Một điêm cho thuê xe máy trên đường Bùi Viện, Q.1, TP.HCM cho biết giá bán xe từ 1500 - 2000 USD và có giấy tờ (không sang tên). Tuy nhiên sau khi mua và di chuyễn đên điểm quá xa, khách Tây sẽ bàn chịu lỗ gần nữa giá khi không còn dùng xe ở điểm đến - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo Cục CSGT, khi chủ phương tiện bán, tặng xe cho người khác thì phải nộp lại giấy đăng ký cho cơ quan công an để đảm bảo công tác theo dõi, quản lý, xử lý vi phạm giao thông cũng như vi phạm khác.
Về vấn đề này, Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến từ thực tế cuộc sống.
* Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM):
Tạo điều kiện để người mua sang tên
Nếu xử phạt đối với chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên khi thực hiện các giao dịch mua bán, cho, tặng xe là bất hợp lý.
Việc cơ quan chức năng có các biện pháp để người mua xe nhận thức rõ quyền lợi và chủ động thực hiện việc sang tên đổi chủ là cần thiết.
Tuy nhiên, quy định xử phạt cứng sẽ có nhiều bất cập, không phù hợp thực tế.
Lấy ví dụ có những trường hợp người mua không có thời gian làm ngay, hoặc có trường hợp người thân đưa xe cho nhau đi nên không cần sang tên đổi chủ.
Thực tế cũng có nhiều người mua xe chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sang tên đổi chủ. Đến khi xảy ra chuyện mới gặp rắc rối pháp lý, không bảo vệ được quyền lợi.
Chính vì vậy, để quản lý chặt chẽ, đảm bảo xe chính chủ, cơ quan chức năng nên tạo điều kiện cho những người này làm thủ tục sang tên.
Trường hợp không tìm ra chủ xe cũ thì người mua có thể đưa ra giấy tờ để chứng minh việc giao dịch, đồng thời quá trình làm thủ tục sang tên đổi chủ cần phải thực hiện niêm yết để đảm bảo tài sản không có tranh chấp.
Riêng đối với những trường hợp chủ cũ gây khó khăn, không hợp tác, người mua có thể khởi kiện để đảm bảo quyền lợi của mình.
* Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình - ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội):
Không thể xử phạt hành vikhông đăng ký
Đề xuất bổ sung việc xử phạt đối với chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên khi thực hiện các giao dịch mua bán, cho, tặng xe là không đúng về mặt luật pháp.
Nguyên tắc việc mua bán, sang tên đổi chủ là quyền dân sự của hai bên bán và mua, không thể áp đặt bắt buộc được.
Cơ quan có thẩm quyền không thể biết khi nào hai bên đã chuyển giao cho nhau.
Kể cả trong trường hợp người mua nhận hết tiền của người bán nhưng bản thân họ cho rằng chưa bán thì cơ quan nhà nước cũng không thể áp đặt họ đã bán tài sản đó.
Trong trường hợp cơ quan chức năng muốn siết chặt việc sang tên đổi chủ, xử phạt khi có hành vi vi phạm liên quan đến chiếc xe thì phải gắn chủ xe với quyền sở hữu tài sản như nhiều nước đang áp dụng.
Cụ thể, khi xảy ra việc vi phạm liên quan đến chiếc xe, dù xe đã được chuyển giao cho người khác nhưng chưa đăng ký thì chủ xe cũ vẫn bị liên đới trách nhiệm, chịu xử phạt. Tự khắc những người bán xe đều phải lo sang tên để tránh trách nhiệm về sau.
Mặt khác, khi một người mua xe muốn được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu cũng phải đăng ký, làm thủ tục sang tên đổi chủ ngay.
Nếu không đăng ký, sang tên, người đó sẽ mất quyền của mình.
Lấy ví dụ, trường hợp xảy ra tai nạn, nếu cơ quan chức năng xác định xe chưa được sang tên đổi chủ và không tìm ra chủ cũ thì có thể tịch thu, bán để lấy tiền phạt. Do không chịu đăng ký nên người mua xe bị mất xe.
* Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP.HCM):
Cần lộ trình, đơn giản thủ tục
Theo tôi, việc phải đăng ký xe, sử dụng xe chính chủ là hợp lý, văn minh. Việc đăng ký, sử dụng xe chính chủ gắn liền với trách nhiệm cá nhân đó về dân sự, hành chính, thậm chí hình sự.
Cho nên cần thiết phải sang tên, đăng ký xe chính chủ khi mua bán. Tuy nhiên có các vấn đề vướng mắc phải có cách giải quyết linh hoạt.
Thứ nhất, đơn giản hóa thủ tục sang tên, đăng ký. Đối với xe (nhất là xe máy) đã được di chuyển, mua bán qua nhiều đời chủ là tồn tại có quá trình lâu dài thì cần xem xét để chấp nhận cho người mua (hoặc tặng cho...) được sang tên, đăng ký để trở thành chính chủ.
Điều kiện là cho phép người mua xe (ngoài giấy tờ mua bán, giấy tờ xe...) làm cam kết bảo đảm về nguồn gốc hợp pháp của xe thì cho sang tên chính chủ sang chủ mới.
Trong cam kết có nội dung nếu sau này cơ quan chức năng phát hiện các vấn đề về nguồn gốc xe (ví dụ xe bị trộm cắp, phạm tội...) thì người chủ mới chấp hành các quyết định xử lý của cơ quan chức năng (như tạm giữ, tịch thu xe...).
Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi nhưng quản lý chặt chẽ xe cho thuê, xe du lịch.
Hiện nay, không ít hộ gia đình, công ty cho thuê xe tự lái, xe du lịch (cả ôtô, xe máy).
Xe thì chính chủ nhưng người lái lại là người vi phạm giao thông (vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn...). Nếu căn cứ vào hình ảnh mà phạt nguội thì lại vô tình gây thiệt thòi chủ cho thuê.
Vì vậy, tôi nghĩ cơ quan chức năng cần nghiên cứu theo hướng tăng cường hiệu quả công tác sử dụng camera giao thông để phát hiện vi phạm.
Cơ quan chức năng cần yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê xe phải đăng ký và kết nối dữ liệu hình ảnh với cơ quan quản lý.
Đồng thời, qua kiểm soát hình ảnh nếu phát hiện xe cho thuê của các cơ sở này vi phạm thì thông báo ngay trong ngày cho chủ cơ sở để kịp thời phối hợp với cơ quan quản lý xử lý vi phạm của người thuê.
Ví dụ chủ xe có thể giữ lại tiền đặt cọc của người thuê để thực hiện xử lý vi phạm hành chính của người thuê.
Như vậy, theo tôi, chúng ta cần lộ trình phù hợp, đơn giản thủ tục hành chính và sửa đổi bảo đảm thống nhất, chặt chẽ các quy định về Luật dân sự, bảo hiểm, đăng ký xe...
Đồng thời cũng cần tăng cường các biện pháp công nghệ hỗ trợ quản lý để bảo đảm việc sang tên chính chủ và sử dụng chính chủ trong thời gian tới.
* Anh Nguyễn Minh Quân (ngụ Q.Bình Tân, làm nghề mua bán xe máy cũ):
Thủ tục phải đơn giản
Tôi làm nghề mua bán xe cũ và xe phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ đăng ký xe. Vì công việc này nên tôi rất thường xuyên phải thực hiện các thủ tục liên quan đến cơ quan công chứng và cơ quan công an.
Trong quá trình mua xe, tôi có làm giấy tờ mua bán đầy đủ. Đối với các xe mà người bán chính chủ thì chúng tôi mới thực hiện công chứng hợp đồng mua bán được.
Còn đối với các xe không chính chủ thì tôi làm hợp đồng mua bán xe viết tay và tôi có chụp lại CMND của người bán.
Trong hợp đồng, tôi cũng yêu cầu người bán xe cho tôi có phần ghi rõ nguồn gốc xe là mua lại từ ai, địa chỉ ở đâu... và cam đoan nguồn gốc xe hợp pháp.
Từng có lần công an tìm đến tiệm của tôi để lấy lại một chiếc xe máy bị cho là mất trộm, người chủ xe có trình báo cho cơ quan công an. Đi cùng với cán bộ công an là người chủ xe đầu tiên (chính chủ).
Chiếc xe đó tôi mua có giấy mua bán đàng hoàng. Sau đó phía công an thông báo cho tôi là xe đó khi đến tay tôi mua đã là người thứ sáu.
Bản thân tôi ủng hộ việc sang tên xe chính chủ để bảo đảm quản lý, tránh các việc vi phạm pháp luật có thể xảy ra khi sử dụng xe.
Nếu xe mua chính chủ thì sang tên thuận lợi. Tuy nhiên, cái khó là rất nhiều xe giá trị không bao nhiêu (tầm dưới 10 triệu đồng) và đã chuyển qua nhiều đời chủ sử dụng.
Trường hợp này để tìm ra người chủ đầu tiên khó như mò kim đáy bể.
Hiện nay, theo quy định quá thời hạn 30 ngày từ khi mua xe mới đi sang tên, đăng ký lại thì bị xử phạt. Hoặc quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tai nạn mà phát hiện xe không chính chủ thì xử phạt.
Trong các trường hợp này chúng tôi cũng đành chịu chứ chưa biết phải làm sao.
Nếu cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện đơn giản về thủ tục sang tên thì tôi nghĩ người dân sẽ dễ dàng chấp hành hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận