Liverpool và M.U hứa hẹn kiếm nhiều tiền khi đến Thái Lan du đấu - Ảnh: Reuters
Một câu chuyện nổi tiếng mới đây về Xavi và các học trò có thể được xem là tiêu biểu cho việc du đấu mùa hè đã trở thành phổ biến của bóng đá châu Âu.
Không muốn cũng phải đá
Trước khi mùa giải 2021 - 2022 kết thúc, ban lãnh đạo Barca thông báo kế hoạch sang Úc đá trận giao hữu vào cuối tháng 5. Truyền thông Tây Ban Nha cho biết nhiều cầu thủ Barca đã phàn nàn, tỏ ý không muốn tham gia chuyến du đấu này.
Điều này làm HLV Xavi nổi giận và nói với toàn đội: "Chuyến du đấu này là giúp trả lương cho các cậu. Ai không muốn đi cứ rút tiền túi ra và chồng đủ 5 triệu euro".
Kết quả là toàn đội Barca... ngoan ngoãn sang Úc chơi trận giao hữu ở Sydney. Cũng qua câu chuyện đó, chúng ta biết được rằng việc chỉ chơi 1 trận ở sân Accor giúp Barca có 5 triệu euro. Mùa hè này, Barca vẫn còn đến 5 trận giao hữu trên đất Mỹ. Điều này tương đương với việc họ thu về hơn 20 triệu euro từ du đấu.
Hơn 10 năm qua, làng bóng đá đỉnh cao đã quen với những tour du đấu kiếm tiền của các đội bóng hàng đầu châu Âu. Năm 2013, ICC Cup ra đời, tạo thành một hệ thống giải đấu giao hữu mùa hè hấp dẫn. Địa điểm diễn ra ICC Cup trải dài từ Mỹ, Canada đến Úc, Trung Quốc và cả Singapore... Nơi nào có tiền, các CLB châu Âu sẵn sàng đến nơi đó.
Liverpool là một trong số những đội tích cực đi "kiếm tiền" nhất mùa hè này. Từ ngày 12 đến 31-7, Liverpool lần lượt đá với M.U ở Thái Lan, Crystal Palace (Singapore), Leipzig (Đức), Salzburg (Áo) và Stragsbourg tại sân nhà Anfield. Đó là chưa tính đến trận Siêu cúp nước Anh với Man City vào ngày 30-7.
Trong 19 ngày, Liverpool phải đá đến 6 trận - mật độ còn căng thẳng hơn cả giai đoạn họ đua vô địch trên mọi đấu trường ở mùa giải trước (và các trận đấu còn diễn ra ở nhiều quốc gia, nhiều châu lục).
Đá 3 tuần, đủ trả lương 3 tháng
Ban lãnh đạo Liverpool thông báo sẽ nhận được ít nhất 12 triệu bảng (khoảng 14 triệu euro) từ tour du đấu này. Đó có thể là số tiền Liverpool nhận trực tiếp từ ban tổ chức cho việc ra sân.
Nhưng lợi ích thực sự có thể còn hơn thế, bởi du đấu ở nước ngoài là một trong những hình thức quan trọng để mở rộng thị trường. Những trận đấu giao hữu này sẽ kéo theo một loạt các hoạt động thương mại khác và giúp CLB xây dựng thêm lượng người hâm mộ ở nước ngoài.
Thống kê của báo Athletic cho biết doanh thu thương mại của M.U đã giảm từ 279 triệu bảng xuống còn 232 triệu bảng trong năm 2020 (mất khoảng 20%), và phần lớn của việc giảm này đến từ việc không thể du đấu mùa hè do đại dịch.
Úc đã trở thành quốc gia thứ 68 mà Barca từng đặt chân đến. Một nửa trong số các nước này thuộc về châu Mỹ và châu Á - những thị trường béo bở. Nhiều năm qua, Barca đã chơi 34 trận đấu ở Mỹ, 20 trận ở Mexico, 17 trận ở Nhật, 3 trận ở Trung Quốc, 3 trận ở Saudi Arabia...
Khi đại dịch qua đi và nhịp sống trở lại bình thường, các cầu thủ của Barca, Real Madrid, M.U hay Liverpool lại phải dành khoảng 3 tuần để "hành xác", thi đấu 4 - 5 trận vô nghĩa ở 2 - 3 châu lục.
Dù không hào hứng gì với chuyện đó nhưng 3 tuần "hành xác" đó đủ để đội bóng trả 20% lương cho cả đội.
M.U vẫn được ưa chuộng
Những con số về thu nhập của các CLB trong những chuyến du đấu thường không được công khai. Nhưng Athletic cho biết chi phí để mời các CLB thuộc hàng đại gia châu Âu là khoảng 2,5 triệu euro. Với các CLB trung bình của Giải ngoại hạng Anh, mức giá này khoảng 500.000 euro/trận.
Bất chấp phong độ sụt giảm thê thảm, M.U vẫn là thương hiệu được ưa chuộng trong những tour du đấu. Họ có đến 6 trận giao hữu mùa hè này gồm 1 trận ở Thái Lan, 3 trận ở Úc, 1 trận ở Na Uy và 1 trận trên sân nhà Old Trafford. Giá vé trận Liverpool - M.U diễn ra vào ngày 12-7 tới tại Bangkok từ 200 đến 1.000 USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận