Giá dầu giảm mạnh nhưng các giếng dầu vẫn phải hoạt động. Trong ảnh: mỏ Bạch Hổ - Ảnh: PV
Không nên lấy lý do không có đủ kho chứa, bể chứa để hạn chế nhập khẩu xăng dầu. Bộ Công thương cần cấp hạn ngạch cho các DN nhập khẩu nhằm giúp các DN trong nước gia tăng nhập khẩu xăng dầu giá rẻ.
Ông Trần Viết Ngãi (chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - VEA)
Khoảng 70-75% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước thời gian qua phải nhập khẩu. Nếu nhập khẩu, dự trữ lúc này sẽ hỗ trợ sản xuất trong dài hạn. Tuy nhiên, bài toán kho chứa do nguồn cung trong nước đang dư thừa cũng như rủi ro về giá cũng đang đặt ra không ít thách thức cho các DN.
"Hướng đi đúng" nhưng không có... kho!
Một lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho rằng với giá dầu thấp như hiện nay, việc mua dầu thô để tích trữ là hướng hợp lý, mang lại nhiều cơ hội cho đất nước. Cũng theo vị này, việc giảm giá dầu từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu của PVN.
Với lĩnh vực khai thác dầu khí, nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, doanh thu sẽ giảm khoảng 2.200 tỉ đồng/năm. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng, doanh thu sẽ giảm khoảng 55.000 tỉ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng).
Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm. Các nhà máy lọc dầu vì thế cũng bị lỗ do tồn trữ, chênh lệch giá sản phẩm thấp vì có thời điểm giá xăng thấp hơn giá dầu, nguy cơ dừng hoạt động và tồn kho cao. Do đó, việc mua vào dầu thô để tích trữ được PVN đánh giá là "hướng đi đúng đắn". Tuy nhiên, theo vị này, việc mua bắt đáy cũng có thể dẫn đến thua lỗ, rủi ro về giá trong khi chưa có cơ chế chính sách về rủi ro cho hoạt động này.
Đặc biệt, hạ tầng kho chứa còn hạn chế, dầu thô không có kho dự trữ quốc gia. Đến nay chỉ có 2 kho chứa dầu thô của 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn phục vụ cho sản xuất của các nhà máy này. Trong khi việc thuê tàu trữ dầu không khả thi do tiềm lực tài chính còn khó khăn. "Việc mua vào dự trữ dầu được đánh giá hợp lý nhưng khó khả thi" - vị này khẳng định.
Ông Ngô Thường San - chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - cho rằng việc giá dầu xuống thấp và nhập dầu thô vào dự trữ là một phương án, song cũng không dễ. Bởi 2 nhà máy lọc dầu đều có kho chứa nhưng kho chứa dầu thô không như kho chứa xăng dầu, trong khi việc sử dụng kho chứa xăng dầu là không khả thi, chưa kể các kho chứa này cũng đang đầy do lượng hàng tồn tăng mạnh.
Ngoài ra, theo ông San, hoạt động khai thác dầu không phải muốn "đóng hay mở" bất cứ lúc nào, mà phải thường xuyên vận hành để đảm bảo mặt kỹ thuật. Trong bối cảnh giá bán giảm mạnh, sản xuất và tiêu thụ khó khăn, biện pháp ưu tiên hàng đầu là giảm giá thành chi phí đầu vào, chi phí sản xuất, vận hành các mỏ, ứng dụng công nghệ, chứ không phải là tạm dừng khai mỏ. Vì vậy, vẫn có một lượng dầu thô được khai thác cần đưa vào kho chứa nên không có nhiều kho dầu dư thừa để có thể mua dự trữ.
Mượn kho của doanh nghiệp được không?
Ông Trần Viết Ngãi - chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) - cho rằng không nên lấy lý do không có đủ kho chứa, bể chứa để hạn chế nhập khẩu xăng dầu. Các DN có nhu cầu nhập khẩu xăng dầu hoàn toàn có thể gia công, xây mới kho chứa, bể chứa trong thời gian rất ngắn, công việc này rất đơn giản. Cũng theo ông Ngãi, Bộ Công thương cần cấp hạn ngạch cho các DN nhập khẩu nhằm giúp các DN trong nước gia tăng nhập khẩu xăng dầu giá rẻ.
Một chuyên gia trong ngành điện cũng khẳng định đây là cơ hội tốt cho các DN nhiệt điện, đặc biệt DN nhiệt điện chạy dầu, nhiệt điện tuôcbin khí có thể nhập khẩu xăng dầu giá rẻ về tích trữ để vận hành trong thời gian dài. Theo vị chuyên gia này, các nhà máy nhiệt điện tuôcbin khí hỗn hợp chạy bằng nhiên liệu khí đốt, nhiên liệu dầu nên luôn cần một lượng dầu rất lớn để vận hành nhà máy.
Cũng theo VEA, mỗi năm ngành điện sử dụng khoảng 2,5 - 3 triệu tấn dầu DO, FO làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện. Các nhà máy nhiệt điện lớn sử dụng than, khí làm nhiên liệu đều sử dụng dầu DO, FO làm nhiên liệu hỗn hợp. Một số nhà máy nhiệt điện cũng sử dụng 100% là nhiên liệu dầu để phát điện và đều có kho chứa, bể chứa để dự trữ nhiên liệu dầu phục vụ phát điện.
Ông Tạ Công Hoan - chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng - cho biết với các DN nhiệt điện khí hỗn hợp, tỉ lệ sử dụng dầu làm nhiên liệu rất lớn. Vì vậy cần tạo thuận lợi cho các DN nhiệt điện khí được nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh hiện nay.
Một chuyên gia về năng lượng cho rằng việc các đối tác khách hàng lớn (sản xuất công nghiệp, nhà máy điện chạy dầu, khách hàng dịch vụ vận tải, hàng không...) cho mượn kho để ứng trước lượng hàng cũng có thể tính đến. Tuy nhiên, đây là phương án khá rủi ro vì liên quan đến cơ chế tài chính của các DN. Chưa kể, hiện nay nhiều ngành dịch vụ như vận tải, hàng không gần như đình trệ hoạt động, ngành sản xuất cũng giảm sút do thiếu đơn hàng, nên nhu cầu xăng dầu giảm mạnh.
Người dân được hưởng lợi khi giá xăng dầu giảm mạnh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thúc đẩy tiêu thụ xăng dầu trong nước
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết lượng tồn kho xăng dầu tăng cao ở cả nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Nghi Sơn và các DN kinh doanh xăng dầu do tiêu thụ kinh doanh xăng dầu giảm mạnh. Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo, gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, đề nghị các DN kinh doanh xăng dầu điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và ưu tiên mua hàng từ nguồn sản xuất trong nước.
Cũng theo vị này, Bộ Công thương đã tạo điều kiện cho DN sản xuất xăng dầu trong nước xuất khẩu bổ sung 136.000 tấn xăng RON95 trong trường hợp không tiêu thụ hết tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, với kiến nghị tạm dừng nhập khẩu xăng dầu, vị này cho rằng cần phải rà soát tổng thể, kỹ lưỡng các quy định hiện hành về cạnh tranh, dự trữ quốc gia, kinh doanh xăng dầu, việc bảo vệ người tiêu dùng... ở trong nước và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
"Cần tính đến sự tác động tới các chủ thể khác để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan cũng như các mục tiêu vĩ mô của Chính phủ và mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng" - vị này nói. Trước đó, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo ngành dầu khí, PVN triển khai các biện pháp ứng phó khi giá dầu giảm sâu, trong đó tập trung rà soát tổng thể kế hoạch các lô dầu khí, các giếng khoan khai thác để đưa ra quyết sách tiếp tục thực hiện hay ngừng.
Trong thời gian tới, vị này khẳng định Bộ Công thương sẽ bám sát diễn biến giá dầu thế giới, điều hành trên nguyên tắc hỗ trợ đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. "Đặc biệt, phải bảo đảm giá bán xăng dầu trong nước phản ánh xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay" - vị này nói.
Cơ hội trôi qua...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết từ đầu năm đến nay, các nhà máy điện chạy dầu đã nhập nhiên liệu để đảm bảo vận hành liên tục từ 15 - 20 ngày khi có yêu cầu, nên dù giá dầu xuống thấp cũng không thể nhập thêm bởi sức chứa có hạn và phải đảm bảo các yêu cầu về kho bãi, cháy nổ.
Cũng theo vị này, giá bán lẻ điện bình quân là 1.864 đồng/kWh, dù giá dầu thấp nhưng giá thành phẩm điện vẫn còn cao, tương ứng từ 2.500 - 2.600 đồng/kWh nên các nhà máy này chỉ huy động trong những trường hợp thực sự cần thiết.
Ông Trần Thế Truyền - tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) - cho biết Saigon Petro ký hợp đồng định hạn (term) mua xăng dầu từ Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn để về bán lại. Thông thường, hợp đồng định hạn ký hằng năm đảm bảo 50-60% sức tiêu thụ của DN, nếu thiếu nguồn cung từ trong nước mới nhập khẩu xăng dầu thành phẩm. Trong khi đó, sức tiêu thụ trong nước hiện giảm dưới 50% nên DN hoàn toàn sử dụng từ nguồn cung trong nước.
Từ đầu năm đến nay, các DN kinh doanh xăng dầu đã chịu nhiều cú sốc giảm giá, lũy kế cả quý 1 đã giảm hơn 70%, nên việc mua xăng dầu tích trữ sẽ rất rủi ro. Cũng theo ông Truyền, việc tích trữ dầu rất rủi ro, chưa kể sức chứa của các DN tư nhân cũng có hạn, không nhiều nơi trống kho bãi để mua bắt đáy.
Đại diện một DN xuất nhập khẩu xăng dầu lớn ở phía Nam cũng cho biết DN đang giảm lượng xăng dầu đầu vào do sức tiêu thụ giảm và cũng chỉ đảm bảo cung cấp cho nhu cầu đầu ra thay vì tăng cường tích trữ. Các DN sẽ nhập hàng phù hợp với chu kỳ điều hành giá để không bị lỗ nhiều.
NGỌC HIỂN
Nhà máy lọc dầu Dung Quất có kho chứa dầu thô nhưng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của chính nhà máy này - Ảnh: B.NGỌC
Giá dầu có thể rơi xuống mức -100 USD/thùng
Giá dầu ngày 22-4 lại một lần nữa giảm sâu, với dầu Brent cán mốc thấp nhất kể từ năm 1999. Thị trường vẫn đang đau đầu với nguồn cung dầu dư thừa trong lúc thiếu vắng người mua từ xăng cho đến nhiên liệu máy bay vì đại dịch từ virus corona chủng mới (COVID-19).
Theo Reuters, dầu Brent đã cán mốc 15,98 USD/thùng, ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 6-1999, sau khi giảm 24% ở phiên giao dịch trước đó. Tính tới 15h40 ngày 22-4 theo giờ Việt Nam, dầu Brent giao dịch ở mức giá 17,5 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) giảm 4,4%, còn 11,06 USD/thùng. Giá dầu tiếp tục giảm sau 2 ngày "điên rồ" nhất lịch sử giao dịch dầu mỏ. Giới chuyên gia dự đoán nguồn cung trên toàn thế giới sẽ tiếp tục cao hơn nhu cầu trong vài tháng tới và các kế hoạch cắt giảm đầu ra vẫn chưa thể giải quyết khoảng cách này.
Giá dầu giao tháng 5 của Mỹ lần đầu tiên rơi vào vùng âm hôm 20-4, trong khi giá dầu toàn thế giới đã sụt giảm khoảng 80% trong năm nay giữa bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành. Đại dịch này khiến nhu cầu nhiên liệu của thế giới giảm khoảng 30%. "Chúng ta đang trải qua một cơn khủng hoảng quản lý thị trường toàn diện theo từng ngày. Liệu chúng ta có cán mức -100 USD/thùng vào tháng tới? Rất có thể" - ông Paul Sankey, chuyên gia phân tích dầu mỏ của Ngân hàng Mizuho, nhận định. Trước đó, vào tháng 3-2020, ông Paul Sankey từng cảnh báo chính xác giá dầu sẽ rơi xuống mức âm.
Ngày 22-4, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh kêu gọi các quốc gia sản xuất dầu nên tôn trọng thỏa thuận cắt giảm sản lượng để ổn định thị trường. "Thị trường sẽ dần ổn định lại nếu các quốc gia sản xuất tuân thủ việc cắt giảm sản lượng... Chúng ta cần hợp tác trong những hoàn cảnh như thế này" - ông Bijan Zanganeh nói. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cùng đồng minh, thường được gọi là OPEC+, đã phối hợp với các nước sản xuất dầu khác, trong đó có Mỹ, cam kết cắt giảm sản lượng khoảng 20 triệu thùng/ngày.
Trữ lượng dầu thô của Mỹ đã tăng 13,2 triệu thùng lên 500 triệu thùng trong tuần từ ngày 13 đến 17-4, theo số lượng từ Viện Dầu mỏ Mỹ ngày 21-4.
NGUYÊN HẠNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận