Mưa bão & chuyện thay đổi cách nhìn về cây đô thị

TỊNH ANH 18/09/2024 04:16 GMT+7

TTCT - Cây xanh đô thị bị ảnh hưởng thế nào bởi những cơn bão ngày càng mạnh hơn, các thành phố có thể làm gì để đối phó?

Mưa bão & chuyện thay đổi cách nhìn về cây đô thị - Ảnh 1.

Cây đổ ở Hà Nội sau khi bão Yagi quét qua. Ảnh: REUTERS

Từ Malaysia đến Tây Ban Nha sang Mỹ, giới nghiên cứu và bộ ngành liên quan đã gọi tên thách thức và đề xuất nhiều giải pháp mà những lối tiếp cận chung, nổi bật nhất là thay đổi cách nhìn về cây đô thị và tìm một mô hình dự báo khí hậu hiệu quả hơn.

Gọi tên thách thức

Trong một nghiên cứu đăng trên Landscape and Urban Planning hồi tháng 5, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Florida (Mỹ) nhấn mạnh: các đô thị cần thường xuyên đánh giá tình trạng sức khỏe của cây, tránh vội vàng chặt cây khi không có thông tin chính xác liệu chúng có gây nguy hiểm thực sự hay không.

"Cây có thể là rủi ro trong bão nhưng cây khỏe mạnh ở đúng nơi đúng chỗ cũng mang lại vô số lợi ích quý giá cho xã hội và môi trường" - Mysha Clarke, phó giáo sư Trường Lâm nghiệp, thủy sản và khoa học địa hình (SFFGS) Đại học Florida, cho biết. Clarke là giáo sư hướng dẫn cho tác giả chính - Stephanie Cadaval, nghiên cứu sinh tiến sĩ tài nguyên rừng và bảo tồn tại SFFGS.

Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 17 chuyên gia cây xanh tại ba thành phố Mỹ - Jacksonville, Philadelphia và Minneapolis - những đô thị đại diện cho các điều kiện khí hậu khác nhau và có chương trình lâm nghiệp đô thị tương đối phát triển. 

Mỗi nơi đều gặp nhiều thách thức từ hạn chế về ngân sách, thiết bị và nhân sự cùng với nhiều vấn đề khác, song những người được hỏi đều cho rằng việc lập kế hoạch và hợp tác là chìa khóa để quản lý thiệt hại cây cối trước và sau các cơn bão.

Chẳng hạn, các chuyên gia lâm nghiệp đô thị có thể sử dụng các báo cáo từ cư dân để xác định vị trí cây ngã đổ hoặc các nhu cầu phát sinh sau bão. "Quan trọng là từ trước khi mùa bão bắt đầu, công chúng có thể thông báo những cây cần chăm sóc hoặc loại bỏ, từ đó giảm bớt áp lực phải gấp rút xử lý trong tình huống khẩn cấp khi bão tới" - Cadaval nói trên blog của Viện khoa học nông nghiệp và lương thực Đại học Florida đầu tháng 8.

Đó là giải pháp phòng ngừa trước mắt. Cho tương lai xa hơn, nhiều đô thị đang đánh giá lại mảng xanh thành phố, với trọng tâm đa dạng hóa các giống cây để tăng sức chống chịu.

Nhìn nhận cây theo lối khác

Cây xanh là cơ sở hạ tầng quan trọng giúp các thành phố chịu đựng các tác động của biến đổi khí hậu bằng cách cung cấp bóng mát, hấp thụ nước mưa và lọc ô nhiễm không khí. Nhưng để làm được điều đó, bản thân các cây phải bền vững. 

"Chúng ta cần trồng những loại cây có thể chịu được thời tiết hiện tại và khí hậu trong tương lai" - Pete Smith, quản lý chương trình lâm nghiệp đô thị của Quỹ Arbor Day, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ việc trồng và chăm sóc cây có trụ sở tại Nebraska, nói với trang Stateline.

Có quá nhiều điều kiện phải đáp ứng: cây phải thích ứng với điều kiện khí hậu mà chúng sẽ phải đối mặt trong những thập niên tới - hạn hán, bão lụt, nhiệt độ cực cao hoặc cực thấp nhưng phải đa dạng loài, tránh dựa chủ yếu vào một loại cây, dễ bị tiêu diệt hàng loạt do dịch bệnh hay sâu hại. Đáp ứng được hết thì không dễ có ngay hạt giống, cây con để trồng.

Các nhà khoa học tại Đại học Florida đang xem xét các nghiên cứu từ các cộng đồng dễ xảy ra bão trên toàn thế giới để tìm loài cây chịu được gió mạnh tốt nhất mang về "các khu vực mà cây đổ có thể gây thiệt hại cho tài sản hoặc gây hại cho con người hoặc cơ sở hạ tầng" - Allyson Salisbury, một chuyên viên nghiên cứu của đại học này, nói với Stateline.

Ở Đông Nam Á, ít nhất có Malaysia cũng chọn lối tiếp cận này. Một nghiên cứu năm 2020 chỉ ra rằng các loài cây đô thị ở Malaysia đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đặt ra nhu cầu bổ sung các loài cây chống chịu khí hậu để thích ứng. 

"Việc lựa chọn đúng loại cây cho đúng vị trí là điều cần thiết để đảm bảo sự lâu bền và chức năng của chúng trong môi trường đô thị, tập trung vào các loại hình cảnh quan phù hợp như đường phố đô thị, không gian xanh nhỏ..." - Hamdan Abdul Majeed, giám đốc điều hành sáng kiến Think City, viết trên báo The Edge (Malaysia).

Mưa bão & chuyện thay đổi cách nhìn về cây đô thị - Ảnh 2.

Hiện trường vụ cây đổ ở Jalan Sultan Ismail, một trong những con đường đông đúc nhất Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 7-5-2024. Ảnh: REUTERS

Theo Hamdan, trong bối cảnh nhiều vụ cây đô thị bị đổ do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, gây ra thiệt hại về người, thương tích và tổn thất tài sản lớn, hội đồng thành phố Kuala Lumpur (DBKL) chủ động ứng phó bằng cách xác định 175 cây có nguy cơ cao, phần lớn trên 50 năm tuổi, và chặt hạ 147 cây. Các cuộc kiểm tra định kỳ của các chuyên gia cây xanh được chứng nhận đã xác định thêm 28 cây có nguy cơ cao cần loại bỏ.

Các biện pháp chủ động của DBKL như xác định và loại bỏ các cây có nguy cơ cao là chuyện trước mắt; về lâu dài, khi thời tiết tiếp tục khắc nghiệt hơn vì biến đổi khí hậu, Malaysia cần có một chiến lược thích ứng toàn diện và mang tính quốc gia hơn. 

"Bằng cách học hỏi từ các ví dụ toàn cầu và đầu tư vào nghiên cứu địa phương, Malaysia có thể thúc đẩy các loài cây chịu khí hậu thông qua sự hợp tác giữa các chuyên gia cây xanh, nhà thực vật học, kiến trúc sư cảnh quan và cơ quan chính phủ" - ông kêu gọi. 

"Cách tiếp cận toàn diện này không chỉ giảm thiểu rủi ro cây đổ mà còn nâng cao chất lượng sống và khả năng phục hồi của các thành phố Malaysia cho các thế hệ tương lai".

Mô hình dự báo tốt hơn

Sau mỗi cơn bão tàn phá cây xanh đô thị, các quan chức địa phương, đội cứu hộ khẩn cấp và cư dân sẽ luôn tự hỏi: làm thế nào để chuẩn bị cho cơn bão tiếp theo? Liệu hạ tầng đường phố như cống hoặc hầm thoát nước có thể hấp thụ lượng mưa vào lần tới không? Hay cần những biện pháp can thiệp đáng kể hơn như đê chắn, cổng lũ hoặc thậm chí là hỗ trợ di dời? Rất khó để có câu trả lời dựa trên dữ liệu.

Theo trang Grist, mặc dù các nhà khí tượng học ngày càng dự đoán đường đi của bão tốt hơn, việc dự đoán tác động liên quan đến mưa, lũ lụt và triều cường ở cấp độ đường phố lại phức tạp hơn. Nguyên nhân: các mô hình máy tính hiện có không tính đến các yếu tố theo từng khu vực nhỏ của thành phố có ảnh hưởng đến vi khí hậu.

Grist lạc quan rằng những mô hình tốt hơn sẽ sớm hình thành. Năm 2022, Bộ Năng lượng Mỹ khởi động chương trình trị giá 100 triệu đô la để tạo ra các mô hình khí hậu đô thị chi tiết hơn, với dữ liệu vi khí hậu thu thập từ "cấp cơ sở" thông qua các thiết bị giám sát.

Tại Mỹ, các công ty bảo hiểm, đầu tư bất động sản và các tổ chức phi lợi nhuận đã đánh giá rủi ro thiên tai ở cấp độ siêu nhỏ trong nhiều năm, song đây là lần đầu tiên những nỗ lực này có sự hỗ trợ của chính phủ liên bang và cũng là lần đầu tiên việc mô hình hóa được sử dụng để phát triển các giải pháp cục bộ.

"Chúng tôi bắt đầu từ cộng đồng, bằng cách hỏi người dân điều gì quan trọng đối với họ. Điều này giúp chúng tôi quyết định phải chạy mô hình dự báo nào để tương thích với chiến lược giảm thiểu tác động thiên tai của cộng đồng đó" - Paola Passalacqua, giáo sư Đại học Texas, Austin, nói.

Mưa bão & chuyện thay đổi cách nhìn về cây đô thị - Ảnh 3.

Cành cây đổ trên đường phố giữa lúc mưa lớn, sau khi Bão Bebinca đổ bộ vào Thượng Hải, Trung Quốc ngày 16-9-2024. Ảnh: REUTERS

Gary Geernaert, giám đốc bộ phận khoa học khí hậu và môi trường tại Bộ Năng lượng Mỹ, nhấn mạnh sự tham gia của cộng đồng là yếu tố then chốt trong quá trình xây dựng các mô hình dự báo cũng như soạn thảo các kế hoạch tăng sức chống chịu khí hậu. 

"Công việc sẽ hiệu quả hơn nếu cộng đồng là một phần của quá trình. Vì vậy chúng tôi không nói "Chúng tôi sẽ cung cấp điều này cho các bạn", mà là "Các bạn cũng góp phần tạo ra điều này" - ông nói.

Theo Grist, nhiều thành phố đã đầu tư vào việc trồng cây để hấp thụ nước mưa, thêm bóng mát và lưu giữ carbon nhưng cây xanh không phải là câu trả lời duy nhất và vẫn còn nhiều câu hỏi về hiệu quả của chúng. 

"Chúng tôi đang phát triển các mô hình mới về cây xanh để có thể thực sự hiểu cách chúng tương tác với môi trường xung quanh ở quy mô chi tiết tới từng mét" - nhà khoa học khí quyển Ashish Sharma, trưởng nhóm mô hình hóa của một phòng thí nghiệm khí hậu ở Chicago, cho biết.

Theo Passalacqua, mỗi phát hiện của phòng thí nghiệm sẽ được công bố dưới dạng "tóm tắt ngôn ngữ đơn giản" mà các nhà lãnh đạo địa phương có thể hiểu và hành động, đồng thời chia sẻ với các thành phố khác đang tìm kiếm giải pháp cải thiện.

Tháng 11-2023, bão Ciáran với sức gió mạnh kỷ lục quét qua nhiều thành phố ở Tây Ban Nha. Riêng thủ đô Madrid có hơn 400 cây bị quật đổ, một cây đè chết một phụ nữ 23 tuổi. Như mọi nơi khác, vụ việc làm dấy lên câu hỏi về cách quản lý cây xanh đô thị tốt hơn để đảm bảo chúng không trở thành mối nguy hiểm chết người trong các cơn bão lớn, trang Politico tường thuật.

Bản tin dẫn lời Mariano Sánchez, người đứng đầu bộ phận cây cối và làm vườn tại Viện Nghiên cứu vườn thực vật Hoàng gia Tây Ban Nha, cho biết cây đô thị bị đổ trong các cơn bão thường đã sẵn trong tình trạng sức khỏe kém, chủ yếu do cắt tỉa không đúng cách, làm mục nát bên trong khiến cây mềm đi và dễ gãy hơn trong gió mạnh.

Theo Sánchez, cây ở các khu vực công cộng thường bị cắt tỉa quá mức để tránh cản trở tầm nhìn hoặc đèn giao thông và các việc này thường do những người không được đào tạo bài bản thực hiện. Giải pháp là cần để người có chuyên môn thực hiện.

Ngoài ra, bê tông và nhựa đường ở hầu hết các khu vực đô thị cũng làm cây cối dễ bị tổn thương hơn. "Chúng ngăn cây phát triển hệ thống rễ thích hợp, làm giảm khả năng bám chắc của cây... Bên dưới mặt đất, rễ cây cần có khả năng mở rộng ra một khu vực tương tự như tán lá mà chúng ta nhìn thấy bên ngoài" - Sánchez giải thích.

Chuyên gia này cũng cảnh báo sự gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc các cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ lưỡng loại cây nào nên trồng và cách chăm sóc chúng quanh năm.

"Những cơn bão mới sẽ đòi hỏi cách quản lý tốt hơn tùy thuộc vào từng loài cây. Nhưng không có loài cây nào là xấu; chỉ cần hiểu chúng và trồng ở những nơi phù hợp nhất" - ông nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận