Mặc dù đã làm tấm chắn nhưng vẫn bị nước tràn vào nhà khiến người dân bức xúc - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Theo người dân phường Thống Nhất (TP Kon Tum), không chỉ cơn mưa chiều nay (2-10), mà hễ mưa là ngập như vậy. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm nay nhưng chưa được chính quyền xử lý.
Ông Đặng Thế Bảo (người dân tổ 4, phường Thống Nhất) cho biết khu vực này có mưa là bị ngập, mức độ ngập tùy theo lượng mưa. Nhiều hộ dân đến ở không được nên phải chuyển đi nơi khác sống.
"Do khu vực này ở vùng trũng, nước xung quanh đổ về không thoát được, cứ mưa là bị ngập, mưa nhỏ thì đỡ, mưa lớn là ngập sâu tới 3-4 ngày mới rút. Nhà tôi cứ mưa là nước vào như thác, ngập hết luôn, phải làm chắn nước ngang trước cổng, chứ không là tràn vào. Đây là khu tập thể của công an ngày xưa, họ thuê ở mà ngập quá sống không được nên chuyển đi hết rồi" - ông Bảo bức xúc nói.
Không chỉ riêng khu vực tổ 4, trên các tuyến đường ngay trung tâm TP Kon Tum như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ… xảy ra tình trạng ngập khi có mưa lớn. Mặc dù thời gian ngập không kéo dài nhưng làm ảnh hưởng đến đời sống người dân vì đây là những tuyến đường lớn, nhiều hộ kinh doanh.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại đường Phan Đình Phùng (TP Kon Tum), nước trên khắp các nẻo đường và hẻm nhỏ đổ về, chảy dọc theo làn đường khiến xe cộ lưu thông khó khăn. Lượng nước lớn, chảy xiết mạnh, nhiều người phải đẩy bộ để đảm bảo an toàn.
Chị Nguyễn Thị Diễm My - trú đường Trần Hưng Đạo, TP Kon Tum - bức xúc nói: "Do cống không thoát nước được nên cứ hễ mưa là ngập, một năm không biết bao nhiêu lần. Dù che chắn gì cũng bị nước vào nhà, quá khổ".
Liên quan đến vấn đề trên, ông Phạm Văn Dũng - chủ tịch UBND phường Thống Nhất - cho biết do hệ thống kênh, mương, cống đang quá tải nước không thoát kịp, mật độ đô thị tăng nên dẫn đến ngập cục bộ nhiều nơi trên địa bàn.
Riêng khu vực tổ 4 mùa nắng vẫn có nước, cộng với mưa và không có hệ thống thoát nên sẽ ngập, rất khó xử lý.
"Trước mắt đi kiểm tra lại toàn bộ hệ thống thoát nước, điểm nào bị tắc do bùn đất sẽ nạo vét. Nghiên cứu xây dựng hệ thống cống song song, để tăng liều lượng thoát nước cho khu vực này.
Về lâu dài sẽ có quy hoạch về hệ thống mương để thoát nước mưa, hạn chế ngập thấp nhất" - ông Dũng nêu phương án.
Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND TP Kon Tum phối hợp với các đơn vị liên quan, khẩn trương rà soát, xác định nguyên nhân và khắc phục tình trạng các tuyến đường trên địa bàn TP bị ngập sâu khi có mưa lớn...
Trước mắt, triển khai cắm biển cảnh báo và phân công, bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực bị ngập sâu, nguy hiểm; không để người dân, nhất là trẻ em, học sinh qua lại, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước 10h ngày 2-10.
Ngoài ra, tỉnh này cũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND TP Kon Tum thực hiện việc khắc phục nói trên; tổng hợp, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh trước 10h ngày 3-10.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Kon Tum bị ngập sâu sau cơn mưa lớn - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Người dân dùng xe máy chắn ngay đường để làm cảnh báo - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Đường Phan Đình Phùng (quốc lộ 14, đoạn qua TP Kon Tum) là tuyến huyết mạch của TP, có lượng xe lưu thông lớn - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Tuyến đường Trần Hưng Đạo bị ngập sâu khiến việc kinh doanh buôn bán của người dân gặp nhiều khó khăn - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận