Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai hàng loạt các giải pháp với mục tiêu đảm bảo vận hành và cung ứng điện mùa khô cũng như cả năm 2024. Đồng thời, EVN chú trọng việc phối hợp với các địa phương vận động người dân tiết kiệm điện.
Đây là giải pháp xuyên suốt không chỉ trong các tháng cao điểm nắng nóng mà triển khai trong cả năm 2024
Đến mùa nắng lại âu lo với hóa đơn tiền điện
Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024 có khả năng xảy ra khô hạn kéo dài tại khu vực Nam bộ. Cao điểm mùa khô thường diễn ra từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5, nhưng năm nay xuất hiện nắng nóng khá sớm khi bắt đầu ngay từ cuối tháng 1-2024 và có khả năng kéo dài thời gian hơn trung bình các năm trước.
Với diễn biến thời tiết nắng nóng đến sớm như năm nay, bà Nguyễn Thị Loan (ngụ TP Mỹ Tho, Tiền Giang) cho biết nỗi âu lo nhất của bà hóa đơn tiền điện sẽ tăng cao sau mỗi tháng nắng.
Theo bà Loan, cứ đến mùa nắng là các thiết bị làm mát trong nhà đều phải chạy hết công suất, ban ngày thì các quạt chạy vù vù, ban đêm cả 2 điều hòa phòng ngủ đều hoạt động. Trong khi đó, các con uống nước mát nhiều nên tủ lạnh cũng mở ra đóng vào nhiều lần.
"Mấy năm nay cứ đến mùa nắng nóng này là thấp thỏm với hóa đơn tiền điện, cứ tháng nào mà thấy tiền điện tăng lên nhiều là phải tiết giảm dùng lại, hạn chế bật điều hòa hơn, cứ lúc nào xài quạt được là gắng xài, nóng chịu không nổi nữa mới xài điều hòa", chị Loan kể.
Trong khi đó, ông Trần Trường Tuấn (ngụ TP Cần Thơ) đã quá quen với việc hóa đơn tiền điện tăng gấp rưỡi, thậm chí có tháng tăng gấp đôi do nhảy các bậc thang giá cao khi dùng nhiều điện mùa nắng nên ông Tuấn điều tiết mức dùng qua app.
Theo ông Tuấn, những lúc dùng nhiều thiết bị điện, ông thường mở app của ngành điện để xem sản lượng điện dùng trong ngày. Nếu biểu đồ cho ra mức dùng quá lớn, vượt xa những ngày trước thì ông lại điều chỉnh mức dùng điện của gia đình, giảm bớt những thiết bị điện không cần thiết và không bật điều hòa dưới 22 độ C.
"Nhờ xem trên app nên mình cũng ước lượng và kiểm soát được mức dùng điện trong nhà, không để tiền điện cao ngoài tầm kiểm soát các tháng nóng", ông Tuấn kể.
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết qua hai tháng đầu năm, sản lượng điện tiêu thụ tại 21 tỉnh, thành phía Nam đã tăng 13,7% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, khách hàng có mức dùng điện trên 1 triệu kWh có mức tăng trưởng trên 15,6% và khách hàng dưới 1 triệu kWh có mức tăng trưởng hơn 12,3%.
Doanh nghiệp cam kết giảm dùng điện giờ cao điểm
Trước nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao vào mùa khô, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết ngay từ các tháng cuối năm 2023, EVN đã triển khai hàng loạt các giải pháp để vận hành tối ưu các nguồn điện, củng cố, đầu tư, phát triển hệ thống nguồn, lưới điện… để đảm bảo cung ứng điện mùa khô và cả năm 2024.
Riêng tại các tỉnh thành phía Nam, EVNSPC cho hay với dự báo tăng trưởng điện năm nay, toàn EVNSPC có khả năng lên đến mức khoảng 6 đến 7%, cao hơn mức dự báo đầu năm, tuy nhiên vẫn nằm trong các phương án cung ứng điện năm 2024 được EVN, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia lập và được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm.
EVNSPC cho biết tổng công ty và các đơn vị thành viên tại 21 tỉnh thành đã và đang triển khai hàng loạt phương án vận hành tối ưu hệ thống lưới điện, quyết liệt các giải pháp vận động, tuyên truyền tiết kiệm điện.
Trong đó, đối với việc dịch chuyển phụ tải ra khỏi các khung giờ cao điểm, toàn EVNSPC có 6.281 khách hàng sản xuất có mức tiêu dùng điện từ 1 triệu kWh trở lên được cập nhật theo dõi và rất cần hợp tác, cùng cam kết dịch chuyển phụ tải từ 5 -10% ra khỏi các khung giờ cao điểm.
Ngoài ra, có 6.791/7.236 khách hàng được cập nhật theo dõi và cần hợp tác, cùng cam kết chủ động dịch chuyển, điều chỉnh phụ tải phi thương mại (DR).
Với khách hàng được thông báo trước 2h sẽ tiết giảm công suất khoảng 336MW và thông báo đến khách hàng trước 24h sẽ tiết giảm công suất khoảng 830MW.
Đáng chú ý, EVNSPC cũng ký thỏa thuận phối hợp với Sở Công Thương 21 tỉnh, thành phố phía Nam để triển khai các nội dung theo chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Đặc biệt, EVNSPC sẽ phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai chỉ thị số 20 theo các nhóm phụ tải trên địa bàn, đặc biệt là nhóm hành chính sự nghiệp và chiếu sáng công cộng.
TP.HCM: Sở Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra về tiết kiệm điện
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) - cho biết đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tiết kiệm điện trong năm 2024.
Bên cạnh các giải pháp cụ thể, EVNHCMC cũng kêu gọi các nhóm khách hàng đồng hành với ngành điện triệt để áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện sao cho việc tiết kiện điện trở thành thói quen.
Theo ông Kiên, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Trong đó, giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, TP.HCM phấn đấu hàng năm tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 3,5% vào năm 2025.
Ông Kiên cho hay theo kế hoạch, Sở Công thương được giao phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, áp dụng chế tài xử phạt đối với các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng năng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung và sử dụng điện tiết kiệm nói riêng.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, đơn vị liên quan đưa nội dung tiết kiệm điện thành tiêu chí xét thi đua - khen thưởng hàng năm.
Cảnh báo sử dụng điện mùa nắng nóng
Ngày 19-3, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) tổ chức chương trình Talkshow - Giao lưu trực tuyến "Cảnh báo sử dụng điện mùa nắng nóng".
Đây là diễn đàn trực tuyến để giải đáp những thắc mắc cũng như đưa ra các giải pháp thông minh, hiệu quả cho người dân sử dụng điện trong mùa nắng nóng. Chương trình có sự tham gia của đại diện các cơ quan, ban ngành, ngành điện và chuyên gia đến từ các trường đại học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận