12/08/2024 11:46 GMT+7

Mùa hè của trẻ nghèo nơi cửa biển

Mùa hè của trẻ vùng ven rừng, ven biển Cà Mau là những ngày lặn lội mò cua, bắt ốc kiếm tiền. Số tiền nhỏ nhoi, đẫm mồ hôi các em kiếm được có khi góp vào ký gạo, bó rau cho gia đình, hoặc tiết kiệm để mua sắm sách vở cho năm học mới.

Mùa hè của trẻ nghèo nơi cửa biển- Ảnh 1.

Khải Minh (thứ 2 từ trái sang) cùng chú đi bắt ốc ở rừng ngập mặn Đầm Dơi, Cà Mau - Ảnh: THANH HUYỀN

Cửa biển Giá Lồng Đèn nằm ven bìa rừng phòng hộ với hàng chục nóc nhà xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, Cà Mau. Nơi đây có hơn 20 học sinh đang học từ mẫu giáo đến lớp 5, đa số thuộc diện gia đình khó khăn.

Bì bõm nhặt con sò, con ốc để kiếm tiền đi học

Vị thế xã Tân Tiến lưng liền rừng, mặt giáp biển, thuận lợi nghề đánh bắt thủy sản, nhưng đó cũng là nỗi nhọc nhằn khi học sinh phải đi học bằng đò tốn kém. Nhiều trẻ cửa biển này phải theo cha mẹ mưu sinh sau khi học hết tiểu học.

Những em nhỏ hơn thì được "ưu tiên học cho biết chữ" và được cắp sách đến trường. Tuy nhiên, mùa hè thì những đứa bé ăn chưa no lo chưa tới này cũng phải theo cha mẹ hoặc tự vào rừng mò sò, bắt ốc chắt chiu từng đồng.

Em Nguyễn Khải Minh mới học lớp 3 nhưng đã có hai mùa hè cùng cha đi biển. Ngày biển êm, em phụ cha chạy máy, giăng lưới bắt cá. Ngày biển động, em vào rừng cùng các anh chị để mò sò, bắt ốc.

Mỗi ngày men theo các vạt rừng phòng hộ ven biển, Minh bắt ốc, nhặt sò và kiếm được khoảng 100.000 đồng, số tiền này sẽ được cha mẹ em để dành trang trải trong những ngày đầu năm học mới.

"Nghỉ hè là cỡ 4h sáng em sẽ chạy máy cho cha đi đánh lú (dụng cụ bắt tôm cá) ngoài biển. Hôm nào biển động thì em với mẹ với cha đi bắt ốc ven rừng. Bắt nhiều thì được khoảng 6kg, ít thì 4kg. Mỗi ký ốc bán được khoảng 60.000 đồng.

Đi lưới ngoài biển thì em khỏe hơn vì chỉ lo chạy máy, còn đi bắt ốc thì cực do phải lội sình hàng giờ trong rừng. Cực nhất là gặp muỗi, mòng trâu cắn và hàu cứa đứt chân", Minh hồn nhiên kể.

Mùa hè của trẻ nghèo nơi cửa biển- Ảnh 2.

Các em nhỏ ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau tranh thủ ôn bài sau những giờ mưu sinh cùng cha mẹ

Anh Phạm Chí Xuyên, chú của Minh, cho biết do mưu sinh nơi cửa biển nên làm ngày nào ăn ngày đó. "Sống ở đây ráo nước là hết tiền nên đâu ai tích lũy được gì. Do nằm tách biệt nơi cửa biển nên muốn đến được trường thì trẻ em ở đây phải tốn hơn 30.000 đồng tiền đò mỗi ngày, số tiền không hề nhỏ với dân nghèo.

Đối với những đứa lớn thì còn tự đi được, những đứa lớp 1, lớp 2 thì cha mẹ phải đưa đi và đợi rước về nên mất thời gian và tiền bạc lắm.

Cũng chính điều đó mà trẻ ở đây học tới lớp 5 là mừng rồi. Thường mấy đứa như cháu tôi khoảng 10 tuổi là bắt đầu theo cha mẹ tập mưu sinh dần dần", anh Xuyên nói.

Màn đêm buông xuống, mưa mùa hè như trút nước, cũng chính là lúc trẻ xóm quê mừng như mở hội vì có thể ra đồng săn bắt. Từ con chuột, con cua, con ếch đều được các em gom nhặt.

Em Nguyễn Chí Tài (12 tuổi, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) theo cha ra đồng bắt nhái từ tối đến khuya. Hằng đêm quãng đường em di chuyển có thể lên đến hàng chục km. Dù vậy, có đêm em chỉ bắt được hơn 1kg nhái góp mua sách vở đầu năm học mới được hơn 50.000 đồng.

"Ở nhà cũng không gì chơi, con nít xóm này ai cũng vậy nên em đi theo bắt nhái cho đỡ buồn. Hôm bắt được ít thì có nhái ăn, dư thì bán kiếm tiền cho đầu năm học mới. Mùa hè, đi bắt cá, bắt nhái, chuột... em cũng đủ tiền mua sách vở, dụng cụ học tập", Tài hồ hởi khoe.

Trong dịp hè, chính quyền địa phương, gia đình cần quan tâm nhiều và quản lý các em để phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ bị xâm hại, tai nạn, thương tích, để trẻ có mùa hè vui tươi, ý nghĩa, an toàn, lành mạnh.
Bà Nguyễn Thu Tư, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau

Nuôi ước mơ đến trường

Anh Đoàn Kỳ Nam, phó bí thư Xã đoàn Tân Tiến, cho biết anh cùng các bạn đoàn viên chi đoàn rất quan tâm đến trẻ em nơi cửa biển Giá Lồng Đèn.

"Dù đầu năm học mới chi đoàn có vận động giúp các em một phần sách vở và tiền đò đi học nhưng do dân cửa biển thường nghèo, lo cái ăn còn chưa đủ lấy đâu tiền cho các em học lên cấp II. Khu vực cửa biển này mạng yếu nên khi có sóng, khi không. Trẻ em muốn xem tivi còn khó nói chi đến hoạt động vui chơi hè", anh Nam trăn trở.

Em Nguyễn Trọng Phú (12 tuổi, bạn của Nguyễn Chí Tài) cho biết dù em đi bắt nhái hằng đêm để kiếm tiền nhưng chưa một ngày em có ý định sẽ nghỉ học.

"Cha mẹ làm cực, nhà không có nhiều đất nên em không có ý định nghỉ học, em đi bắt ếch nhái, kiếm cá cũng vui, qua mùa hè có tiền mua sách vở. Cha mẹ chỉ cần lo thêm tiền trường là em có thể đi học được rồi", Trọng Phú hào hứng khoe.

Trọng Phú (trái) cùng bạn Chí Tài hằng đêm ra đồng bắt nhái, kiếm tiền mua sách vở

Trọng Phú (trái) cùng bạn Chí Tài hằng đêm ra đồng bắt nhái, kiếm tiền mua sách vở

Những đứa trẻ trên mặt ánh lên nét ngây thơ trong sáng nhưng đôi bàn chân bé nhỏ đã sớm chai sạn vì lam lũ. Tuổi còn nhỏ, các em đã có ý thức lao động, có trách nhiệm với gia đình, tự giác học hành.

"Trên địa bàn huyện Phú Tân vẫn còn một số ít trẻ em phải mưu sinh cùng cha mẹ trong những tháng mùa hè.

Phía đơn vị thường xuyên rà soát, chỉ đạo các trường nắm lại danh sách đầu năm học mới để vận động nhà hảo tâm hỗ trợ các em có điều kiện tiếp bước đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng", chị Trần Cẩm Hường, phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, trăn trở.

Ở đồng bưng hay biển cả bao la đầy nắng gió, những đôi chân trần trẻ em cứ bì bõm lội sình, bắt từng con nhái, con ếch, con sò, con ốc để giúp gia đình. Cái nắng, cái gió và vị mặn nồng của nước biển làm các em đen nhẻm đi để mong một ngày đầu tháng 9 được nở nụ cười rạng rỡ cùng bạn bè cắp sách đến trường.

Tỉnh Cà Mau có hơn 3.600 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 14.000 em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh những chính sách chăm lo của Nhà nước thì các em cần được cộng đồng chung tay hỗ trợ để được cắp sách đến trường.

Mùa hè của trẻ nghèo nơi cửa biển- Ảnh 4.'Yêu thương tới bến' của sinh viên tình nguyện hè

Kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian mà học sinh, sinh viên đều háo hức mong đợi để có dịp về quê thăm gia đình. Tuy nhiên, có những sinh viên chọn cách xách ba lô lên đường làm tình nguyện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên