Thu dọn cây bị ngã đổ ở cổng Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng do ảnh hưởng bão số 2 - Ảnh: ĐAM TRỌNG
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 2-8, sau khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, cơn bão số 2 sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần.
Ảnh hưởng rộng
Trên đất liền ven biển các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 6-7. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200 - 400mm, có nơi trên 500mm. Tây Nguyên và Nam Bộ cũng có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 250mm. Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi trên 200mm.
Theo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, nhờ sự vào cuộc, chỉ đạo sớm của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo và các địa phương đã chủ động triển khai ứng phó với bão nên đến 16h chiều 2-8, bão số 2 chưa gây thiệt hại về người và sự cố tàu thuyền trên biển do bão.
"Mưa vàng" cho nhiều tỉnh miền Trung
Mặc dù cơn bão số 2 không đổ bộ trực tiếp vào đất liền tỉnh Nghệ An, song mưa lớn trước và sau bão đã mang một lượng nước lớn giúp cứu hàng ngàn hecta lúa, hoa màu khô hạn ở địa phương này.
Ông Nguyễn Trường Thành - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An - cho biết mưa lớn từ cơn bão số 2 đã "giải nhiệt" cho nhiều vùng lúa trọng điểm của tỉnh, khoảng 7.500ha lúa sắp chết khô trong tổng số 88.000ha lúa vụ hè thu và vụ mùa đã được cứu. Hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt do giếng khô cũng sẽ được cải thiện sau trận mưa này.
"Đây được xem như là đợt mưa vàng, bổ sung nguồn nước cho các hồ đập tưới tiêu cho hoa màu. Theo dự báo, trong những ngày tới sẽ tiếp tục có mưa lớn, vì vậy chúng tôi đã yêu cầu các địa phương quản lý nguồn nước hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo an toàn hồ đập, đồng thời công ty thủy lợi sẵn sàng vận hành trạm bơm tiêu, bảo vệ lúa và hoa màu, khu vực nuôi trồng thủy sản khỏi ngập" - ông Thành nói.
Tương tự, tại Thanh Hóa, mưa trong hai ngày 1 và 2-8 cộng với dự báo hai ngày tới sẽ có mưa to đến rất to chính là điều kiện thuận lợi để cung cấp nước tưới cho hàng nghìn hecta lúa vụ mùa năm 2020 mà bà con nông dân các huyện Nông Cống, Quảng Xương, Triệu Sơn, Thọ Xuân, thị xã Nghi Sơn... gieo cấy hồi tháng 6 và 7, bị hạn hán kéo dài thời gian qua.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, do hạn hán kéo dài hai tháng qua, hơn 100 hồ, đập thủy lợi của tỉnh đã và đang ở mực nước chết, không đủ năng lực phục vụ tưới. Vì vậy, đợt mưa lớn sau cơn bão số 2 này sẽ là dịp thuận lợi bổ sung nguồn nước tự nhiên vào các hồ, đập thủy lợi để dự trữ, phục vụ tưới cho diện tích đất nông nghiệp sau này.
Mưa lớn tại Bắc Bộ đến 8-8
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quang Năng - trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 2 kết hợp với rãnh áp thấp đi qua khu vực Bắc Bộ nối với cơn bão Hagupit ở phía đông đảo Đài Loan nên mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 8-8.
"Trọng tâm mưa là khu vực trung du và vùng núi phía Bắc với lượng mưa phổ biến từ 200 - 400mm, có nơi trên 500mm. Mưa to sẽ khiến nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ tăng cao trong những ngày tới" - ông Năng cảnh báo.
Hóa giải đợt nóng dài nhất 50 năm qua
Trước khi có cơn bão số 2, Nghệ An là một trong các địa phương ở Bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng của đợt nắng nóng được đánh giá là kéo dài nhất trong vòng 50 năm qua. Nhiều vùng trồng lúa không có mưa gần hai tháng kể từ ngày gieo sạ khiến bà con như ngồi trên lửa. Hàng trăm hồ đập cạn nước, nguồn nước tưới từ các sông hồ cũng không đủ.
Dù đã nỗ lực chống hạn nhưng vẫn còn hơn 13.500ha diện tích các loại cây trồng bị hạn, thiếu nước, trong đó diện tích lúa hơn 10.500ha. Đặc biệt khoảng 4.500ha lúa được dự báo sẽ chết cháy, mất trắng, trong đó chủ yếu là diện tích lúa tại các huyện vùng cuối nguồn hệ thống thủy lợi nam của tỉnh là Hưng Nguyên, Nghi Lộc và TP Vinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận