TTCT - Mùa mưa về, nước chảy liu riu… rác trôi líu ríu bít cống ngập đường, chuyện năm nào cũng thấy. Vứt thế nào để rác không trôi, trộm nhìn sang các nước để xem giản đơn ra sao, khó khăn thế nào. Các thùng rác riêng biệt để tái chế rác thải tại trạm dừng trên đường cao tốc ở phía nam Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Jung Yeon-Je/AFP/Getty ImagesMới đây trên mạng xã hội, một du học sinh Việt tại Hàn Quốc kể chuyện mình bị cảnh sát phạt vì vi phạm quy định đổ rác của nước sở tại. Hồng, 25 tuổi, với sáu năm sinh sống tại Hàn, kể hôm đó nhà hết túi đựng rác chuyên dụng nên cô dùng tạm túi ni lông và vẫn đổ rác đúng nơi quy định. Nhưng sáng hôm sau, cơ quan chức năng gõ tận cửa nhà phạt gần 4 triệu đồng. Phía dưới câu chuyện của Hồng, nhiều bạn trẻ Việt cũng cho hay đã nếm mùi giấy phạt bởi đổ rác sai quy định.Ở Việt Nam nghe chuyện chắc có chút ngỡ ngàng, bởi đổ rác mấy khi phải canh giờ, nhìn nơi, tuân thủ đúng loại túi, phân chia từng món một. Nơi đổ rác có thể là cột điện, gốc cây, trước cửa nhà, thông dụng nhất là các miệng cống. Thậm chí chỗ nào ghi "cấm đổ rác" thì đích thị thành bãi rác.Cảnh tượng bao ni lông, hộp đựng đồ ăn, lá cây, gạch đá, ván gỗ, rác thải sinh hoạt... bao vây cống thoát nước phổ biến ở các tuyến phố, ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Biên Hòa... Thậm chí để tránh mùi hôi từ cống và dễ làm ăn buôn bán xung quanh, các miệng cống bị "phong ấn" bằng tấm bạt, bao tải... có nơi còn đổ bê tông lên cho… kiên cố.Và mùa mưa đến, phố thành sông vì nước không kịp thoát. Rác trôi lênh đênh như lục bình, bịt cứng các miệng cống. Cơn mưa chiều 21-5 chỉ kéo dài khoảng 20 phút đã làm hẻm 336 đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ngập nặng, rác bủa vây. Người dân, cả già lẫn trẻ phải gọi nhau đi moi rác ở các miệng cống để giải cứu con đường.Rác thải là vấn nạn ở nhiều quốc gia, nhưng không phải nơi nào cũng chịu đựng dai dẳng như dân Việt Nam. Một số nơi đã có giải pháp để rác khỏi trôi cùng cơn mưa.Nhiều cách để cống không tắcKể với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, anh Long - một kỹ sư đang làm việc tại Nhật Bản - mô tả cách quốc gia này ứng phó: tại các điểm tập kết rác, họ dùng lưới bao các túi rác lại như lưới cá, dù mưa nhiều rác cũng không theo dòng chảy trôi đi làm nghẽn miệng cống. Luật Nhật Bản phạt khi đổ rác sai quy định từ 8 - 48 triệu đồng, tái phạm thì mức phạt cao hơn nhiều (các mức phạt trong bài sẽ đổi ra tiền Việt để bạn đọc tiện theo dõi).Người dân Hà Lan có cách gọn gàng và tính ứng dụng cao hơn khi đổ rác: treo lên. Sau khi phân loại, rác được treo lên cao ở các trụ có gắn sẵn móc, chờ xe rác tới thu gom. Cách này ngoài giúp rác không trôi đi khi mưa to, còn hạn chế chuột bọ và động vật hoang giành đồ ăn làm lộn xộn nơi để rác. Mức phạt cho hành vi xả rác lần đầu tại Hà Lan từ 1,7 - 4,1 triệu đồng, người vi phạm nhiều lần phải đối mặt mức phạt lên tới 10 triệu đồng.Bao lưới rác tại Nhật. Ảnh: LONG LÊHàn Quốc kết hợp cả hai cách trên, vừa treo vừa bao lưới tại các nơi gom rác công cộng. Theo số liệu của chính quyền thành phố Seoul, tính đến năm 2023 đô thị này có 4.956 thùng rác công cộng phục vụ 10 triệu dân.Con số này không nhiều, hơn thế số lượng thùng rác còn giảm từ 7.607 thùng (năm 1995), trong khi dân số gần như không thay đổi. Dân đông, thùng rác ít nhưng phố xá Seoul vẫn luôn sạch sẽ. Chính phủ Hàn Quốc có quy định phân loại rác riêng, vi phạm thì phạt khoảng 5,7 triệu đồng. Họ cũng có luật về thời gian, địa điểm đổ rác, vi phạm thì giấy phạt trên tay hiện ngay 20 triệu đồng.TikTok gần đây rộ lại video về một nhân viên thu gom rác hào hứng với công việc hằng ngày của anh tại Brazil. Trong video, mỗi nhà trong khu phố có một cột cao để rác bằng kim loại. Đất nước nhiệt đới này cũng hứng nhiều mưa mỗi năm, những cột rác cao đã giúp rác không trôi đi bịt miệng cống.Từ những năm 2013, chính quyền thành phố Rio de Janeiro đã áp dụng lệnh phạt đối với người xả rác bừa bãi, tiền phạt tỉ lệ thuận với kích thước món đồ bị vứt đi. Rác nhỏ như lon nước ngọt thì phạt khoảng 2 triệu đồng, rác trung trung thì phạt 5 triệu đồng, rác lớn hơn 1m3 bị phát hiện sẽ nhận ngay giấy phạt 12 triệu đồng.Cột để rác ở Brazil. Ảnh: The BYU Design ReviewĐổ rác cũng có thưởng phạtĐối với rác, Singapore áp dụng nhiều biện pháp cùng lúc. Theo thống kê của Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore, mỗi ngày nước này thải ra 21.023 tấn rác các loại. Với đất nước nhỏ bé này, diện tích chôn lấp sẽ không đủ đáp ứng dân số ngày càng tăng.Từ năm 1979, họ đã xây dựng nhà máy đốt rác phát điện, đến nay đã có năm nhà máy, xử lý 41% lượng rác hằng ngày đáp ứng gần 3% nhu cầu điện năng của đất nước. 58% lượng rác được đưa đến các nhà máy tái chế, 2% không đốt được cộng với tro xỉ của các nhà máy sau khi đốt sẽ mang chôn lấp ở các đảo. Nguyên lý là đào sẵn các ô trống, đổ tro rác và rác không đốt được vào rồi lấp đất lên để dụ côn trùng và chim chóc đến làm màu mỡ cho đất. Đảo Semakau, nơi chôn rác, giờ đang là điểm quan sát chim nổi tiếng hàng đầu Singapore.Đến khoảng năm 2001, Chính phủ Singapore triển khai xử lý rác tại nguồn, đặc biệt áp dụng cho hộ gia đình, chợ, cơ sở kinh doanh. Đây cũng là một trong những quốc gia có khung hình phạt nặng nhất cho hành vi gây ô nhiễm môi trường. Người phạm tội xả rác nơi công cộng lần đầu có thể bị phạt từ 7,5 - 25,5 triệu đồng, người tái phạm có thể bị phạt lên tới khoảng 50 triệu đồng và/hoặc phạt tù lên đến 3 tháng.Treo rác ở Hà Lan. Ảnh: HUỲNH DUNGNgười dân Đức thì có sáng kiến "Green Dot": phân loại rác theo màu. Thùng rác tại các điểm thu gom rác sẽ có màu tương ứng với loại rác. Nâu là rác hữu cơ phân hủy được như đồ ăn thừa, rau quả, vỏ trứng, vỏ hạt, lá cây... Màu đen là cho rác khó phân hủy như tàn thuốc lá, tro, đầu thuốc lá, kẹo cao su, băng gạc, tã bỉm, sản phẩm da và đồ giả da. Thùng rác vàng sẽ đựng chất dẻo như túi ni lông, đồ hộp. Xanh da trời là màu của các loại rác giấy như báo, sách cũ, bìa cứng, thùng carton. Chai, lọ thủy tinh, nhựa thì có thùng màu xanh lá cây.Các loại rác cồng kềnh, khó xử lý phải gọi công ty môi trường đến thu gom, tân trang và bán ở các chợ đồ cũ. Nhà sản xuất và bán lẻ phải trả phí cho sản phẩm, mức phí tỉ lệ thuận với bao bì. Từ năm 2015, bắt buộc người dân Đức phải thu gom rác hữu cơ để tái chế tại các nhà máy khí sinh học hay phân bón. Trung bình mỗi năm Đức tái chế được khoảng 10 triệu tấn rác hữu cơ.Tại Trung Quốc, chính sách phân loại rác áp dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hàng từ khoảng đầu năm 2017. Theo đó, rác chia làm ba loại là chất thải độc hại, chất thải nhà bếp và rác thải có thể tái chế. Các hộ gia đình được khuyến khích tham gia. Nếu phân loại rác đúng theo quy chuẩn, hộ dân sẽ nhận điểm thưởng tương ứng để đổi quà nhu yếu phẩm.Tại Indonesia, năm 2019 quốc gia có tình trạng ô nhiễm rác thải nhất trong khu vực đã áp dụng sáng kiến ngân hàng rác tại thủ đô Jakarta và nhiều thành phố như Palembang, Bandar Lampung và Makassar: rác sẽ đổi được vàng. Giá trị quy đổi là 70kg vỏ lon nhôm (khoảng 4.500 lon rỗng) lấy 1g vàng tại Ngân hàng rác Wijaya Kusuma. Đồ nhựa, bìa cứng, những đồ tái chế được đều có thể đem đổi vàng. Trường hợp không muốn lấy vàng thì ký gửi ở Ngân hàng rác để quy ra tiền mặt. Ngân hàng rác Wijaya Kusuma sẽ làm sạch số rác người dân đã ký gửi và bán chúng cho chính quyền Bắc Jakarta để đem đi tái chế.Việt Nam đang ở khâu hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn, chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật để đến ngày 1-1-2025 có thể đồng bộ thực hiện phân loại rác tại nguồn trên cả nước. Trước khi chính thức áp dụng với những quy định rõ ràng, thực hành với các sáng kiến nêu trên sẽ giúp người dân quen với một lề lối ứng xử với rác có trách nhiệm hơn. Theo thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, hiện đã có 16 tỉnh/TP ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, khoảng 30 địa phương bắt đầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Theo quy định tại khoản 1 điều 75 Luật Bảo vệ môi trường, rác thải cần phân loại sẽ bao gồm: nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện, điện tử); nhóm chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng, các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn, các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản); nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải khác còn lại). Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Rác thảiPhân loại rácĐổ rácMôi trường
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.