Đã hơn một tháng hè trôi qua, ngày nào chị Hạnh - phụ huynh tại quận Bình Thạnh, TP.HCM - cũng tất bật với chuyện học hành, ăn uống, ngủ nghỉ của hai con, một 10 tuổi và một 8 tuổi. "Tôi xoay xở đến phát mệt với các con. Như này mới thấy cô giáo ở trường giỏi thật, 35 - 40 bạn quậy suốt mà vẫn quản lý tốt" - chị Hạnh nói.
Những ngày hè căng thẳng
Chị Hạnh kể vào những ngày hè, sáng dậy chị phải đi mua đồ ăn sáng cho các con, trưa nếu về kịp thì nấu cơm, không thì đặt đồ ăn mang về cho các con ở nhà.
Vì thế, một ngày của chị tất bật từ sáng sớm đến tối mịt. Nhưng điều quan trọng hơn là các con chị không biết làm gì trong những ngày hè, cũng không chịu học hành. Vì thế không khí gia đình luôn căng thẳng, mệt mỏi.
Chị Hạnh đăng ký cho hai con theo học lớp kỹ năng ở trường. Nhưng mỗi tuần cũng chỉ có vài buổi nên "không thấm vào đâu, các con vẫn chủ yếu xem điện thoại, ti vi".
Mỗi ngày hè của Tí và Na, hai con của chị Hạnh, chủ yếu như sau: ngủ dậy làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng, chơi và xem chương trình yêu thích, ăn trưa, xem phim.
"Tôi muốn và đã giao bài cho các con học, nhưng các con không tự giác, không học hành gì. Ngày thì bận đi làm, tối về tôi kiểm tra và yêu cầu các con hoàn thành thì xảy ra rất nhiều chuyện. Hôm thì con khóc khiến mẹ bực mình, hôm thì con nói con buồn ngủ lắm… Mọi chuyện cứ thế rối mù cả lên" - chị Hạnh tâm sự.
Sau một thời gian không thể đưa các con vào guồng học tập, làm theo quy định của cha mẹ, vợ chồng chị Hạnh đành chiều theo ý các con.
"Tôi nghĩ chắc do các con còn nhỏ nên khó theo lịch của mình. Với lại, mình không có chuyên môn gì về dạy học nên đành để trẻ thích gì làm nấy. Cũng hơn một tháng nữa đi học lại rồi, để đến trường thầy cô dạy luôn, cha mẹ đầu hàng rồi" - chị Hạnh không ngần ngại thổ lộ.
Chung tâm trạng, chị Liên - có ba con ở TP Thủ Đức, TP.HCM - kể những ngày hè các con chị tha hồ thức khuya, ngủ nướng sau khi chị thất bại trong việc lên lịch. Các con của chị Liên thường đón ngày mới lúc 10h - 11h.
"Tôi có đưa lịch cho các con để các con đỡ xem ti vi, điện thoại. Nhưng do ở nhà với ông bà nội, ông bà cũng chiều các cháu nên lịch bể hết. Các con chẳng học hành, tập luyện được gì. Cuối cùng là ngày nào cũng như ngày nào, hè chỉ có xem điện thoại, nằm máy lạnh, ngủ là chủ yếu" - chị Liên nói.
Cùng con lên lịch
Không như ở những vùng nông thôn, mùa hè của trẻ ở những đô thị lớn có thể trở nên bí bách trong những bức tường nếu cha mẹ, người nhà không cùng trẻ tạo nên một mùa hè bổ ích. Hiểu rõ điều này, không ít ông bố bà mẹ cùng con tạo nên mùa hè nhiều ý nghĩa với các con.
Anh Hùng, một phụ huynh tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), kể để cho con có một mùa hè nhiều ý nghĩa, rèn luyện tính tự lập, tự lên kế hoạch, anh cho con trai lớp 6 của mình tự viết kế hoạch rèn luyện, học tập trong hè. Từ đó anh uốn nắn con, bàn bạc với con theo những việc có thể làm để trẻ tự giác trong học tập, rèn luyện, vui chơi.
Điều ngạc nhiên thú vị là cậu bé 11 tuổi đó đã có thời gian biểu chi tiết với lịch sinh hoạt trong những ngày hè khá hợp lý và phù hợp với điều kiện cuộc sống của cậu. Trong đó, đáng chú ý, cậu bé còn lên lịch "chơi với ông bà" không phải đứa trẻ nào ở tuổi đó cũng có thể nghĩ tới.
"Tôi nghĩ nếu đưa cho con một quy định, lịch bắt con phải theo, con sẽ cảm thấy bị cha mẹ gò ép. Như vậy, tâm lý con sẽ không thoải mái nữa. Để bạn ấy tự lên lịch như thế này, theo kiểu của bạn ấy, sẽ phát huy được tính tự giác và tinh thần chủ động của bạn ấy" - anh Hùng nói.
Trả lời Tuổi Trẻ, TS Ngô Xuân Điệp, trưởng khoa tâm lý học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng việc dạy con, rèn luyện con trong hè đối với phụ huynh tại các đô thị lớn là điều không hề dễ dàng.
Trong bối cảnh đô thị chật hẹp, không gian vui chơi ít, cha mẹ thường chỉ chú trọng việc đảm bảo an toàn cho con hơn là chú ý đến việc đưa đến cho trẻ một mùa hè lành mạnh, bổ ích, phù hợp điều kiện sống ở TP.
Theo ông Điệp, muốn có một mùa hè như mong đợi, mỗi gia đình cần có một chương trình hè khả thi với điều kiện của mỗi gia đình. Nhưng để chương trình đó thành công và khả thi, cha mẹ nên khuyến khích con cái chủ động về chương trình đó chứ không ép buộc.
"Ví dụ, dựa trên lịch của trẻ, cha mẹ có thể đưa ra tiêu chí về giờ chơi và môn chơi như thế nào cho hợp lý bằng cách để trẻ chọn lựa, phân tích. Như vậy trẻ sẽ tự giác làm công việc mình đã chọn, cha mẹ cũng thoải mái hơn, không khí gia đình sẽ vui vẻ" - ông Điệp phân tích.
Cha mẹ uyển chuyển
Làm sao để có một mùa hè bổ ích cho trẻ, tránh xa điện thoại, ti vi, rèn luyện được thể chất, tinh thần cho trẻ nhưng trẻ vẫn vui vẻ, thoải mái, cha mẹ cũng không bị căng thẳng, stress? Muốn làm được điều này trong hè, khi nhà là trường, thì cha mẹ phải uyển chuyển trong các vai trò của mình.
Từ góc độ tâm lý học, tôi đánh giá cao việc cha mẹ có thể khích lệ tính tự giác của trẻ. Cha mẹ cần làm sao để phát huy tính tự giác của trẻ bằng thảo luận, thương lượng, khuyến khích… với trẻ.
TS Ngô Xuân Điệp
Con cái chủ động
Em Nguyễn Nhật Anh, một học sinh lớp 9, quận 4 (TP.HCM), thích thú với việc được chủ động lên lịch cho những ngày hè của mình.
"Em viết về mục tiêu hè của em, sau đó ba mẹ sẽ góp ý cho em về lịch. Khi xong lịch, em cứ thế làm. Chị em em đều làm vậy và thấy thật vui vì được ba mẹ khen ngợi sự chủ động này" - Nhật Anh chia sẻ.
Cơ hội khi con mắc lỗi
"Mình xin lỗi bạn sách! Mình sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn nữa!" - Gấu, cậu bé có dáng vẻ ục ịch, vừa đứng lên ngồi xuống vừa nói câu này 30 lần. Gấu bị mẹ phạt vì tội lấy sách đọc xong không để lại kệ mà để bừa bãi trên bàn học.
Từ đầu tháng 6 tới nay, nhà Gấu trở thành trường học khi cậu chính thức bước vào ba tháng hè, ngoại trừ những ngày đi du lịch hoặc về quê.
Chị Hương, mẹ Gấu, cho hay con chị năm nay lên lớp 4. Ở cái tuổi hiếu động nên việc con mắc lỗi là đều hơn cơm bữa, đặc biệt là trong suốt ba tháng hè khi con ở nhà.
Sau nhiều lần căng thẳng, nặng nề, thậm chí có cả đòn roi đối với cậu con trai, chị Hương quyết định tìm giải pháp "sống chung với lỗi".
"Tùy mức độ và tính chất của lỗi, tôi có những hình phạt khác nhau: đứng lên ngồi xuống (Gấu hơi quá cân nên đó cũng là một hình thức để bạn ấy tập thể dục) và xin lỗi bạn sách, xin lỗi máy lạnh (vì ra khỏi phòng không tắt máy lạnh), xin lỗi quần áo (vì gấp quần áo cẩu thả), đọc 20 trang sách chữ rồi viết cảm nhận trong 1 trang giấy...
Tôi không còn cảm giác khó chịu khi con mắc lỗi nữa, ngược lại luôn sẵn sàng mỗi khi con làm gì sai. Con phạm lỗi là cơ hội để giáo dục, uốn nắn cho con" - chị Hương chia sẻ.
Tuy nhiên, chị Hương nhấn mạnh điều quan trọng hơn hình phạt chính là sự phân tích, giải thích, trò chuyện để con hiểu con đã sai cái gì, tại sao con bị phạt và làm gì để không tái phạm.
"Có nhiều cái sai con không biết mình sai. Mình kiên nhẫn nói chuyện, phân tích cho con hiểu. Đó cũng chính là cơ hội để giáo dục con" - chị Hương nói.
N.HUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận