tư tham gia dự án mới cho đến khi xây dựng xong các hạng mục hạ tầng.
Nhiều cư dân, đại diện ban quản trị nhà chung cư còn phản ánh chủ đầu tư không chịu bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư, bàn giao không đầy đủ hoặc không chịu đóng phí bảo trì cho phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại trong tòa nhà. Người dân sẽ báo cho ai khi gặp những trường hợp như vậy?
Bà Nguyễn Thị Thu Nga giải thích rằng tất cả các chủ sở hữu trong nhà chung cư đều có trách nhiệm phải đóng 2% kinh phí bảo trì nhà chung cư cho phần diện tích sở hữu riêng và đóng góp kinh phí bảo trì cho diện tích thuộc sở hữu chung. Trừ trường hợp phần diện tích chủ đầu tư giữ lại được phân chia riêng biệt thể hiện trong hợp đồng mua bán nhà…
Nếu chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ bàn giao hoặc đóng kinh phí bảo trì thì ban quản trị hoặc người dân phản ánh đến UBND quận, huyện hoặc Sở Xây dựng.
Chung cư Lexington (TP Thủ Đức) còn vướng mắc nên người dân chưa được cấp giấy chủ quyền căn hộ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hàng chục chung cư chưa được cấp giấy chủ quyền
Cũng tại chương trình, người dân phản ảnh nhiều chung cư đã giao nhà cho dân trên dưới 10 năm nhưng vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền căn hộ.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP, cho biết hiện tại trên địa bàn TP còn khoảng 50.000 căn hộ chưa được cấp giấy chủ quyền với nhiều nguyên nhân.
Trong đó, có nhiều dự án chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ cấp giấy chủ quyền cho khách mua nhà vì chưa hoàn thành hồ sơ. Sở Tài nguyên và môi trường đã xử phạt nhiều chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp giấy chủ quyền căn hộ cho khách hàng và kiên quyết đẩy nhanh tiến độ để cấp giấy chủ quyền cho dân.
Với nhóm dự án có vướng mắc thì Sở Tài nguyên và môi trường sẽ tháo gỡ từng vấn đề một để cấp giấy chủ quyền cho dân.
Trong đó, có 6 dự án do chủ đầu tư xây dựng trái phép và 60 dự án đang bị thế chấp ngân hàng. Đây là lỗi của chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và môi trường sẽ phối hợp với Sở Xây dựng để xử lý xây dựng trái phép, buộc các chủ đầu tư phải giải chấp dự án, thay tài sản thế chấp bằng diện tích còn lại của chủ đầu tư để cấp giấy cho dân.
Còn 43 dự án phải bổ sung nghĩa vụ tài chính: Sở Tài nguyên và môi trường sẽ đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất để tính ra nghĩa vụ tài chính của từng dự án.
"Hiện sở đã có kế hoạch cụ thể để cấp giấy chủ quyền từ nay đến năm 2023, kế hoạch cho mỗi quý, mỗi tháng để UBND TP và các cơ quan chức năng giám sát thực hiện" - ông Thắng nói.
Ông Lê Hòa Bình, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết quản lý, sử dụng nhà chung cư là một nội dung quan trọng trong chương trình phát triển nhà ở của TP.HCM.
Về các phản ánh của cử tri tại chương trình, ông Bình cho biết quy định đã có đầy đủ, UBND TP đang giao cho Sở Xây dựng nghiên cứu, biên soạn cẩm nang quản lý, sử dụng nhà chung cư với nội dung gần gũi và dễ hiểu để phát hành cho các chung cư. Dự kiến tháng 4-2022, cẩm nang sẽ đến tay người dân.
Với việc cấp giấy chủ quyền căn hộ chung cư, ông Bình cho rằng các chủ đầu tư phải chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục để cấp giấy chủ quyền cho người mua nhà ngay từ khi khởi công công trình. Sau khi bàn giao nhà thì chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục để nộp hồ sơ.
Nếu để công trình hoàn thành xong mới bắt đầu làm thủ tục cấp giấy thì sẽ muộn và chậm so với quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận