Ngân hàng VNCB vừa được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng - Ảnh: Q.Định |
Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho biết đây không phải trường hợp duy nhất. Sắp tới, NH Nhà nước sẽ tiếp tục áp dụng việc mua cổ phần bắt buộc đối với những NH nào thua lỗ và không có khả năng bổ sung vốn điều lệ như VNCB.
Không chịu trách nhiệm với nhà đầu tư
VNCB tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank). Vào thời điểm tháng 5-2013, Trust Bank có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỉ đồng. Tập đoàn Thiên Thanh đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành VNCB. Tuy nhiên tháng 7-2014, hai lãnh đạo cao nhất của VNCB là nguyên chủ tịch Phạm Công Danh và nguyên tổng giám đốc Phan Thành Mai đã bị bắt. Sau đó, Vietcombank đã ký kết hợp tác chiến lược để hỗ trợ VNCB về thanh khoản, phát triển hợp tác trong các lĩnh vực nguồn vốn, kinh doanh tiền tệ... Trước thời điểm NH Nhà nước mua toàn bộ 100% cổ phần, VNCB có 551 cổ đông, trong đó 6 cổ đông pháp nhân và 545 cổ đông thể nhân. |
Ông Thanh cho biết theo quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những biện pháp nhằm chấn chỉnh hệ thống NH là sáp nhập mua bán, trong đó có việc NH Nhà nước mua lại toàn bộ NH để chấn chỉnh NH này.
VNCB làm ăn thua lỗ, buộc phải bổ sung vốn điều lệ đủ tối thiểu 3.000 tỉ đồng theo quy định.
Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông bất thường của NH này tổ chức vào ngày 31-1, phương án bổ sung vốn điều lệ đã không được thông qua.
Theo quy định, nếu NH không bổ sung được vốn điều lệ thì NH Nhà nước phải mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB để kiểm soát NH này, từ đó có các biện pháp nhằm khắc phục những khoản thất thoát, giúp NH hoạt động tốt.
Sau khi mua lại, NH Nhà nước sẽ thông qua đại diện của mình là Vietcombank tái cơ cấu VNCB.
Khi NH Nhà nước trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB cũng đồng nghĩa với toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB bị chấm dứt.
“Người góp vốn mua cổ phần thì có thắng có thua và phải chịu rủi ro nếu tổ chức mà mình góp vốn làm ăn thua lỗ, NH Nhà nước không thể chịu trách nhiệm với nhà đầu tư mà chỉ có thể chịu trách nhiệm với người gửi tiền” - ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, với một doanh nghiệp bình thường, nếu thua lỗ thì buộc phải phá sản nhưng đây là NH, không thể cho phá sản vì còn ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng loạt người gửi tiền. Do vậy buộc NH Nhà nước phải mua lại để NH Nhà nước chịu trách nhiệm với dân, với người gửi tiền.
Vì sao NH Nhà nước mua với giá 0 đồng?
Cũng theo ông Thanh, dù VNCB đã bị lỗ âm vốn điều lệ nhưng thị giá cổ phiếu VNCB có thể vẫn cao hơn 0 đồng. Tuy nhiên trong trường hợp này, chỉ có NH Nhà nước mới có thể đứng ra chịu trách nhiệm chi trả với người gửi tiền. Việc mua lại 0 đồng là do NH này đã lỗ hết vốn.
Sau khi mua lại, NH Nhà nước cử Vietcombank tham gia quản trị, điều hành VNCB. Khi hoạt động của VNCB trở lại bình thường theo đúng nội dung của phương án cơ cấu lại, NH Nhà nước sẽ tiến hành các biện pháp tiếp theo như mua bán lại hoặc cho sáp nhập với NH khác.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Trương Văn Phước - phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - nói rằng một NH cổ phần cũng giống như một doanh nghiệp, khi NH Nhà nước mua lại với giá 0 đồng nghĩa là gánh vác những nghĩa vụ với các khoản nợ của NH.
Đây cũng là một trong những giải pháp mà trước đây Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đề xuất với NH Nhà nước.
Theo TS Trần Du Lịch, NH thương mại cũng là một doanh nghiệp nhưng là một doanh nghiệp đặc biệt, có một NH mẹ là NH trung ương. Và vì vấn đề an toàn hệ thống và trách nhiệm với người gửi tiền, NH mẹ phải thực hiện quyền và trách nhiệm để đảm bảo an toàn hệ thống khi NH thương mại đã lỗ hết vốn chủ sở hữu như trường hợp VNCB.
Về phía cổ đông, theo ông Lịch, là phải chịu rủi ro vì vốn chủ sở hữu của NH mà họ đầu tư không còn nữa, thậm chí âm. “Cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ, thường không có quyền gì mà tùy thuộc người điều hành các cổ đông lớn. Một khi cổ đông lớn làm cho NH rơi vào khó khăn thì cổ đông nhỏ cũng đi theo”, ông Lịch nói.
Theo quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20-9-2013, NH Nhà nước là cơ quan có thẩm quyền trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Việc NH Nhà nước mua lại tổ chức tín dụng cũng là biện pháp cuối cùng sau khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện yêu cầu của NH Nhà nước trong việc tăng vốn, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc khi NH Nhà nước xác định số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có thể gây mất an toàn hệ thống. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận