07/08/2023 11:50 GMT+7

Mưa liên tục, nhiều thủy điện xả tràn, cung ứng điện sẽ thế nào?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa phê duyệt phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia tháng 8-2023 và các tháng cuối năm, theo đề xuất của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) khi nhiều thủy điện đang xả tràn.

Các nhà máy thủy điện được huy động tăng cao do lượng nước về nhiều - Ảnh: N.KHÁNH

Các nhà máy thủy điện được huy động tăng cao do lượng nước về nhiều - Ảnh: N.KHÁNH

Trước đó, A0 đã có văn bản gửi Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) và EVN đề xuất phương thức vận hành hệ thống điện tháng 8 và các tháng còn lại của năm 2023.

Trên cơ sở kế hoạch sửa chữa của các nhà máy nhiệt điện, cân đối cung cầu, A0 đánh giá cơ cấu huy động nguồn điện trong tháng 8 không thay đổi.

Đã có công suất dự phòng từ tháng 8

Theo đó, việc điều chỉnh kế hoạch sửa chữa của các đơn vị sẽ tăng sản lượng nhiệt điện than hệ thống điện miền Bắc lên gần 261 triệu kWh. Vì vậy, sản lượng truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc sẽ giảm đi tương ứng.

Thêm nữa, mức giá biến đổi của các nhà máy nhiệt điện than sẽ giảm từ tháng 9 đến tháng 12, trong khi giá biến đổi của các nhà máy điện khí tăng lên. Dẫn tới thứ tự huy động thay đổi, sản lượng huy động của các nhà máy nhiệt điện than cả năm tăng gần 1,2 tỉ kWh, sản lượng huy động của các nhà máy điện khí giảm tương ứng.

A0 tính toán hệ thống điện miền Bắc cơ bản đáp ứng công suất đỉnh từ các tháng 8 đến 12, song mức dự phòng ở tháng 8 rất thấp, dự kiến chỉ gần 308 MW. Công suất dự phòng sẽ được tăng lên vào các tháng tiếp theo, từ khoảng 3.000 - 5.000 MW.

Tuy vậy, A0 vẫn đánh giá có những rủi ro trong vận hành và cung ứng điện. Đặc biệt trong trường hợp phụ tải tăng trưởng bất thường, hệ thống điện quốc gia và miền Bắc sẽ có khả năng tăng trưởng tương ứng là 12,44% và 21,1%.

Trong trường hợp nắng nóng tiếp tục kéo dài và không xuất hiện mưa theo quy luật tự nhiên thì khả năng công suất lớn nhất của phụ tải miền Bắc tăng trưởng ở mức 25,69% so với cùng kỳ, tương ứng với gần 25.043 MW. 

A0 cũng lo ngại tình hình thủy văn diễn biến không thuận lợi, lưu lượng nước về trong tháng 8 chỉ tương đương tháng 7, thì sản lượng thủy điện theo nước về bị thiếu hụt. Khi đó, việc vận hành tin cậy và ổn định liên tục của các nhà máy điện than, đặc biệt các nhà máy tại miền Bắc cần phải tiên quyết được đảm bảo.

Huy động thủy điện tiếp tục tăng cao

Vì vậy, A0 đề nghị các đơn vị phát nhiệt điện, đặc biệt là miền Bắc trong mọi trường hợp cần phải đảm bảo khả dụng tổ máy. Chuẩn bị nhiên liệu vận hành để luôn duy trì định mức tồn kho than tối thiểu tại mọi thời điểm.

Tuy vậy, theo thông tin vừa phát đi của EVN sáng 7-8, do mưa lũ trên cả ba miền, lưu lượng nước về các hồ tăng cao đã bổ sung lượng nước đáng kể về các hồ thủy điện. Từ diễn biến thủy văn thực tế, A0 đã vận hành tăng cao thủy điện, một số hồ thủy điện phải xả tràn.

Tại thời điểm 8h sáng 7-8, một số hồ thủy điện phải thực hiện xả tràn để điều tiết như Lai Châu, Huội Quảng, Trung Sơn, Khe Bố, Sông Ba Hạ, An Khê, Srêpôk 3, Buôn Kuôp. A0 đề nghị các đơn vị phát điện trong hệ thống tuân thủ nghiêm các mệnh lệnh điều độ để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện trong bối cảnh mưa, lũ diễn ra ở nhiều khu vực.

Do ảnh hưởng mưa lũ, sạt lở đất xảy ra ở nhiều khu vực, một số cung đường tại các nhà máy thủy điện bị ùn tắc do sạt lở đất đá, cũng như ảnh hưởng đến tình hình vận hành lưới điện ở một số khu vực ở phía Bắc. 

Vẫn lo ngại thiếu hụt điện nếu diễn ra tình huống cực đoan

Theo A0, nếu các yếu tố bất lợi diễn ra cùng đồng thời, các đơn vị liên quan cần lên phương án cụ thể cho trường hợp thiếu công suất và sản lượng ở miền Bắc. Cụ thể, công suất thiếu hụt có thể lên tới gần 3.298 MW và sản lượng điện thiếu hụt lên tới gần 26,7 triệu kWh/ngày.

Hiện nay, việc mua điện tại Trung Quốc đang được triển khai qua đường dây 220 kV, song phụ thuộc vào việc đưa vào vận hành trạm 220 Bắc Quang và các đấu nối liên quan. Nếu mua từ nguồn này, sẽ giúp tăng cường thêm 230 MW công suất và 1,3 - 2,7 triệu kWh/ngày cho miền Bắc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương: 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần để "tránh giật cục"Thứ trưởng Bộ Công Thương: 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần để 'tránh giật cục'

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu 3 tháng một lần để phản ánh kịp thời biến động các thông số đầu vào, tránh giật cục, thay vì 6 tháng/lần như hiện nay.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên