25/06/2019 13:42 GMT+7

Mua bảo hiểm du lịch - đừng nhắm mắt mua bừa

THUÝ NGUYỄN (theo Forbes, the Guardian)
THUÝ NGUYỄN (theo Forbes, the Guardian)

TTO - Các loại hình bảo hiểm du lịch thường chào mời du khách những điều khoản hấp dẫn, nhưng thực tế có rất nhiều điều khoản loại trừ hoặc giới hạn mà du khách cần lưu ý.

Mua bảo hiểm du lịch - đừng nhắm mắt mua bừa - Ảnh 1.

Bảo hiểm du lịch sẽ mang lại cảm giác yên tâm và an toàn cho du khách trong chuyến đi - Ảnh: Getty

Bạn có thể mua bảo hiểm du lịch ở bất cứ đâu, kể cả mua trực tiếp trên mạng từ một công ty bảo hiểm du lịch, hay một hãng lữ hành, thậm chí trong khi bạn đặt vé máy bay hoặc khách sạn. Tuy nhiên, không ít du khách rất thất vọng khi muốn thanh toán bảo hiểm.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Du lịch Mỹ, người Mỹ tiêu 2,8 tỷ USD/năm cho bảo hiểm du lịch. Nếu chỉ ném tiền mua mà không suy nghĩ, du khách sẽ chỉ tốn tiền một cách vô ích.

Vậy nên chọn bảo hiểm du lịch như thế nào?

Hãy chắc chắn rằng bạn chưa có bảo hiểm tương tự

Một sai lầm thường gặp khi mua bảo hiểm du lịch là có thể bạn đã có những lợi ích mà các loại thẻ tín dụng, các chương trình ưu đãi dành cho thành viên, hay các loại bảo hiểm bạn mua trước đó cung cấp. Bạn nên kiểm tra lại để tránh bị mua chồng chéo.

Hãy chắc chắn đó là bảo hiểm thật

Đôi khi, du khách bị nhầm lẫn giữa các chính sách khác như bảo vệ khách hàng, khái niệm này hoàn toàn khác so với bảo hiểm. Bảo vệ khách hàng không phải một sản phẩm của bảo hiểm.

Đọc kỹ các điều khoản

Bạn nên đọc kỹ về những lợi ích của bảo hiểm, các trường hợp không được bảo hiểm chi trả, hoặc các hạn chế của bảo hiểm. Lợi ích của người mua bảo hiểm sẽ được nêu đầu tiên, nhưng các lợi ích này có thể bị loại trừ nếu bạn rơi vào các trường hợp liệt kê bên dưới.

Các chính sách bảo hiểm cơ bản thường không chi trả cho việc khám chữa răng, các lý do hoãn huỷ từ hãng hàng không, khủng bố, bị mất tiền, vé hoặc hộ chiếu.

Mua bảo hiểm du lịch - đừng nhắm mắt mua bừa - Ảnh 2.

Phần loại trừ ở cuối hợp đồng bảo hiểm du lịch nước ngoài của một hãng hoạt động tại Việt Nam, trong đó ghi rõ bao gồm chi trả trong trường hợp khách bị khủng bố - Ảnh: MỸ AN

Hãy kiểm tra xem liệu việc hồi hương có được bảo hiểm thanh toán trong trường hợp khẩn cấp hay không.

Hãy đảm bảo rằng nếu huỷ chuyến thì số tiền bảo hiểm sẽ thanh toán lớn hơn những thiệt hại của chính bạn.

Liệu bảo hiểm có thanh toán trong trường hợp bạn lỡ chuyến bay, hay lỡ tàu vì những lý do bất khả kháng?

Bảo hiểm có thay mặt bạn xử lý trong trường hợp bạn bị kiện vì gây ra thiệt hại hay làm người khác bị thương hay không?

Hãng có tổng đài hỗ trợ 24h/7, và có nhân viên nói ngôn ngữ của bạn hay không?

Mua bảo hiểm du lịch - đừng nhắm mắt mua bừa - Ảnh 3.

Hãy đọc kỹ các điều khoản trước khi đặt bút ký hợp đồng mua bảo hiểm du lịch - Ảnh: Expertsforexpats

Tính thời điểm là vô cùng quan trọng

Các chuyên gia cho biết, du khách nên mua bảo hiểm du lịch ngay khi vừa đặt cọc ban đầu cho chuyến đi, để chắc chắn mình được bảo hiểm chi trả.

Lời khuyên của các hãng lữ hành

Du khách nên xem xét các lợi ích mà gói bảo hiểm đưa ra. Ví dụ bảo hiểm cho việc hành lý bị trễ, một hãng bảo hiểm sẽ chi trả cho các vật phẩm cá nhân và chi phí cho việc trễ hành lý từ 12 giờ trở lên. Tuy nhiên, một hãng khác sẽ không thanh toán cho bạn trừ khi hành lý bị trễ ít nhất 24 giờ đồng hồ.

Nên 'chọn mặt gửi vàng'

Bạn hãy mua bảo hiểm từ một đại lý có uy tín bằng cách tra cứu trên mạng về nhận xét của du khách.

Du khách thường yêu cầu thanh toán bảo hiểm du lịch thế nào?

Lý do yêu cầu thanh toán bảo hiểm du lịch?

- 26% yêu cầu thanh toán bảo hiểm du lịch cho những gì xảy ra với họ khi đi du lịch.

- 33% yêu cầu thanh toán bảo hiểm liên quan đến việc đi khám bác sĩ, bệnh viện hay phòng khám tư.

- 24% yêu cầu thanh toán cho việc trễ chuyến bay.

Điều cần mua bảo hiểm nhất khi du lịch?

- Bản thân (72%, trong đó người trên 55 tuổi là 81%, còn người trẻ hơn là 64%)

- Hành lý (12%)

- Ô tô đi thuê (7%)

- Điện thoại (5%)

Quan điểm của người chưa bao giờ mua bảo hiểm?

- May quá chưa bao giờ cần đến bảo hiểm (79%)

- Cần thanh toán bảo hiểm nhưng không mua hoặc không thể mua (21%)

(Theo khảo sát của Công ty Bảo hiểm RBC cho 1.000 người Canada)

Du khách quốc tế tới Nhật "quên" đóng viện phí, không bảo hiểm

TTO - Chính quyền Nhật Bản vừa bắt đầu chiến dịch kêu gọi du khách quốc tế mua bảo hiểm du lịch, nhằm giảm gánh nặng chi phí cho các bệnh viện ở nước này.

THUÝ NGUYỄN (theo Forbes, the Guardian)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên