Mùa hè cho con vào rừng

TÔ THÙY LINH 16/06/2019 23:06 GMT+7

TTCT - Nhiều phụ huynh đã rất quyết tâm để những đứa trẻ thị dân “đầu to, mắt cận” được rắn rỏi, mạnh mẽ hơn trong một mùa hè đầy khám phá… Tô Thùy Linh - một cô giáo mẫu giáo, dạy múa và võ tự vệ chống xâm hại trẻ em ở Biên Hòa - kể câu chuyện của mình trong hành trình về Mã Đà với các em nhỏ thành phố, trong một mùa hè cùng các em cố gắng thoát ra khỏi phòng máy lạnh, gà rán và trung tâm Anh ngữ.

Trẻ thành phố thích thú khi lần đầu thấy ánh mặt trời xuyên qua tán lá rừng
Trẻ thành phố thích thú khi lần đầu thấy ánh mặt trời xuyên qua tán lá rừng (Ảnh; Tô Thùy Linh)

“Sau hai ngày, một đêm khám phá rừng quốc gia Mã Đà - Chiến khu D cùng bè bạn, cô Út 11 tuổi nhà tôi về nhà tíu tít:

- Được vào sống giữa rừng, thích lắm bố ạ!

- Những cái gì khiến con thích vậy?

- Nhiều thứ lắm bố ạ. Tụi con có 10 bạn cùng vào rừng, được các chú kiểm lâm cho ngồi xe Jeep đi sâu vào trong rừng; được các chú hướng dẫn cách lấy nước từ cây, nhóm lửa nướng gà, nấu cơm lam, tìm hiểu về các loài bướm, các loài thú và chim quý. Các chú còn chỉ cho con những loại cây, loại nấm nào ăn được, loại nào không.

Chúng con được lội suối, đi bộ trong rừng như các chú kiểm lâm luôn, nhất là ban đêm được ngủ trong lều trại giữa rừng thật là vui. Con lội suối bị ướt hỏng mất điện thoại và bị kiến rừng đốt thiệt là đau nhưng may có cô hướng dẫn xịt thuốc cho nên hết ngay… Đặc biệt, con có thêm rất nhiều bạn mới và phải cùng nhau làm việc, cùng nhau băng rừng, cùng nhau dựng lều trại… thực sự rất tuyệt vời”.

Đó là lời kể tôi nghe được từ ông bố của một bạn nhỏ sau chuyến đi khám phá rừng Mã Đà hai ngày một đêm với chủ đề “Bé làm kiểm lâm”, vừa tổ chức vào đầu hè năm nay.

Thành quả sau một buổi lao động: cơm lam và gà nướng
Thành quả sau một buổi lao động: cơm lam và gà nướng (Ảnh: Tô Thùy Linh)

Ắt mọi người sẽ hỏi vì sao tôi - một cô giáo mẫu giáo, chuyên dạy hát múa lại làm tour đưa trẻ con vào rừng?

Số là trong một lần hữu duyên được đi khám phá rừng Mã Đà, tôi và đội nhóm của mình đã lóe lên ý tưởng là làm sao để các bạn nhỏ ở thành phố được đến đây, trải nghiệm những điều mới mẻ, học những kỹ năng sống cần thiết khi không có ba mẹ ở bên mà lại không tốn quá nhiều thời gian di chuyển, vì Mã Đà gần, dễ đi và thiên nhiên luôn là điều tuyệt vời nhất.

Thế là tour du lịch khám phá “Bé làm kiểm lâm - Kỹ năng sinh tồn trong rừng” dành cho các em từ 10-15 tuổi ra đời.

Nghiệm từ bản thân, tôi thấy thật tiếc khi ngay trên quê hương Đồng Nai của mình có rừng Mã Đà tuyệt vời thế này mà đến giờ trưởng thành rồi tôi mới biết. Mã Đà chỉ cách TP.HCM 80km và thành phố Biên Hòa 55km, với tên gọi chung là Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, với hệ thống rừng nguyên sinh rất đa dạng.

Thời gian gần đây, nhiều tay máy nổi tiếng chụp ảnh chim thiên nhiên cũng đã tìm đến đây để săn ảnh.

Mã Đà còn có khu di tích lịch sử Chiến khu D nên thật sự là một điểm “check-in” lý tưởng cho các gia đình, nhóm bạn bè thư giãn trong một cuối tuần thong thả hay mấy ngày hè rời xa khói bụi đô thành.

Chăm chú ghi chép
Chăm chú ghi chép (Ảnh: Tô Thùy Linh)

Tôi không bao giờ quên được những gương mặt trẻ thơ khi đứng dưới tán những cây cổ thụ trên trăm năm tuổi bằng lăng, gõ đỏ, dầu… và nhất là lúc thăm cây tung (tetrameles) khổng lồ.

Hay nữa, khi thấy một con cuốn chiếu các bạn nhí cũng lạ, tay cầm một chú rùa con cũng run rẩy, rồi những bước chân rụt rè khi lội con suối cạn lần đầu thấy trong đời.

Nhìn cảnh các em chăm chú ghi chép những điều mắt thấy tai nghe kỳ thú trong rừng, như kinh nghiệm sống sót trong rừng bằng cách lấy nước từ cái cây nào, loại lá nào ăn được, loại nào không, vì sao ngày xưa người ta chọn lá cây trung quân để lợp nhà…, mới thấy những “động vật đô thị” chúng ta thiệt tội nghiệp: người lớn bận bịu với cuộc mưu sinh đã đành, trẻ nhỏ giờ cũng đã bị bứt khỏi gốc rễ thiên nhiên.

Ngạc nhiên chưa, khi uống nước từ dây leo trong rừng
Ngạc nhiên chưa, khi uống nước từ dây leo trong rừng (Ảnh: Tô Thùy Linh)

Một cuộc tản bộ trong rừng, một cuộc trò chuyện với chú kiểm lâm, một chú rùa con cầm trên tay, một vệt rừng già che kín đất giữa trời nắng ban trưa… thực sự thổi hồn vào cho những bài học trên giấy về việc yêu rừng, yêu thiên nhiên của những em nhỏ mà tôi được may mắn đi cùng, bởi trong khi nhiều điều khác có thể dạy được qua sách vở và trường lớp, để cảm nhận được thiên nhiên thật sự, ta không có cách nào khác là phải sống giữa thiên nhiên.

Giống như vậy, khi được hướng dẫn làm cơm lam, ướp thịt gà rồi nướng, khi nhìn những gương mặt trẻ thơ sáng bừng với những đĩa thức ăn “thành quả”, tôi tin rằng đó là những bài học khó thể có trong trường học, ở những gia đình đô thị vốn đang bị tràn ngập một đời sống nhân tạo, công nghiệp và ngày càng ít hơi thở thiên nhiên.

Phần thưởng lớn nhất của chúng tôi là khi kết thúc chuyến đi, được nghe các em cùng nói “con chưa muốn về”, “con muốn đi nữa”…

Em chờ cơm trong ống tre chín, điều chưa hề biết
Em chờ cơm trong ống tre chín, điều chưa hề biết (Ảnh: Tô Thùy Linh)

Tôi nghĩ vấn đề của mùa hè hiện đại không phải ở trẻ thơ, các em vẫn luôn có sẵn một tình yêu thiên nhiên thuần khiết, một nỗi tò mò ban sơ, nhưng rồi bị bào mòn, nhấn chìm, rồi bị tiêu diệt bởi những quay cuồng của đời sống.

Cho một mùa hè khác biệt và tươi mới hơn, tôi muốn nhắn nhủ tới những người lớn, quý vị phụ huynh: hãy thử làm khác đi, một lần quyết tâm gạt bỏ mọi vướng bận của đời sống thường nhật để dành hai ngày cuối tuần đưa con vào rừng.

Hãy tin tôi, điều đó sẽ làm thay đổi con cái của bạn theo hướng tốt hơn, và nó cũng sẽ làm chính bạn đổi thay. ■

Lần đầu con được đu như Tarzan
Lần đầu con được đu như Tarzan (Ảnh: Tô Thùy Linh)

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận