Ông Hoàng Phúc Lâm - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ông Hoàng Phúc Lâm - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - nhận định như vậy khi trả lời Tuổi Trẻ Online về diễn biến thời tiết từ nay đến cuối năm.
* Tháng 8 vừa qua, miền Bắc và miền Trung ghi nhận nắng nóng gay gắt kéo dài. Vậy sang tháng 9 còn đợt nắng nóng nào nữa không và liệu nắng nóng có còn gay gắt không, thưa ông?
- Từ ngày 7-8, chúng ta đã bước vào tiết lập thu và sang tháng 9 là tháng mùa thu, vì thế nhiệt độ trên cả nước đều có xu hướng giảm. Như tại Hà Nội, nhiệt độ trung bình tháng 8 là 29,1 thì sang tháng 9, dự báo nhiệt độ trung bình giảm còn 28,3 độ.
Dự báo trong tháng 9, ở Bắc Bộ nắng nóng chỉ còn xảy ra cục bộ một số nơi, trong khi ở các tỉnh miền Trung vẫn có khả năng xuất hiện các đợt nóng diện rộng nhưng ngắn vài ba ngày và cường độ không gay gắt, với mức nhiệt cao nhất trong ngày phổ biến từ 35-37 độ và nắng gắt nhiệt độ cao trên 38 độ chỉ còn xảy ra cục bộ một vài nơi.
* Ông có nhận định như thế nào về diễn biến thời tiết và thiên tai từ nay đến cuối năm?
- Dự báo từ nay đến hết năm còn khoảng 7-9 xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và có từ 3-4 xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Theo nhận định của chúng tôi, mùa mưa lũ ở miền Bắc sẽ tập trung trong khoảng từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10; còn ở miền Trung, các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong các tháng 10, tháng 11 và có thể kéo dài sang tháng 12-2021, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ với lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%.
Như vậy, mùa lũ ở khu vực Trung Bộ cũng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm, với đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức báo động 1 - báo động 2 và trên báo động 2. Các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3.
Thời gian lũ lớn trùng với thời điểm xảy ra các đợt mưa lớn trong giai đoạn từ tháng 10 tới đầu tháng 12-2021, tại các tỉnh Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên.
Chúng tôi đặc biệt lưu ý các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa là những địa phương được dự báo trọng tâm mưa và lũ lớn cùng với nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Để chủ động ứng phó thiên tai, nhất là nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi, bão và mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng như đã xảy ra tại khu vực miền Trung nhằm bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, ngày 31-8, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, cập nhật bổ sung các phương án ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương theo phương châm "bốn tại chỗ".
Chủ động xây dựng, tham mưu cho Chính phủ, Ban chỉ đạo và Ủy ban quốc gia các phương án chỉ đạo điều hành, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đặc biệt là trường hợp xảy ra lũ quét, sạt lở đất và mưa, bão lớn, ngập lụt kéo dài trên diện rộng, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.
Bộ Y tế phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng, cập nhật phương án ứng phó thiên tai gắn với bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận