Sinh ra trong gia đình có công, là cháu gái anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, nữ tiến sĩ là giảng viên khoa văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ:
- Khởi nguồn đam mê văn chương trong tôi bắt đầu từ ngày bé khi mỗi tối gần như đắm chìm trong các câu chuyện cổ tích, truyện kể dân gian... của cha mẹ.
Hình ảnh hoàng tử, công chúa, cô gái tốt bụng, tấm gương mồ côi ở hiền gặp lành làm tôi suy nghĩ, yêu thích và khơi gợi trong tôi niềm ham mê đọc sách. Lớn hơn chút nữa, tôi nhớ mình đã khóc khi đọc và bắt đầu cảm được một số tác phẩm.
Khi văn chương là nghiệp
* Tốt nghiệp loại giỏi, 10 điểm luận án thạc sĩ rồi lấy bằng tiến sĩ văn học cùng một số bài báo quốc tế. Bí quyết nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương của chị?
- Mọi thứ chắc chỉ gói gọn trong hai từ đam mê và trách nhiệm. Trong cuộc sống đời thường cũng vậy, tôi luôn tự tạo sức mạnh nội tại bằng đam mê, thường xuyên nhắc nhở bản thân về trách nhiệm với chính bản thân, với những việc mình đang làm, với gia đình và sự ảnh hưởng đến cộng đồng.
Tôi nhớ nữ sĩ Xuân Quỳnh có một tình yêu rất đẹp qua câu thơ "Tay trong tay tôi đã bên người. Tôi chẳng nói điều chi về vĩnh viễn. Vì mỗi sáng khi mặt trời hiển hiện. Là một ngày tôi lại bắt đầu yêu". Tôi mạn phép tự ví tình yêu nghề, yêu văn chương của mình cũng giống bà vậy.
* Hành trình đến với văn chương, nghề giáo có vẻ khá dễ chịu với chị nhỉ?
- Để bền bỉ với lựa chọn ấy thật lòng mà nói chưa bao giờ là dễ dàng bởi chúng ta đều biết nghề văn nói chung, công việc giảng dạy môn này nói riêng hiếm khi có thể đem lại thu nhập cao. Đã từng có những lúc tôi muốn chia tay với nghề, rẽ sang hướng khác nhưng cuối cùng không dứt được.
Nhờ con đường này, tôi nhận được rất nhiều sự yêu thương, quý mến của các bạn học viên. Mà hạnh phúc của tôi đơn giản lắm, đôi khi chỉ là cảm nhận được sự háo hức trên gương mặt các bạn khi đến lớp, là lời cảm ơn đầy trân quý dành cho mình khi các bạn kết thúc môn học.
Tôi nhớ hoài một kỷ niệm khó quên trong nghề. Đó là một lần tan buổi học, một bạn nữ sinh viên đến nắm chặt tay tôi rồi nói: "Cô ơi nếu sau này cuộc sống có nghiệt ngã quá em lại quay về đây tìm cô, nghen cô!". Thật sự lúc đó tôi đã phải cố gắng kìm lắm để không bật khóc trước mặt học trò đấy.
Cần sự thấu cảm trong cuộc sống
* Ấy cũng là lý do chị vẫn chọn và theo nghề giáo đến hôm nay dù từng đoạt giải sinh viên thanh lịch và có cơ hội trở thành phát thanh viên truyền hình?
- Đến giờ phút này tôi vẫn thấy vui và không hối tiếc về chọn lựa của mình. Có thể hiện ngành giáo dục đang đối mặt trước nhiều vấn nạn, hình ảnh người giáo viên có đôi lúc đã không còn lung linh trong mắt học trò nhưng tôi tin đó chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh".
Tôi tin vẫn còn rất nhiều người thầy, những nhân sự giỏi và tâm huyết với công việc, với ngành. Xã hội nào chắc cũng sẽ tồn tại những bất cập, điều còn lại là chúng ta còn có đủ yêu thương, đam mê để sống chết với nghề hay không.
* Có hay không những lúc chị nản lòng trong cuộc sống hay sự nghiệp?
- Với bất kỳ ai, cuộc sống sẽ luôn có thăng trầm và thể nào cũng có những khi không như ý mình. Ở tuổi này, tôi nhận ra rằng trong mọi chuyện ngoài kiến thức, kỹ năng, chúng ta cần thêm sự kiên nhẫn, cầu thị. Dù bạn có giỏi giang, mạnh mẽ đến mấy cuối cùng cũng chỉ như một chiếc lá mỏng manh trong cả khu rừng.
Nếu không đủ kiên trì, thiếu cầu thị, chắc là chúng ta khó mà trưởng thành, phát triển bền vững và càng khó có được sự yêu thương, hỗ trợ của người khác khi cần. Hành trình khuyến khích sự đọc ở giới trẻ cũng không thể một sớm một chiều và người lớn càng cần sự thấu cảm, cầu thị, thật sự lắng nghe các bạn trẻ.
Giúp người trẻ đọc một cách sâu sắc
* Thực tế một bộ phận không nhỏ giới trẻ ít chịu đọc, chưa nói đến đọc sâu và đọc đúng. Từ giảng dạy và quan sát cuộc sống, chị muốn chia sẻ gì về điều này?
- Đúng là hiện nay giới trẻ sống trong thế giới được bao phủ bởi công nghệ và Internet, những thứ có tính giải trí cao nhưng đúng là cũng dễ gây nghiện nên tác động đến chất lượng đọc. Có thể nói sự đọc của các bạn đã giảm khá nhiều so với các thế hệ trước đây.
Tuy nhiên, chúng ta không nên trách các bạn trẻ. Thay vào đó, rất cần sự tư duy, tìm các giải pháp thực tế, hấp dẫn và giúp các bạn tìm thấy lợi ích rõ của việc đọc, của văn chương. Chẳng hạn trong trường học, các cơ quan, đơn vị có thể phối hợp thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác, bình luận về sách thông qua các nền tảng mạng xã hội phổ biến cũng là một cách.
Song song đó, người lớn hãy giúp giới trẻ nhận ra rằng sự đọc một cách sâu sắc sẽ giúp cuộc sống, góc nhìn của các bạn bớt "khô", giảm cô đơn và góp phần làm giàu vốn sống, chữa lành những tổn thương tinh thần. Một khi thấy được lợi ích từ sự đọc, thấy chúng gần gũi, dễ tiếp cận và tiếng nói của mình được lắng nghe, tôi tin các bạn trẻ sẽ không lãng quên điều ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận