Vì vậy nên khi thấy nguời lớn, trẻ em trong gia đình bị chảy máu mũi là nhiều người lo sợ, tưởng tượng ra viễn cảnh đen tối trong “phim Hàn”. Có thật thế không?
Bình thường nhưng cũng bất thường
Hai cái “ống thở” của chúng ta được trang bị hệ thống mạch máu dày đặc nhằm nuôi dưỡng đồng thời là lò sưởi làm “ấm” không khí. Các tuyến tiết dịch nhầy làm “ẩm” không khí trước khi đi vào phổi. Khi nhiệt độ của môi trường sụt giảm, độ ẩm của không khí theo chiều đi xuống, các mạch máu trong lỗ mũi căng phồng lên, tạo cảm giác “tức”. Lúc này bạn đưa ngón tay vào mũi ngoáy là những mạch nhỏ vỡ bung ra và gây chảy máu mũi.
Đông y gọi bệnh này là tỵ nục (tỵ là mũi, nục là máu). Bệnh ở trẻ thường gọi là “cam” nên chảy máu mũi hay được gọi bằng “chảy máu cam”, bệnh gầy mòn do hệ tiêu hoá, hấp thu không tốt gọi là “cam tích”. Tiếng Anh gọi chảy máu ở mũi là nosebleeeds.
Những bạn làm việc thường xuyên trong phòng kín có máy điều hoà, hay mùa đông miền Bắc với cái lạnh của cuối năm 2020 lại sử dụng lò sưởi điện thì tỷ lệ chảy máu cam cao lên một cách bất thường, do lớp niêm mạc bị mất nước và bị tổn thương.
Trẻ nhỏ niêm mạc mũi nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết, hễ khô hanh là hay chảy máu cam. Từng nhóm tuổi cũng có sự khác biệt nhau : trẻ nhỏ và thiếu niên hay bị viêm đường hô hấp trên khiến niêm mạc mũi bị sưng phù, mạch máu cương lên. Khi thấy nhức hay ngứa chúng đều dùng tay ngoáy, điểm chảy máu thường xuất phát từ phần trước của sụn mũi (chiếm 80%). Còn chảy máu cam ở người lớn trên 40 tuổi chiếm tới 64% hay gặp ở những người làm việc trong phòng máy lạnh bị “hội chứng nhà kính”, người cao huyết áp mạch máu xơ chai, mạch ở sụn mũi cũng cứng, giòn, dễ vỡ, bị u, bướu, polype mũi.
Bất kể lứa tuổi nào nếu bị giảm tiểu cầu trong máu trong ung thư dòng bạch cầu, trong sốt xuất huyết, trong suy gan, trong bệnh ưa chảy máu…đều dễ chảy máu cam. Điều này giải thích tại sao trong phim Hàn, đạo diễn chọn chảy máu cam là chi tiết báo cho các fan hâm mộ phim Hàn của chúng biết nhân vật chính đang bị ung thư ! Các loại ung thư trong đó điển hình là ung thư gan giai đoạn cuối đều có xuất huyết nhiều nơi, trong đó chảy máu cam là hiện tượng thường thấy.
Tuy nhiên có trường hợp máu chảy tí chút rồi cầm, thường tái đi tái lại nhưng tiểu cầu và các yếu tố đông máu hoàn toàn bình thường, đó là chảy máu cam vô căn, hay gặp ở trẻ chạy chơi ngoài nắng nhiều giờ, cơ thể mất nước, niêm mạc mũi khô queo. Một số bạn gái cứ hành kinh là chảy máu cam được giải thích là niêm mạc mũi quá nhậy cảm với sự thay đổi nội tiết buồng trứng nên sau này nếu bị phì đại xương cuốn mà chỉ định đốt thì nên thông báo với bác sĩ Tai Mũi Họng.
Theo y văn thế giới khoảng 60% dân số chảy máu cam ít nhất một lần trong đời. Nó đứng đầu về tần số xuất hiện trong các trường hợp chảy máu tự nhiên ở đường hô hấp trên.
Chớ ngửa mặt lên trời nuốt máu cam
Trẻ nhỏ bị chảy máu cam, cha mẹ đừng khóc lóc sẽ làm trẻ sợ hãi khiến tình hình thêm rối ren. Cần cho ngồi xuống, đầu hơi cúi, dùng tay ép chặt phần mũi bên chảy máu trong 5-10 phút. Trừ những trường hợp mắc bệnh ưa chảy máu, còn lại thì máu sẽ cầm ngay. Mẹ nên khuyên bé tránh khịt mũi, day mũi trong khoảng 2 giờ sau đó để tránh chảy máu tái phát.
Bà con mình hay có thói quen bắt trẻ nằm ngửa ra giường. Cách làm này sẽ khiến máu từ mũi chảy xuống miệng, trẻ nuốt vào trong dạ dày sẽ dễ buồn nôn và nôn ra máu bầm làm trẻ khiếp sợ. Cách chữa dân gian là giã lá nhọ nồi nhét vào mũi bên chảy máu. Cầm máu kiểu này khá nhanh, đơn giản và hữu hiệu. Nếu sau 15 phút mà máu vẫn không cầm thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra sức khoẻ. Khi thời tiết thay đổi hãy nhỏ hoặc xịt vào mũi trẻ một chút nước muối. Cách này rất hữu ít cho việc làm ẩm niêm mạc mũi.
Những người làm việc trong phòng máy lạnh vừa bị khô da vừa hay bị chảy máu cam nên đặt một chậu nước trong phòng. Nước bốc hơi sẽ làm ẩm không khí của phòng. Tuy nhiên khi rời cơ quan thì nên mở cửa sổ kẻo độ ẩm cao lại tạo cơ hội cho nấm mốc tung tăng kéo tới và sinh đẻ vô tội vạ ở môi trường này.
Các bạn ở miền Bắc mùa đông dùng lò sưởi cũng nên kèm theo một chậu nước để tránh khô mũi, dễ chảy máu cam. Nên dạy trẻ đừng dùng ngón tay ngoáy mũi, đặc biệt khi móng tay vừa dài vừa bẩn. Đã dạy trẻ thì dĩ nhiên người lớn phải biết tự giác. Chảy máu cam vừa có thể là bệnh, vừa có thể do tác phong nhưng xin chớ coi thưòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận