25/08/2019 19:00 GMT+7

Mùa lễ hội miền thượng du

TRẦN THẾ DŨNG
TRẦN THẾ DŨNG

TTO - Thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì, Hà Giang) về đêm không ồn ào mà phố xá lặng lẽ yên bình, như bị nhấn chìm giữa bốn bề núi non trùng điệp. Nhưng ẩn khuất phía sau vẻ bình dị, thậm chí buồn tẻ ấy, có biết bao điều kỳ thú.

Mùa lễ hội miền thượng du - Ảnh 1.

Trên sông Gâm một ngày vào thu - Ảnh: TRẦN THẾ DŨNG

Tuần văn hóa - du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2019 dự kiến chính thức khai mạc ngày 20-9 với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn mang dấu ấn riêng của mảnh đất Yên Bái như: biểu diễn đường phố, lễ hội văn hóa ẩm thực, lễ hội tôn vinh cây chè tổ Suối Giàng, festival dù lượn "Bay trên mùa vàng", chợ quê đặc sản vùng cao... tại huyện Mù Cang Chải.

Vùng đất của lễ hội

Vùng biên cương Hoàng Su Phì có địa hình không khắc nghiệt và toàn đá tai mèo như cao nguyên Đồng Văn, mà được chia cắt bởi nhiều núi đá, núi đất, sông, suối đan xen nên phù hợp trồng chè shan tuyết và ruộng bậc thang.

Đây còn là nơi gặp gỡ, giao thoa của 12 dân tộc đang sinh sống ở hai vùng Đông - Tây Bắc, biểu thị qua ngôi nhà sàn, nhà tường trình, những lễ hội của các dân tộc như nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn; cấp sắc, cầu mùa của dân tộc Dao Đỏ; lễ hội cúng rừng của dân tộc Nùng; lễ hội tết Khu Cù Tê của dân tộc La Chí...

Lâu nay thường nghe kể vào ngày chủ nhật hằng tuần, người vùng cao Hoàng Su Phì đến chợ phiên đôi khi chỉ cắp theo một con gà, con lợn hay gùi trên lưng vài ba thứ rau, thổ sản "cây nhà lá vườn", mà như người ta thường cho là "chẳng bõ công" trèo đèo, lội suối cả chục cây số... Nhưng khi lên đây mục kích một chợ phiên, tận mắt thấy mới cảm nhận được sự độc đáo của chợ phiên này.

Người dân đến chợ phiên không chỉ để bán buôn mà còn là nơi họ hàng gặp gỡ, trai gái hẹn hò, giao lưu, kết bạn - một nếp sinh hoạt đã ăn sâu vào tiềm thức, tình cảm của người bản địa. Do đó, phiên chợ không chộn rộn, ồn ào quá mức như chợ miền xuôi, song... náo nhiệt trong ánh mắt, cử chỉ giao tiếp.

Người đến chợ phần nhiều vừa là người bán vừa là người mua vốn chân chất, thật thà, ngay cả việc trao đổi giá cả cũng không nói thách và không mặc cả quá đáng, gợi nên cảm giác tin tưởng, gần gũi.

Người bán cứ lặng thinh đứng sau gùi hàng, không mời mọc cũng chẳng "chèo kéo" người mua. Người mua cũng cứ lặng thầm chọn lựa. Lạ, thích... thì xem chơi. Cần dùng mới mua, chẳng ai phàn nàn. Và cũng chẳng ai xua đuổi khi chúng tôi thu hình, chụp ảnh, trái lại họ rất vui và hãnh diện khi được khách viễn du chú ý đến...

Mùa lễ hội miền thượng du - Ảnh 2.

Chợ phiên vùng cao Đông Bắc - Ảnh: TRẦN THẾ DŨNG

Hành trình kỳ ảo

Hoàng Su Phì còn được nhắc nhiều đến mùa lúa chín ruộng bậc thang, từ trung tuần tháng 9 đến đầu tháng 10 hằng năm. Những ngày này, hai bên đường đèo lên Hoàng Su Phì và cả một vùng (gồm sáu xã là: Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên) đẹp vô ngần.

Bởi lúa hầu hết "đỏ đuôi", rặt một màu vàng óng trên từng thửa ruộng bậc thang gối lên nhau tầng tầng, lớp lớp vươn lên bầu trời xanh hoặc lượn quanh như biển sóng từ sườn núi này sang đỉnh núi khác. Điểm xuyết trên sắc vàng diễm lệ ấy là từng nhóm người La Chí đang phấn chấn gặt lúa bên tiếng máy tuốt lúa nổ rộn ràng...

Thời tiết mùa thu miền thượng du thật quyến rũ: se lạnh vào sáng sớm, nắng lên, ấm áp vào buổi trưa và mát mẻ khi chiều tà. Một khi đã cất công đến thưởng ngoạn danh thắng quốc gia Hoàng Su Phì, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội khám phá những thắng cảnh độc đáo khác ở Đông Bắc.

Đó là hệ thống núi đá vôi, thung lũng, hang động, trong công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn hoặc non nước Cao Bằng, chiêm ngưỡng thác Bản Giốc...

Qua Lạng Sơn, du khách có thể ghé thăm đỉnh Mẫu Sơn - được ví như chốn thiên đường nơi hạ giới, nhưng lãng mạn nhất là dạo thuyền trên sông Gâm. Đó là cuộc giang trình kỳ ảo xuyên qua đại ngàn sâu thẳm, núi non, thác nước hùng vĩ đôi bờ, những hẻm núi thẳng đứng hình thành từ những khối đá vôi chồng chất, khiến khách qua đây không tránh khỏi cảm giác hồi hộp.

Cảnh sắc mây trời, sông nước cứ thế tiếp nối tới khi thuyền lạc vào quần thể Vài Phạ - Na Hang - Tuyên Quang với 99 đảo đá tráng lệ mờ sương giăng khắp mặt nước như cõi thiên thai. Và khi đứng trên đèo Khau Phạ - Yên Bái nhìn xuống thung lũng Tú Lệ, Lim Mông, toàn cánh đồng giống nếp Tan Lả hiện ra như biển sóng, vằn vện, nhiều sắc màu đến vờn mắt.

Dù vậy, cảnh sắc ruộng bậc thang óng vàng được xem đẹp nhất Tây Bắc lại tập trung ở huyện Mù Cang Chải, trải dài trên diện tích hơn 330ha, từng được độc giả của trang web du lịch Mỹ Insider bình chọn là 1 trong 19 điểm đến đáng ghé thăm nhất thế giới.

Khám phá sông Đà mùa lễ hội

Sau khi vui chơi thỏa thích trong mùa lễ hội, từ Mù Cang Chải - Yên Bái, muốn đến Lai Châu, Điện Biên theo vòng cung Tây Bắc, du khách có thể lên thuyền ngược dòng sông Đà tìm cảm giác của kẻ lãng tử phiêu lưu.

Không còn hung dữ như dưới ngòi bút miêu tả của nhà văn Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò sông Đà, nhưng sông Đà vẫn là một thủy lộ hoang sơ, tĩnh lặng giữa đôi bờ là dãy núi đá mờ sương, trùng điệp, những hẻm núi cao ngất trời xanh và vô số hang động lơ lửng nửa chìm nửa nổi trên mặt nước.

Ngoài ra, sông Đà còn là vùng đất đậm đà văn hóa bản sắc dân tộc Thái qua hình ảnh những nếp nhà sàn bên sườn núi, những điệu xòe ngẫu hứng thâu đêm để trai gái giao duyên hò hẹn, hay những phong tục truyền thống đượm sắc màu tâm linh...

Sôi động đóng thuyền mùa lễ hội Sôi động đóng thuyền mùa lễ hội

TTO - Đua thuyền gỗ được xem là môn thể thao đậm nét văn hóa ở vùng sông nước miền Tây. Để hưởng ứng phong trào đua thuyền truyền thống mừng Lễ hội Kỳ Yên hằng năm, vào những ngày này tại làng Bình Thủy, tỉnh An Giang sôi động hoạt động đóng thuyền.

TRẦN THẾ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên