Chiều 24-10, nhiều khu vực ở Đà Nẵng hứng đợt mưa kéo dài khoảng 1 tiếng.
Điều đáng nói, so với đợt mưa đặc biệt lớn có lưu lượng từ 1.000 - 1.300mm vừa qua (từ ngày 13 đến 18-10) thì đợt mưa này không lớn nhưng vẫn có nhiều tuyến đường phố lênh láng nước, vẫn có xe chết máy trên đường.
Theo ghi nhận, nhiều khu vực ngã ba, ngã tư trên các đường thuộc quận Sơn Trà, Hải Châu, Cẩm Lệ dù không phải điểm "nóng" về ngập đường phố vẫn có nước từ 20 - 30cm trên mặt đường.
Tại nút giao đường Phạm Văn Đồng - Ngô Quyền (quận Sơn Trà) đoạn đường ngập kéo dài hơn 200m, trong đó điểm sâu nhất từ 20 - 50cm. Điểm ngập ngày chỉ cách bờ sông Hàn chưa đầy 300m.
Tương tự tại đoạn đường Phan Đăng Lưu (trước công viên Châu Á, quận Hải Châu) cách bờ sông chưa đầy 300m cũng gặp tình trạng ngập.
Đoạn đường Hà Tông Quyền, Lương Định Của (quận Cẩm Lệ) cũng có điểm ngập cục bộ dù đây không phải là điểm thấp, trũng trong khu vực.
Phản ánh với phóng viên, ông Ngô Hồng Hà, người dân quận Hải Châu, cho rằng việc có điểm ngập tại khu vực gần sông, khu vực có địa thế cao được xem là ngập cục bộ.
Như tại điểm ngập cuối đường Phan Đăng Lưu là khu vực không có nhà phía trước, do vậy có thể loại trừ nguyên nhân người dân lo sợ chuột bọ mà chặn cửa thu nước.
Từ đó có thể thấy nguyên nhân đến từ việc cửa thu nước bị rác chặn hoặc các cửa thu nước được thiết kế không đáp ứng được vùng thu nước.
"Các điểm ngập cục bộ trên đường phải nghiên cứu bố trí các cửa thu sao cho gom được hết nước trên đường. Mưa lớn thì chịu thua chứ mưa nhỏ mà để có điểm ứ nước trên đường là sao?" - ông Hà bức xúc.
Tiếp nhận phản ánh, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã liên hệ ông Hà Văn Thành, giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP Đà Nẵng, chiều 24-10.
Ông Thành cho biết đến cuối chiều nay điểm ngập nút giao nhau đường Phạm Văn Đồng - Ngô Quyền đã rút nước. Qua xác định nguyên nhân ban đầu của điểm ngập này là do đoạn cống tuyến đường trước khách sạn Azura (hướng nước chảy đường Phạm Văn Đồng - Ngô Quyền về sông Hàn) bị nghẽn.
Tìm nguyên nhân ngập trên đường Đà Nẵng
Ông Hà Văn Thành cho biết ngay khi tiếp nhận phản ánh đã cử lực lượng tới các điểm ngập cục bộ khác để kiểm tra, tìm nguyên nhân xử lý.
Theo ông Thành, bên cạnh việc túc trực, theo dõi thường xuyên các điểm "nóng" ngập mỗi khi có mưa lớn thì đơn vị này cũng mong muốn thường xuyên tiếp nhận phản ánh về các điểm ngập cục bộ, ngập bất ngờ (không thuộc các điểm "nóng" ngập thường xuyên). Đặc biệt là nhận phản ánh vào thời điểm đường còn đang ngập để kiểm tra, xử lý nhanh và tìm nguyên nhân khắc phục trong các đợt mưa tiếp theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận