Sắc xanh, đỏ và cái chết không dung thứ
Trong phong cách dàn dựng của mình, Dario Argento dường như không bao giờ tỏ ra thương cảm cho nạn nhân.
Thông thường ông đều dồn họ vào thế cô lập, từ đó kẻ thủ ác toàn quyền kiểm soát và người xem chỉ có hai lựa chọn: dùng tay che mắt hoặc chấp nhận đối mặt với nỗi sợ.
Chân dung đạo diễn Dario Argento - Ảnh: ciakclub
Vì không có các cú twist trong tình tiết, hầu hết khán giả bị ám ảnh bởi phim của Dario chính bởi khả năng Dario đẩy họ vào nỗi bất an thông qua dựng cảnh, góc máy và màu sắc.
Tất cả phản ứng thị giác trong Inferno, Suspiria, Deep Red, Tenebrae... đều chứng minh điều đó.
Cảnh trong phim Inferno - Ảnh: cắt từ clip
Ngoài hình thức biểu đạt bằng kỹ thuật dụng công, người xem còn trở nên khiếp hãi chứng kiến những cơn gió gầm rú báo hiệu điều chẳng lành thường xuyên có mặt trong phim. Biến đổi thời tiết mang tính siêu thực được đánh giá là nét tinh nhạy trong phong cách Dario Argento.
Làm nghề tại Ý, một quốc gia sản sinh quá nhiều bậc thầy điện ảnh, bản thân Dario Argento không đi theo lề lối của bất kì nhà làm phim Hollywood nào trong việc tạo ra cái tôi riêng.
SUSPIRIA - Trailer (2017)
Các tác phẩm của ông đập vào thị giác người xem bằng hai màu căn bản là xanh, đỏ... Dario cũng chọn các dải màu rộng hơn, rực rỡ hơn bất chấp quan điểm trước giờ phim kinh dị thường chỉ chọn các tông màu lạnh, u ám, nhợt nhạt hoặc màu lục lam mà những tác gia phim kinh dị thời điểm đó ưa chuộng.
Đồng thời, Dario sử dụng hiệu ứng quay phim POV (point of view) với điểm nhìn là nhân vật hoặc kẻ sát nhân (như trong Opera, Suspiria...), nhằm kích thích cảm giác căng thẳng. Sau này, rất nhiều nhà làm phim lựa chọn POV để chinh phục người xem.
Cảnh trong phim Opera - Ảnh: cắt từ clip
Trong khi Hollywood nổi lên với phim kinh dị đâm chém đẫm máu dưới danh nghĩa slasher film thì ngược lại ở Ý, Dario Argento trở thành biểu tượng của dòng phim Giallo bao gồm rất nhiều tiêu chí gây choáng váng cho người xem, từ rối loạn tâm thần, biểu hiện tính dục sai lệch, kinh dị siêu nhiên...
Sinh năm 1940, Dario Argento vẫn tiếp tục cống hiến cho người hâm mộ. Tuy nhiên sau khi thử nghiệm 3D không thành công với Dracula 3D vào năm 2012, ông hiện đang trì hoãn dự án Sandman, dù dự án đã được quảng bá từ 2014!
Ba lần gây sóng gió dòng phim kinh dị
Việc nắm bắt và hiểu biết rõ về thể loại kinh dị cho phép nhà làm phim chính thống Wes Craven "chơi" với các cảnh quay kinh điển, trong những phim pha trộn nhiều thể loại phụ từ ly kỳ, thậm chí đến cả hài.
Chân dung đạo diễn Wes Craven - Ảnh: britannica
Trong khi việc đoán các tình tiết phim có vẻ không dễ dàng với số đông, ông ngược lại không có quá nhiều chiêu trò trong cách xây dựng các cảnh giật gân, hù dọa bởi thường đi theo mẫu số chung có công thức na ná nhau.
Xuất phát điểm của Wes rất thú vị, mới 9 tuổi ông đã tập tành quay phim trên chiếc máy Super 8 huyền thoại. Sống và lớn lên giữa thời đại huy hoàng của phim arthouse châu Âu và các phim kinh dị gắn mác Hollywood, phong cách Wes Craven lấy cảm hứng từ... Ingmar Bergman rõ ràng khiến ông trở nên hấp dẫn khán giả.
The Last House on the Left lấy cảm hứng từ... The Virgin Spring của Ingmar Bergman - Ảnh: Hallmark Releasing
Qua đời ở tuổi 76 vào năm 2015, gia tài Wes Craven để lại đủ để ông được tôn vinh như một trong những nhà làm phim kinh dị quan trọng mọi thời. The Last House on the Left năm 1972 trở thành cuốn phim kinh dị đánh dấu mốc mà sau này những Texas Chainsaw Massacre, I Spit on Your Grave hay Halloween ra đời.
Không có nhan đề mang "màu giếc chóc", không ma quỷ, không quái vật... The Last House on the Left được làm ra với giá 90,000 USD nhưng cuối cùng trở thành đặc sản của phim kinh dị giữa lúc bạo lực trở thành tâm điểm: cuộc thảm sát Manson, chiến tranh Việt Nam, thể hội âm nhạc Altamont...
A Nightmare on Elm Street (1984) Official Trailer
Sau khi thỏa hiệp với Hollywood, phải chờ đến tận năm 1984, Wes Craven mới một lần nữa bước lên bục vinh quang bằng A Nightmare on Elm Street gây cơn sốt khắp nơi, biến kẻ thủ ác Freddy Krueger trở thành biểu tượng toàn cầu và hãng phim New Line Cinema trở nên quyền lực hơn trên bản đồ Hollywood thời điểm đó.
Lần cuối cùng Wes Craven buộc Hollywood phải khai thác triệt để thể loại kinh dị, là sự ra đời của Scream năm 1996. Vào lúc đó, câu chuyện thanh trừng của Scream trở thành sự mặc khải sau đó lan truyền nhanh chóng tới I Know What You Did Last Summer, Urban Legends hay Final Destination...
Cảnh trong Scream - Ảnh: Dimension Films
15 năm sau ngày Scream xuất hiện, Wes Craven đem dàn diễn viên nổi tiếng một thời trở lại màn bạc bằng Scream 4.
Dù không bị chê bai thậm tệ song doanh thu èo uột của phim khiến dự án phần 5 và 6 rơi vào ngõ cụt. Đáng tiếc hơn, chỉ vài năm sau đó, Wes từ giã cõi trần, để lại những tham vọng còn dang dở.
Từ máu bằng sốt chocolate đến ông hoàng zombie
George A. Romero hành nghề khá thuận lợi: sau khi tốt nghiệp, ông làm sản xuất và đạo diễn cho các show truyền hình thương mại.
Tuy nhiên, bản tính nghệ sĩ khiến George phát chán quy trình máy móc, thiếu cá tính và nổi loạn. Từ bỏ công việc mang lại vật chất, ông bắt tay với những người bạn học để thực hiện thể loại phim kinh dị.
Chân dung đạo diễn George A. Romero - Ảnh: AP
Night of the Living Dead năm 1968 thực chất là kiểu phim DIY (do it yourself) bởi thực tế chính George A. Romero và bạn bè ông thực hiện tất cả các khâu để cho ra đời bộ phim mà không thông qua bất kì nhà sản xuất chuyên nghiệp nào. Họ kiêm cả việc tạo dựng đạo cụ, bối cảnh, tìm kiếm diễn viên, tạo âm thanh, dựng phim...
Giới hạn trang thiết bị và kinh phí trở thành thử thách cho ekip nhưng đồng thời nó khiến George sử dụng trí lực nhiều hơn. Phim quay ròng rã sáu tháng với rất nhiều sự trợ giúp từ ekip sản xuất hầu hết đều là bạn bè đồng nghiệp của George.
Cảnh trong phim Night of the Living Dead - Ảnh: Continental Distributing
Kết quả Night of the Living Dead với vẻ ngoài ít kỹ xảo, có phần thô sơ nhưng sở hữu kịch bản hấp dẫn đã trở thành phim về zombie chân thực, thu về con số gấp hàng trăm lần kinh phí.
George A. Romero là số ít nhà làm phim kinh dị luôn có được sử ủng hộ từ giới phê bình, từ Martin đến Dawn of the Dead... giúp hình tượng xác sống trở nên có ý nghĩa chứ không đơn thuần là máu, bạo lực và mục đích giải trí.
Cảnh trong phim Dawn of the Dead - Ảnh: United Film Distribution Company
Các bộ phim của ông soi rọi các những vấn đề kinh tế xã hội lớn hơn gắn liền với cuộc sống hiện đại, được phản ánh thông qua một xã hội bên bờ vực.
Kinh dị, đặc biệt là kinh dị zombie là cách Romero đưa nhân vật của mình vào các tình huống khủng khiếp để những cảm xúc, bản năng và niềm tin thực sự của họ xuất hiện.
Romero về cơ bản sử dụng bạo lực để tiết lộ những khiếm khuyết về con người, và chứng minh rằng tất cả chúng ta rất dễ bị tổn thương trước những yếu tố bất ngờ bên ngoài.
Thành công của George A. Romero là nguồn cảm hứng phát triển cho rất nhiều phim kinh dị zombie sau này, từ 28 Days Later đến series The Walking Dead...
Poster phim Martin
Càng về cuối đời, sự nghiệp George đi xuống giữa lúc các cách thức kể chuyện kinh dị khác hơn xuất hiện cũng như dòng phim siêu anh hùng và bom tấn trỗi dậy "chiếm đóng" phòng vé.
Survival of the Dead năm 2009 không còn đủ sức hút do thiếu đi sự mới mẻ, ngay lập tức gặp thất bại trên mọi phương diện. Đáng tiếc đây là phim cuối cùng của ông trước khi nói lời chia tay người hâm mộ vào năm 2017 vì ung thư phổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận