Nếu giao dịch tiền giả diễn ra thành công, cả người mua và người bán đều phạm tội tàng trữ, lưu hành tiền giả và có thể bị xử lý thêm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức án cao nhất là chung thân.
Rao bán công khai
Trên Facebook L.T.T. (ghi địa chỉ Củ Chi, TP.HCM), một người tên T. cho biết chỉ cần gửi mã số thẻ cào điện thoại của bất kỳ nhà mạng nào qua tin nhắn Facebook để đặt cọc trước 50%, T. sẽ chuyển tiền giả sau đó.
Theo tìm hiểu, trang của T. lập ra từ ba tháng nay, các dòng trạng thái đều đăng tải hình mà T. gọi là tiền giả, cách thức giao nhận, thậm chí cả “hướng dẫn sử dụng”. T. quy định: cứ 1 triệu đồng tiền thật đổi 5 triệu tiền giả, 2 thật đổi 11 giả, mệnh giá từ 50.000 đến 500.000 đồng đều có.
Tương tự, trang “Bán tiền giả” đăng tải thông tin cho biết tiền giả này là hàng Trung Quốc, nếu là tiền 500.000 đồng thì tỉ lệ đổi là 1-5, 200.000 đồng thì tỉ lệ đổi là 1-6...
Còn trang của M.L.N. đăng thông tin cho biết lượng tiền giả của mình nhìn rất đẹp, người mua nhiều đến mức không kịp bán, khách đặt sớm sẽ giao trong ngày.
Hầu hết các trang bán tiền giả đều khẳng định tiền giả giống thật từ 97% trở lên, người mua đặt cọc 20-50% tiền thật để mua tiền giả bằng cách chuyển khoản ngân hàng hoặc gửi mã số thẻ cào điện thoại.
Sau khi nhận cọc, người bán sẽ giao trực tiếp hoặc gửi bưu điện, gửi xe khách nếu người mua ở xa. Có Facebook còn thông báo nếu mua trên 100 triệu tiền giả hoặc mua từ lần thứ 2 trở lên sẽ giao trực tiếp.
Bên cạnh đó, một số người khi nhắn tin, gọi điện thoại đặt mua hoặc bình luận trực tiếp vào dòng trạng thái của trang bán tiền giả đã phản hồi sau khi gửi mã số thẻ cào, chuyển tiền... thì chủ trang “im ru”.
Thường những trang này chỉ yêu cầu người mua gửi mã số thẻ cào điện thoại mệnh giá từ 100.000 đồng trở lên để đặt cọc, sau đó “xù”.
Xử lý cả người bán lẫn người mua
Luật sư Trương Xuân Tám cho biết pháp luật hiện hành đã quy định khá đầy đủ và nghiêm khắc về việc mua bán tiền giả.
Cho dù cá nhân thực hiện hành vi ở bất cứ giai đoạn nào, đã hoàn thành hay chuẩn bị phạm tội, giao dịch mua bán thành công hay không... đều chịu trách nhiệm hình sự.
Và dù người mua tiền giả chỉ tàng trữ mà không sử dụng, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện cũng vi phạm Bộ luật hình sự.
Theo tiến sĩ Phan Anh Tuấn - trưởng bộ môn luật hình sự ĐH Luật TP.HCM, điều 180 Bộ luật hình sự quy định người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có giá trị dưới 3 triệu đồng thì bị phạt tù 3-7 năm.
Nếu giá trị tiền giả tương ứng 3-50 triệu đồng, người phạm tội bị phạt tù 5-12 năm, còn nếu từ 50 triệu đồng trở lên thì có thể chịu 10-20 năm tù hoặc chung thân.
Theo tiến sĩ Tuấn, đối với các đối tượng như L.T.T., M.L.N.... lập Facebook rao bán tiền giả thì có hai trường hợp xảy ra. Nếu các đối tượng này bán tiền giả thì hành vi này cấu thành tội tàng trữ, lưu hành tiền giả (điều 180 Bộ luật hình sự).
“Còn nếu các đối tượng không bán tiền giả mà sử dụng việc này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên thì cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự” - tiến sĩ Tuấn nói.
Tiến sĩ Tuấn cũng lưu ý nếu giao dịch tiền giả diễn ra thành công, cả người mua và người bán đều phạm tội lưu hành tiền giả, bất kể lượng tiền giả nhiều hay ít.
Trong trường hợp cá nhân chuyển tiền thật để mua tiền giả nhưng người bán không giao tiền giả thì người mua vẫn bị xử lý về tội lưu hành tiền giả. Còn người bán sẽ bị xử lý về tội lừa đảo tài sản nếu đủ căn cứ cấu thành tội này.
Dễ phạm tội nhưng khó xử lý
Theo luật sư Tám, hiện nay nhiều người đã lợi dụng Facebook để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi mua bán tiền giả.
Có thể sự hiểu biết pháp luật của những người này còn hạn chế, nhưng cũng có thể do lợi ích từ việc mua bán tiền giả là rất lớn nên đã bất chấp việc phạm pháp. Việc lập Facebook cũng khá nhanh chóng, dễ dàng.
Mặt khác, các đối tượng thường dùng tên giả trên Facebook, giao dịch bằng cách gửi mã thẻ cào, chuyển phát nhanh... nên đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, đôi khi là giữa các quốc gia cùng tham gia xác minh, điều tra.
Để hạn chế nạn mua bán tiền giả, luật sư Tám lưu ý các phương tiện thông tin đại chúng nên tuyên truyền rộng rãi về hành vi này, từ đó nâng cao sự hiểu biết pháp luật của người dân.
“Các đơn vị chủ quản mạng xã hội cũng cần tuân thủ pháp luật, kiểm duyệt chặt chẽ, gỡ bỏ kịp thời những nội dung đăng tải có dấu hiệu trái pháp luật của người dùng” - luật sư Tám nói.
Còn theo tiến sĩ Tuấn, ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu việc mua bán tiền giả. Với các phương tiện kỹ thuật hình sự hiện nay, dù cho các cơ quan chức năng có thể nhanh chóng định vị được người đang truy cập Facebook cũng như sử dụng điện thoại để mua bán tiền giả, nhưng vấn đề phức tạp là người đó có mua bán tiền giả hay không, hay chỉ là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Nếu là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải chứng minh số tiền chiếm đoạt của nạn nhân từ 2 triệu đồng trở lên và có người bị hại. Nhưng thực tế không người bị hại nào thừa nhận mình mua tiền giả. Và không có bị hại thì không xử lý được người phạm tội” - tiến sĩ Tuấn phân tích.
Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an (C50), việc rao bán tiền giả trên mạng thời gian gần đây hoạt động khá công khai. Ngoài các giao dịch là thật, còn lại là lừa đảo. Sau khi nhận tiền của người mua, các đối tượng lừa đảo “lặn” mất. Nếu hành vi bị phát hiện, cả người bán lẫn người mua đều bị xử lý nghiêm. Mới đây C50 đã bắt Hà Văn Lâm (quê Thanh Hóa) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 11-2015, Lâm lập trang Facebook để rao bán 500.000 đồng tiền thật lấy 1,7 triệu đồng tiền giả. Sau khi khách chuyển tiền để mua thì Lâm tắt máy không liên lạc được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận