TTCT - Ở xứ Huế có thứ mưa dầm dề “thối đất thối trời”, một thuộc tính tự nhiên bất biến không thể dời đổi. Và người Huế đang nghĩ về sự thuận hòa với đất trời, để sống và làm ăn chủ động hơn, ví như chuyện biến mưa Huế thành một thứ “đặc sản” của ngành du lịch... Phóng to Học sinh Huế đi học trong mưa dầm - Ảnh: Trương Vững Dãy Trường Sơn chạy song song bờ biển, đến Thừa Thiên - Huế đột nhiên rẽ một nhánh đâm ngang ra biển Đông, tạo thành một bức tường thiên nhiên hình vòng cung kéo dài từ A Lưới - Nam Đông - Bạch Mã - Hải Vân, chắn ngang hướng thổi của gió mùa đông bắc. Không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống bị bức tường này chặn lại, tạo thành những đám mây dày đặc hơi nước dồn tụ suốt mùa đông, lưu trú ở đây gần như quanh năm suốt tháng. Đó là lý do khiến Thừa Thiên - Huế là vùng có lượng mưa trong năm cao nhất (2.700-4.000mm), số ngày mưa cũng kéo dài nhất (200-220 ngày) và tất nhiên độ ẩm cao nhất nước (83-87%). Ngay lúc này, khi cả nước đang vào mùa khô hanh, thậm chí miền Bắc và Tây nguyên đang khô hạn, thì Huế lại đang trầm mình trong những cơn mưa dầm dề lạnh buốt và còn kéo dài đến hết tháng 4. Mỗi năm hai mùa: mưa và ít mưa Sách Địa chí Thừa Thiên - Huế (NXB Khoa Học Xã Hội, 2005) cho biết chế độ mưa của Thừa Thiên - Huế mang nhiều đặc điểm khác hẳn với Bắc bộ, Tây nguyên và Nam bộ. Nếu khí hậu cả nước đều chia thành hai mùa khô và mưa thì vùng lãnh thổ Thừa Thiên - Huế chỉ có hai mùa: mưa và ít mưa. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 với những cơn mưa xối xả, gây ngập lụt kinh hoàng và kéo dài đến khoảng cuối tháng 12 với cơn mưa dầm lê thê. Khi tiết trời bắt đầu chuyển lạnh (thường là sau 23-10 âm lịch), mưa không còn ào ạt mà chuyển sang dầm dề ngày này sang ngày khác, tháng nọ qua tháng kia và có năm đến 43 ngày không thấy mặt trời (mùa đông 2007). Mưa dầm kéo dài từ khoảng cuối tháng 11 đến tháng 4 năm sau thì tiếp nối bằng những cơn mưa dông mùa hạ sấm chớp đùng đùng. Mùa hè đến với những cơn nắng gay gắt (do Thừa Thiên - Huế cũng nằm trong vùng bức xạ nhiệt dồi dào và nền nhiệt cao), dân gian gọi là “nắng bể đầu”, nhưng chỉ cần một cơn mưa lớn là có thể xảy ra lũ lụt. Dân gian Huế đã truyền tụng hai câu thơ bất hủ về đất trời xứ Huế: Tứ thời giai hạ thị - Nhất vũ biến vi đông (Bốn mùa đều là mùa hạ - Chỉ một cơn mưa là biến thành mùa đông). Cũng theo Địa chí Thừa Thiên - Huế, trung bình mỗi năm ở vùng núi có từ 200-220 ngày mưa, ở đồng bằng có 150-170 ngày mưa. Cao điểm mùa mưa, mỗi tháng mưa đến 24 ngày. Đó chính là những tháng mưa dầm dề não nề như lúc này, riêng tháng 11 năm nay đã mở màn bằng 19 ngày mưa liên tục. Mùa nào ít mưa thì cũng có từ 8-15 ngày mưa mỗi tháng. Ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Trung tâm Khí tượng - thủy văn Thừa Thiên - Huế, cho biết lượng mưa trung bình của toàn tỉnh là 2.700mm. Khu vực núi Bạch Mã - Hải Vân là trung tâm mưa lớn nhất nước (hơn 4.000mm). Riêng năm 1980, ở Bạch Mã mưa đến 8.664mm (bằng lượng mưa trung bình ba năm cộng lại). Mưa Huế cũng đạt cường độ vào loại dữ dội nhất, lượng mưa lớn nhất trong ngày khoảng 970mm (năm 1999), vượt khá xa so với quy phạm thiết kế về lượng mưa là 770mm/ngày (tham số để thiết kế các công trình xây dựng). Cá biệt chỉ trong 24 giờ (từ 6g ngày 2 đến 6g ngày 3-11-1999), lượng mưa tại vùng Truồi (huyện Phú Lộc) đã lên đến 1.630mm, bằng lượng mưa của gần tám tháng, gây nên trận đại hồng thủy lịch sử năm 1999. Kỹ sư Nguyễn Việt, một chuyên gia Huế về khí hậu học, cho biết Huế chính là nơi chuyển tiếp của hai vùng khí hậu Bắc - Nam. Hình ảnh có thể thấy rõ nhất là vào mùa đông, khi cửa hầm đường bộ Hải Vân phía nam (Đà Nẵng) khô ráo thì cửa hầm phía bắc (Lăng Cô) lúc nào cũng ướt dầm dề. Xe vừa ra khỏi cửa hầm là đụng phải màn mưa mù mịt. Nếu đứng trên đỉnh Hải Vân nhìn qua phía bắc sẽ thấy từng đám mây trùng trùng kéo lên, trong khi phía nam trời quang mây tạnh. Mưa Huế: “đặc sản” hay “lực cản”? Hơn 40 năm trước, tôi đã nghe bà nội than thở: “Mưa mãi như ri thì lấy chi mà ăn?”. Nay tôi vẫn nghe mẹ tôi ta thán: “Mưa chi mà mưa mãi mưa miết!”. Suốt mùa đông, ruộng đồng bỏ không, nhà nông ngồi bó gối và ăn dần những hạt lúa dự phòng. Việc kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp bị chậm lại, thậm chí đình đốn cả tháng trời, nhất là các doanh nghiệp chuyên về xây dựng, giao thông. Báo cáo tổng kết mỗi năm của Thừa Thiên - Huế vẫn thường thấy nhắc đến khó khăn của thời tiết, mà chủ yếu là mưa gió bão lụt làm ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh. “Cả tháng rồi tui đạp xích lô chỉ được 70.000 đồng, trời mưa mời ai người ta cũng không đi. Người ta chọn taxi, xe ôm đi cho đỡ ướt, lại mau. Có nhiều mùa mưa dầm dề hai ba tháng, lạnh cắn móng tay không ra máu cũng phải ra đường. Không ra thì đói cả nhà. Dạo ni mưa có đỡ hơn, không như mấy chục năm trước, nhưng cũng kéo dài đến tháng rưỡi. Nhưng đó là chuyện của ông trời, than vãn cũng rứa thôi” - ông Nguyễn Văn Trắc (85 tuổi, làm nghề đạp xích lô ở chợ Bến Ngự, TP Huế) nói. Trong khi đó, giới văn nghệ sĩ lại xem mưa Huế như một quà tặng đặc biệt của đất trời. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã viết: “Mưa Huế là một cách chơi đàn của trời (thiên vũ cầm), phép cộng của những sự va đập tinh tế và vô thường. Có lúc lặng lẽ như tiếng nói thầm trên mái lá, có lúc xa xôi như một câu chuyện xưa, hay có lúc cười nắc nẻ. Mưa Huế bí ẩn như một con người”. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nói đại ý rằng: phải ngắm Huế trong màn mưa mờ ảo mới thấy tận cùng nội tâm của người Huế. Nhà thơ Phùng Quán đã dành hẳn một chương trong truyện thơ Trăng hoàng cung để viết về mưa Huế: “Ôi cái mưa khùng điên - Mưa không còn biết gì tới chừng mực!”, khiến: “Nắng thì bùn hóa đá - Mưa thì đá hóa bùn”. Với các họa sĩ, mưa Huế vừa là cảm hứng vừa là nỗi nhọc nhằn. Tranh lụa, sơn dầu, màu nước, tranh giấy và cả sơn mài dễ bị mốc, bong tróc, hư hại trong mùa mưa và cả sau mưa do độ ẩm không khí quá cao. Các tác phẩm lụa của Tôn Thất Đào được xem là quý hiếm nhưng gần như hư sạch, nhiều tranh đẹp của họa sĩ Huế danh tiếng bị hỏng. Mưa cũng ngăn cản việc vẽ ngoài trời... Nhưng “cấu trúc, sự nhòe mờ không ranh giới trong tranh tôi là ảnh hưởng vô thức của mưa Huế. Nhiều nghệ sĩ khác của Huế cũng vậy, mưa Huế cũng là chất xúc tác cho sáng tác, gợi liên tưởng tạo hình. Không có những đợt mưa dai dẳng, Huế lúc đó sẽ không còn là Huế nữa” - họa sĩ Võ Xuân Huy - giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật Huế - chia sẻ. Âm nhạc cũng vậy, đây có lẽ là lĩnh vực thừa hưởng nhiều nhất cảm hứng do mưa Huế mang lại, giai điệu thiết tha sâu lắng đặc trưng của âm nhạc Huế rất gần với âm thanh trầm buồn của những cơn mưa dầm xứ này. Và đó chính là “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”, làm mê đắm du khách gần xa. Vậy thì mưa Huế có phải chỉ là nỗi niềm nghèo khổ của Huế hay không? Người xưa đã có nhiều cách để thích nghi Hệ thống các hành lang, cầu có mái che trong kiến trúc cung đình của Huế đã phát huy tối đa tác dụng dưới thời tiết mưa dầm dề. Đó chính là cách sống thích nghi với thời tiết của người Huế xưa. Mưa dầm xứ Huế thường đi liền với gió và lạnh, chính những yếu tố tự nhiên này đã tạo ra phong cách sống của người Huế, đó là xem trọng mái ấm gia đình, một nếp sống hướng nội, kín đáo. Với ẩm thực Huế, khi nhìn vào khối lượng của những ấm, chén, khay trà, dụng cụ hỏa thực... chúng ta càng thấy sự hình thành khá rõ nét một phong cách riêng phù hợp với điều kiện mưa dầm gió lạnh triền miên của vùng đất này. Đó chính là sự thích ứng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” của người Huế. Ước chi có giống cây chịu được mưa dầm “Ông trời xứ Huế mình chắc nghiệt hơn xứ khác. Tui nhớ có năm mưa suốt ba tháng liền, từ tháng 8 (âm lịch) đến hết tháng 10. Mùa mưa cũng là mùa mà nông dân Huế xuống đồng cho vụ đông xuân. Có năm tui mặc chiếc tơi lùa trâu ra đồng cày nhưng lùa mãi hắn không đi, trời lạnh quá chân trâu cũng đánh lập cập. Người Huế có câu “Bầu tháng chín, bín (tức là bí) tháng mười”, tức tháng 9 (âm lịch) thì trồng bầu, tháng 10 trồng bí để ra giêng, hai mà chống đói. Mưa dầm lạnh buốt trồng khoai thì khoai lùn, trồng rau thì đỏ lá. Mưa kéo dài nhìn ruộng lúa mà chảy nước mắt, lúa lên khoảng hai tấc là vàng lá. Như vụ lúa vừa qua, mưa kéo dài cả tháng nên ba sào rưỡi ruộng của tui chỉ thu được 700kg lúa. Để tránh mưa, gần chục năm nay tui chuyển qua sạ giống lúa ngắn ngày hơn. Từ khi sạ đến khi gặt là ba tháng mười ngày, trước đây thì bốn tháng mười ngày, rứa mà có khi sạ xuống gặp mưa, lúa cũng không lên nổi. Sạ xong mẻ lúa, trồng xong luống rau là ngồi chắp tay cầu trời. Ước chi có giống lúa, rau màu chịu được mùa mưa dài lê thê ở Huế. Khi mưa Huế được nhìn bằng đôi mắt khác, những bất lợi có thể trở thành cơ hội cho thành phố festival này và những cánh cửa mới cho ngành du lịch có thể nhờ vậy mà được mở ra. Mưa có thể thành sản phẩm du lịch độc đáo của Huế Điều kiện tự nhiên bất lợi luôn luôn là nỗi ám ảnh đối với bất kỳ điểm du lịch nào ở VN. Với cách nhìn thông thường, mưa Huế là một hiện tượng thiên nhiên rất bất lợi, vì vào mùa mưa lụt, số lượng khách đến Huế sụt giảm, gây thất thu nhiều cho du lịch Huế. Phóng to Các nghệ sĩ của Nga biểu diễn trong mưa Huế (ảnh chụp vào đêm khai mạc Festival Huế 2010) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân Hãy nhìn mưa Huế dưới những khía cạnh khác sẽ thấy rất nhiều giá trị tiềm ẩn từ mưa mà từ trước đến nay chúng ta chưa khai thác. Những cơn mưa triền miên lại là một phần không thể thiếu trong bức tranh trầm mặc, hoài cổ của cố đô. Mưa Huế là nguồn cảm hứng vô tận đối với những người làm nghệ thuật, kích thích đời sống nội tâm của con người (hoài niệm, chiêm nghiệm, triết lý). Mưa làm các hoạt động vui chơi ngoài trời bị chậm lại, thì lại giúp các hoạt động giải trí trong nhà phát triển, tạo điều kiện cho khách du lịch giao lưu, chia sẻ và gần gũi nhau hơn. Mưa nhỏ thích hợp với nhu cầu tĩnh tâm, thiền định, thưởng thức âm nhạc, thơ ca, uống trà hay cà phê... Trên cơ sở phân tích nhiều khía cạnh thuận lợi từ mưa Huế, các chuyên gia nghiên cứu của Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) đã bước đầu đề xuất một số ý tưởng về hệ thống sản phẩm du lịch có thể khai thác thích ứng với mưa. Đó là tổ chức các tuyến, điểm du lịch tham quan phù hợp với việc thưởng thức cảnh quan cố đô Huế trong những ngày mưa. Các tuyến đi dạo dọc sông Hương với nhiều điểm ngắm mưa lý tưởng như đồi Vọng Cảnh, lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn), đỉnh núi Ngự Bình, tầng cao các khách sạn dọc sông Hương... Xây dựng các điểm dừng trú mưa trên các tuyến đường đi dạo với phong cách kiến trúc phù hợp với cảnh quan của thành phố di sản. Cần quy hoạch và thiết kế hệ thống khách sạn và quán cà phê mang chủ đề về mưa. Các không gian để ngắm mưa, nghe mưa và thưởng thức nhiều giá trị tinh tế khác của mưa cần phải trở thành chủ đề trong việc thiết kế nội ngoại thất của các khách sạn và quán cà phê theo phong cách lãng mạn Huế. Cũng nên phát triển mạnh các loại hình vui chơi giải trí trong nhà như biểu diễn thơ ca, âm nhạc, triển lãm, giao lưu văn hóa thông qua các lớp dạy nấu ăn, dạy vẽ tranh... Khai thác hệ thống chùa và nhà vườn ở Huế để trở thành các không gian lý tưởng cho du khách có nhu cầu tĩnh tâm, thiền định trong những ngày mưa, đồng thời tổ chức hệ thống nhà hàng phục vụ các món ăn phù hợp với ngày mưa. Mưa sẽ giúp khách du lịch có thêm thời gian để thưởng thức sự tinh tế của các món ăn cầu kỳ của Huế. Bên cạnh đó là thiết kế, tạo dáng đa dạng và hấp dẫn cho các loại hàng hóa và đồ lưu niệm mang đặc thù mưa Huế như nón, ô, áo mưa..., thiết kế, tạo dáng cho các phương tiện vận chuyển khách du lịch mang đặc thù của mưa Huế như xích lô, thuyền rồng... Đối với chính quyền Thừa Thiên - Huế, để các sản phẩm dịch vụ du lịch từ mưa mà chúng tôi nêu ra trên đây được xâu chuỗi bài bản thành một hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn và có chất lượng cạnh tranh cao, UBND tỉnh cần nhanh chóng xây dựng một đề án nghiên cứu tổng thể để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù này. Tránh tình trạng phát triển manh mún, không hiệu quả do thiếu tri thức, thiếu tầm nhìn và thiếu sự phối hợp liên kết đồng bộ giữa các doanh nghiệp, nhà quản lý và cộng đồng dân cư. Khám phá Huế trong mưa Miền Trung vào mùa mưa đồng thời là mùa cao điểm của ngành du lịch khi nhiều du khách nước ngoài bắt đầu kỳ du lịch nghỉ đông. Và Huế với những cơn mưa “bay trên tầng tháp cổ” vẫn đang hớp hồn nhiều du khách theo đúng yếu tố “tĩnh” vốn có của miền sông Hương núi Ngự. Để tạo sức sống cho hành trình đến Huế, nhiều công ty lữ hành đã tìm cách lồng ghép các hình ảnh động xung quanh sự trầm mặc của những đền đài, lăng tẩm... mà tour đi qua. Đôi khi chỉ là một trận đá gà, một lớp biểu diễn võ thuật của các em khuyết tật hay một màn trình diễn thư pháp... Đa dạng hơn là sự lồng ghép giữa điểm mạnh du lịch văn hóa Huế và sự sống động của các yếu tố bổ trợ như tour du lịch cùng thuyền kayak với hành trình từ sông Hương xuôi về làng hoa giấy Thanh Tiên, đến làng Sình làm tranh thờ cúng hay tour ngắm hoàng hôn trên sông Hương. Ra khỏi thành phố thì có tour khám phá Tam Giang lồng ghép các hoạt động văn hóa như múa truyền thống... của một làng quê ven phá và những sinh hoạt hằng ngày của người dân trên phá rộng lớn nhất Đông Nam Á này. Hôm nay, cùng người bạn tham gia một tour du lịch trong mưa cùng đoàn du khách đến từ Vương quốc Anh, tôi thật sự có cái nhìn khác về hình ảnh tĩnh của du lịch Huế. Đoàn du khách mặc áo mưa mỏng đủ màu xanh đỏ tím vàng, tay cầm dù, tay máy ảnh hào hứng đi chơi Huế trong cơn mưa rả rích. Tranh thủ chộp vài bức ảnh Huế trong mưa, cô bạn người Anh Elina trầm trồ: “Cứ như một bức tranh thủy mặc!”. Dù trời mưa tầm tã nhưng chiếc xe của chúng tôi vẫn dừng không biết bao nhiêu chỗ để du khách nhìn ngắm và chụp ảnh lưu niệm. Trong cơn mưa lất phất đặc trưng của Huế, Đại Nội, Phu Văn Lâu, quảng trường Ngọ Môn cùng bàng bạc một sắc màu cổ kính và đầy kiêu hãnh. Những con đường rợp bóng cây xanh của Huế bỗng trở nên cao vời vợi, xa thẳm giữa không gian đặc quánh một màu sắc rêu phong. Trên dòng sông Hương, những con thuyền mưu sinh chơi vơi giữa dòng nước cho đến những căn nhà nằm ven con sông Bao Vinh trong màn mưa bay phút chốc cũng trở nên thi vị lạ thường. Mưa không phải là bất lợi của Huế Chuyện ngập lụt tại những vùng đất thấp có vẻ là việc hằng năm đều xảy ra trong mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 11, nên nó thật sự không ảnh hưởng mấy đến hình ảnh du lịch của điểm đến. Để đối mặt với thực tại rằng Huế có thời tiết bất thường từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, Huế phải suy nghĩ lại về chiến lược du lịch của mình. Du lịch Huế lấy cảm hứng từ văn hóa và đây là thời điểm để suy nghĩ lại về văn hóa, xã hội nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch phù hợp, nên nghĩ đến việc thêm vào các dịch vụ vui chơi giải trí và du lịch biển, ít nhất là sáu tháng trong năm. Ngoài ra cần phải cải thiện tiêu chuẩn chất lượng của các cơ sở, dịch vụ và các điểm thu hút du khách lên tầm tiêu chuẩn quốc tế. Quê tôi ở Heidelberg (Đức) có vị trí, dân số, văn hóa và lịch sử giống hệt Huế, tuy ít hơn về công nghiệp và nhiều trường đại học hơn. Nhưng Heidelberg đã rất thành công trong việc quảng bá ngành du lịch như ngành công nghiệp chính của thành phố, mặc dù nơi đó cũng mưa rất nhiều. Mưa không phải là một bất lợi của Huế, vì nó thêm vào một đặc điểm nữa cho điểm đến của du khách. Sự bất lợi có thể vượt qua khi có một sản phẩm du lịch thú vị và việc quảng bá một cách chuyên nghiệp về hình ảnh điểm đến đó. Tôi đã và đang đề xuất những ý kiến về việc phát triển du lịch đến các cấp chính quyền ở Huế. Các đề xuất của tôi là tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp; phát triển một khu vui chơi giải trí tại Vỹ Dạ lấy cảm hứng từ Clarke Quay của Singapore; phát triển các bảo tàng tương tác nhằm cung cấp một khóa học ngắn hạn về văn hóa và lịch sử của Huế cho du khách Việt Nam và nước ngoài; thiết lập một cơ quan chuyên về hội nghị ở Huế nhằm thúc đẩy chương trình MICE (du lịch kết hợp hội họp, triển lãm) đến với thế giới; hợp tác với Tổng cục Du lịch để có một gian hàng Huế thật ấn tượng tại các hội chợ thương mại du lịch quốc tế; tổ chức sự kiện vui chơi giải trí... Huế đã có sẵn một Festival Huế mà nếu được tiếp tục phát triển và quảng bá tốt sẽ trở thành một điểm thu hút du lịch rất lớn. Hệ thống cơ sở hạ tầng đường sá, hệ thống thoát nước ở TP Huế cũng cần được nâng cấp. Những điều trên đây chỉ là một vài điểm để cho Huế duy trì được hình ảnh là một điểm đến ưa chuộng. Huế luôn luôn và sẽ luôn luôn có mưa. Mưa rất quan trọng để nuôi sống những dòng sông, hệ động thực vật. Mưa là điều thiết yếu cho cuộc sống theo như nhận thức của người dân. Mưa là một phần của kinh tế - xã hội và sẽ luôn như vậy. Nếu Huế muốn tận dụng lợi thế của mưa thì chiến lược phát triển cần phải được xem xét lại và điều chỉnh cho phù hợp. Phóng to Ông Ngô Hòa - Ảnh: Thái LộcChọn du lịch làm lối đi chính cho Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo chính quyền Thừa Thiên - Huế nhận định ra sao về chuyện sống và làm ăn dưới những cơn mưa dầm? Ông Ngô Hòa, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, chia sẻ góc nhìn và đề nghị của nhiều chuyên gia về mưa Huế. * Khi bàn luận về việc sống và làm ăn dưới cơn mưa dầm xứ Huế, nhiều ý kiến đã tựu trung: phải tận dụng mặt thuận lợi của nó, để sống và làm ăn một cách chủ động. Lãnh đạo chính quyền tỉnh chia sẻ quan điểm này tới đâu, thưa ông? - Trước hết phải thừa nhận rằng mưa dầm là nỗi khó nhọc cho sinh hoạt của người dân và là sự bất lợi cho kinh doanh, sản xuất, nhất là nông nghiệp và các hoạt động sản xuất ngoài trời. Nhưng nhiều người vẫn nói nếu Huế không có mưa dầm thì không phải là Huế. Cũng chính do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt mà sinh ra đức tính cần cù, chịu khó, làm ăn căn cơ của người dân miền Trung nói chung, người Huế nói riêng. Khí hậu mưa nhiều đã sinh ra một vùng rừng xanh quý giá Bạch Mã - Hải Vân, những cơn mưa dầm dề ấy cũng góp phần tạo ra những di sản phi vật thể độc đáo của Huế, đó là âm nhạc, thi ca đậm màu sắc thơ mộng, lãng mạn... Điều đó cho thấy mưa không chỉ là bất lợi của Huế. Vấn đề là người quản lý, các nhà kinh doanh, các đơn vị sản xuất phải biết cách thích nghi với điều kiện tự nhiên để làm ăn một cách bền vững. Trách nhiệm của UBND tỉnh là định hướng, còn các doanh nghiệp và người dân phải biết cụ thể hóa cách làm ăn thích nghi với tự nhiên. Tất nhiên, chính quyền phải lo đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở để phục vụ việc làm ăn của người dân và các nhà đầu tư. Đến nay, tỉnh đã đầu tư rất lớn cho hệ thống đường giao thông, kết nối giữa trung tâm với miền núi, đầm phá, ven biển, đảm bảo thông suốt trong mọi điều kiện thời tiết, không chỉ cho dân sinh mà còn đảm bảo cho phát triển kinh tế. * Nhiều ý kiến cho rằng du lịch là ngành kinh tế duy nhất có thể biến mưa - cái bất lợi - thành sản phẩm độc đáo của Huế. Là phó chủ tịch phụ trách du lịch của tỉnh, ông nghĩ sao về nhận định này? - Tôi nghĩ nhận định như thế về cơ bản là đúng. Trong trận lụt lớn năm 2007, tôi đi kiểm tra ở khách sạn Century, thấy du khách vẫn vô tư bơi trong hồ và ngồi trên bờ ngắm sông trong mưa. Họ nói với tôi rằng được nhìn cảnh dòng nước sông Hương dữ dội như thế cũng thú vị lắm. Mùa mưa Huế cũng là mùa cao điểm đón du khách quốc tế, các khách sạn cao cấp ở Huế vẫn đông khách từ nay đến tháng 4 năm sau. Họ từ các nước xứ lạnh đến đây để nghỉ đông, để tránh cái rét và băng giá. Nhiệt độ 14-15°C của Huế đối với họ là ấm áp và nhiều du khách nói họ rất thích cái mưa rất thú vị này. Điều đó cho thấy nếu người làm du lịch Huế biết cách khai thác thì mưa sẽ là một sản phẩm thú vị. Nhà lữ hành phải xây dựng tour, tuyến phù hợp với mùa mưa. Các khách sạn, nhà hàng phải biết tạo ra sản phẩm mùa mưa khác với mùa nắng. Hướng dẫn viên phải biết cách thuyết minh cho khách nhìn thấy vẻ đẹp thơ mộng, sâu lắng của Huế trong mưa. Phải có các phương tiện che mưa cho khách như áo mưa, ô, hành lang, xe chuyên chở... Làm như thế thì quanh năm lúc nào cũng có khách. * Nhưng UBND tỉnh đã có định hướng cụ thể nào cho các doanh nghiệp về vấn đề này chưa, thưa ông? - Chúng tôi sẽ yêu cầu Sở Văn hóa - thể thao và du lịch nghiên cứu về vấn đề này, lấy ý kiến của các doanh nghiệp du lịch để tham mưu cho UBND tỉnh nhằm có những định hướng cụ thể hơn về cách làm du lịch trong mùa mưa. Tôi rất muốn Sở Văn hóa - thể thao và du lịch năng động hơn trong vấn đề này. Tất nhiên, điều quan trọng là Nhà nước phải chăm lo hoàn thiện cơ sở hạ tầng, còn việc tạo ra sản phẩm du lịch là vai trò của nhà đầu tư. * Có người đưa ra ý tưởng tổ chức festival mưa Huế vào mùa mưa dầm cuối năm, coi đó là cách để thành phố festival này quanh năm đều có lễ hội. Ông nghĩ sao về ý tưởng này? - Đó là một ý tưởng rất lãng mạn, đầy suy tư và chia sẻ với Huế. Nhưng quả thật là không đơn giản chút nào. Muốn làm được sản phẩm này, cần phải có sự đồng cảm từ các doanh nghiệp du lịch và du khách. Họ phải thật sự nhìn thấy được vẻ đẹp cũng như giá trị của mưa Huế. Tuy nhiên, tôi đồng ý là đã đến lúc phải đặt vấn đề khai thác du lịch mùa mưa Huế, quảng bá cho du khách về vẻ đẹp thâm trầm sâu lắng của Huế trong mưa. * Xin cảm ơn ông.
Việt Nam có quy mô tăng trưởng thương mại điện tử nằm trong top đầu thế giới NGỌC AN 26/11/2024 Mặc dù Việt Nam có quy mô tăng trưởng thương mại điện tử trong top đầu thế giới nhưng việc thúc đẩy xuất khẩu qua kênh này vẫn còn nhiều thách thức.
Khởi tố, bắt 4 bị can gồm 2 giám đốc về tội đưa, nhận hối lộ ở Nha Trang PHAN SÔNG NGÂN 26/11/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can liên quan việc đấu thầu thi công các dự án do Công ty TNHH Dũng Lợi thực hiện trên địa bàn TP Nha Trang.
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ.
Nhận hối lộ gần 6 tỉ, luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với cựu vụ phó Anh Tuấn TUYẾT MAI 26/11/2024 Sáng 26-11, phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan. Bào chữa cho ông Hoàng Anh Tuấn (cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với ông Tuấn.