02/08/2004 08:53 GMT+7

Mua điểm?

  TRÚC GIANG
  TRÚC GIANG

TT - Người bạn tôi sắp nộp luận văn cao học than thở về việc phải tốn mấy triệu bạc cho việc bảo vệ. Bạn tôi cho biết phải biếu thầy hướng dẫn và chủ tịch hội đồng phản biện mỗi người 1 triệu, còn năm thành viên của hội đồng thì mỗi vị 500.000 đồng. Dù không muốn nhưng trong lớp ai cũng phải làm thế vì “mọi người đều làm, mình không thể không làm” (!).

Theo cách hiểu thông thường, các vị thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công và đã được hưởng chế độ theo trách nhiệm của mình (hướng dẫn, phản biện, thư ký...). Ở đây chắc các vị cũng chẳng nhũng nhiễu hoặc làm điều gì sai trái. Nhưng rõ ràng một khi các vị đã nhận tiền của học viên thì không thể không có “trách nhiệm” gì với món tiền đó, mà không nói ra ai cũng hiểu là phải có “nghĩa vụ” du di với những lỗi nho nhỏ và không cật vấn những điều sơ hở ảnh hưởng đến luận văn. Đó là chưa kể vì sự du di mà các vị không đọc kỹ, không phát hiện những sai sót, những kết luận sai lầm, đi ngược lại thực tế cuộc sống.

Vô hình trung các vị đã tiếp tay với những sai sót, những điều không chặt chẽ trong luận văn, góp phần cho “ra lò” những người có học vị cao nhưng kiến thức chưa thật sự xứng với tầm của học vị ấy. Ngoài ra, việc làm này còn góp phần làm tha hóa một số cán bộ giảng dạy, tạo hình ảnh không hay về người thầy trên bục giảng.

Về phía học viên, tất nhiên không ai dư tiền để biếu xén đại trà trên mức tình cảm như thế. Dù việc làm này có khi theo phong trào, “ai làm mình cũng phải làm”, nhưng không hẳn chỉ làm cho “giống người”. Việc biếu xén cũng nằm trong mục đích để được châm chước, dễ dãi, chiếu cố, thậm chí cả nâng đỡ trong việc bảo vệ luận văn của mình. Vô hình trung chính các học viên đã bỏ tiền ra mua điểm, dù việc mua bán này hoàn toàn không sòng phẳng, không có chuyện “thuận mua vừa bán”.

Việc làm này trải qua nhiều lần thành ra một “nếp”, một “kinh nghiệm xương máu” của người đi trước truyền đạt cho người sau mà người được truyền đạt không thể không thực hiện.

Việc biếu xén (với những món quà không quá cầu kỳ, không biếu tiền) để thể hiện sự tri ân đối với những người thầy là điều có thể chấp nhận được. Nhưng một khi nó bị lạm dụng thì tính chất hoàn toàn bị đảo ngược. Nếu xét nét, sự mua điểm này là một kiểu mua bán bằng cấp một cách tinh vi, dù sự mua bán được che đậy bằng một hình thức khác. Đó là một việc làm phản giáo dục.

  TRÚC GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên