Học sinh chăm chú theo dõi triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa do Đoàn trường tổ chức - Ảnh: Phạm Được |
Sáng 5-9, trong buổi lễ khai giảng năm học 2014-2015, gần 1.500 học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn được cung cấp kiến thức về biển, đảo thông qua cuộc thi “Rung chuông vàng” - phiên bản cuộc thi trên truyền hình. Theo đó, mỗi lớp cử hai học sinh tham gia. Các câu hỏi xoay quanh chủ đề biển, đảo.
“Chúng tôi đã liên hệ với Ban tuyên giáo Thành ủy xin tài liệu về biển đảo, photo rồi phát cho các lớp để các em có kiến thức tham gia cuộc thi. Ngoài ra chúng tôi còn khuyến khích các em lên thư viện đọc sách liên quan và lên mạng tìm hiểu thêm” - thầy hiệu trưởng Trần Đạt nói.
Từ nhiều năm nay, trên bảng của các lớp học ở Trường THPT Ngũ Hành Sơn đều có dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. “Việc hằng ngày nhìn thấy dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” sẽ thấm vào trong nhận thức của học sinh tự nhiên hơn và lâu bền hơn” - thầy hiệu trưởng Trần Đạt chia sẻ. |
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” trong việc giáo dục kiến thức về biển đảo, nhà trường đã có nhiều hoạt động về chủ đề này.
Thư viện có chương trình giới thiệu sách về biển đảo dưới cờ vào sáng thứ hai đầu tuần. Cô Hồ Thị Minh Thiện, nhân viên thư viện, cho biết sau chương trình giới thiệu sách, rất nhiều học sinh mượn sách về Hoàng Sa, Trường Sa. Thư viện trường hiện có hơn 20 đầu sách viết về chủ quyền biển đảo.
Cô Đặng Thị Hoa, tổ trưởng bộ môn địa lý, thông tin: “Ngoài những bài dạy về chủ quyền biên giới lãnh thổ trong cấu trúc chương trình học chính khóa, chúng tôi còn chủ động lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục chủ quyền biển đảo vào từng tiết dạy với những hình ảnh minh họa sinh động.
Đặc biệt, thường xuyên giới thiệu cho học sinh những thông tin về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, biên giới chủ quyền cũng như tình hình kinh tế - xã hội, cuộc sống của quân dân ta trên đảo. Mỗi tiết học như thế, học sinh đều rất sôi nổi, hào hứng, những kiến thức về chủ quyền biển đảo đến với các em nhẹ nhàng, hấp dẫn”.
Theo thầy Nguyễn Viết Nghị, bí thư Đoàn trường, ngoài việc hưởng ứng tham gia các phong trào “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Góp đá xây dựng Trường Sa”, “Tấm lưới nghĩa tình”... do Thành đoàn tổ chức, Đoàn trường còn tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về Hoàng Sa, Trường Sa”.
Theo đó, khối lớp 10 sưu tầm các tư liệu, bản đồ, hình ảnh về chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là Hoàng Sa, Trường Sa; khối lớp 11 sưu tầm các tư liệu, hình ảnh các hoạt động, cuộc sống và chiến đấu bảo vệ biên giới, hải đảo của các chiến sĩ, nhân dân trên đảo; các chương trình hành động, tấm lòng và nghĩa cử thiết thực của nhân dân cả nước, trong đó có TP Đà Nẵng hướng về Hoàng Sa, Trường Sa; khối lớp 12 làm mô hình chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; sưu tầm các bài viết, tư liệu, hình ảnh về hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên biển đảo, các giá trị biển đảo mang lại.
“Để tăng tính hiệu quả, sau cuộc thi chúng tôi quyết định tổ chức triển lãm nhằm tuyên truyền sâu rộng hơn kiến thức về biển đảo, đặc biệt là về Hoàng Sa, Trường Sa đến với học sinh toàn trường” - thầy Nghị nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận