Tuy nhiên nước biển sạch nhưng cũng ẩn chứa không ít nguy cơ từ sinh vật biển. Một trong những nguy cơ ấy là bị sứa biển cắn.
Sứa biển làm sao cắn?
Sứa là động vật không có xương sống, chúng có những tua toả ra từ thân gọi là “xúc tu”. Từ xúc tu lại có những tế bào nhỏ như những cái lông bé tý xoắn lại có vai trò như những kim châm. Khi bạn bơi, chạm vào con sứa, những kim châm này sẽ cắm vào da bạn, và một lượng độc tố lập tức bơm vô cơ thể, thế là chất độc hoành hành. Hành động này gọi là “cắn” chả khác gì bạn bị ong đốt.
Độc tố của sứa biển
Bạn may mắn chỉ bị con sứa lướt qua, cắn nhẹ thì nơi bị cắn sẽ thấy rát, nổi mẩn đỏ và ngứa nhiều. Đó là do nọc độc của nó chứa nhiều histamine chất gây dị ứng. Vết cắn giống như nổi mề đay thường gặp ở vùng da hở như chân, tay. Tuy nhiên không phải ai cũng được “hưởng ngón đòn” nhẹ nhàng ấy. Có người bị sứa màu hồng gọi là sứa lửa châm chích, nó tiết ra chất độc màu xanh gọi là actinotoxine. Chất này làm tê liệt thần kinh, kích thích co giật cơ tại chỗ và gây đau đớn. Nếu không được xử trí đúng và kịp thời, tổn thương sẽ hoại tử sau 8-72 giờ.
Sứa màu trắng cắn sẽ nhẹ hơn nhưng gặp người cơ địa dễ dị ứng, thì nhanh chóng rơi vào thể cấp hoặc bán cấp. Sau khoảng 15 phút chạm vào sứa nạn nhân thấy ngứa ở bàn tay, bàn chân, da toàn thân nổi đỏ từng vùng, có người nổi đỏ toàn thân, mí mắt sưng húp, mặt sưng, môi dầy, tím tái, khó thở. Tiếp đến nôn nao, buồn nôn, tiêu chảy, vã mồ hôi, chảy nước mắt, nước mũi. Đây là hiện tượng sốc phản vệ do độc tố của sứa.
Nếu không nhanh chóng đưa đến bệnh viện thì nạn nhân có thể tử vong. Lại có người quá nhạy cảm với độc tố của sứa, họ sẽ có triệu chứng thấy nôn nao, chóng mặt, nhức đầu, ngực như có vật nặng đè ép, tím tái, vã mồ hôi. Nếu không có người bơi bên cạnh nhanh chóng đưa lên bờ và gọi cấp cứu, thì nạn nhân rơi vào trạng thái lơ mơ, hôn mê và tử vong ngay dưới nước, đôi khi bị chẩn đoán nhầm là đột quỵ.
Làm sao phòng tránh?
Lẽ ra, tại các bãi tắm các nhà quản lý cần thông báo “có sứa” giống như thông báo “có cá mập” để bà con được biết. Nhưng ở ta dường như chỉ thông báo vùng nước sâu, nước xoáy bằng cách cắm cờ, còn nguy cơ từ sinh vật biển lại cho qua. Đi tắm biển ráng mặc đồ càng kín càng tốt. Khi bơi luôn có ít nhất 2 người, không nên đi một mình. Các bậc phụ huynh luôn ở bên cạnh con để tránh rủi ro khi ra biển.
Khi đã bị ngứa, mẩn đỏ cần nhanh chóng lên bờ, rửa vết thương bằng nước biển (không rửa bằng nước ngọt) nhằm làm sạch những “mũi kim phóng độc”. Nếu có xúc tu bám trên da cần loại bỏ ngay (kéo nhẹ nhàng không để vỡ xúc tu) để tránh nhiễm độc thêm. Nếu có sẵn sô-đa thì dội lên hoặc dùng chanh chà trên vết thương. Tiếp đến dùng đá chườm 1 giờ liên tục. Nếu có kem chống dị ứng (cortibion cream) hay lidocain làm tê tại chỗ bôi lên thì rất tốt.
Sứa độc nhưng có thể ăn và làm thuốc
Sẽ có bạn thắc mắc rằng: Con sứa độc như vậy, tại sao sứa vẫn được bán để ăn, còn y học dân tộc dùng sứa như một vị thuốc? Sứa biển không được ăn sống vì trong các xúc tu chứa nhiều chất độc. Để khử độc bà con mình ngâm sứa trong nước muối và phèn chua 3 lần, chỉ khi con sứa chuyển sang màu đỏ lạt hoặc hơi vàng mới lấy ra chế biến thành món ăn.
Theo các nghiên cứu trong 100g sứa có 12,3g protêin; 3,9g đường; 0,1-0,3g chất béo; 182mg canxi; 9,5mg sắt; các vitamin B1, B2, PP, photpho 30mg, kali 160mg; natri 235mg, đồng 0,12mg, magie 124mg, kẽm 0,55mg; vitamin A 12g, B12 0,2mg; D 9mg; E 2,13mg… Sứa có chất gây giãn mạch hạ huyết áp, chống xơ vữa động mạch, quả là “món ăn vị thuốc”. Y học cổ truyền dùng da con sứa (hải triết bì) chữa ho suyễn nhiều đàm, táo bón, phù nề. Toàn thân sứa gọi là hải triết có vị mặn, tính bình vào hai kinh can thận, vì thế hải triết có mặt trong bài thuốc bổ thận tráng dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận