Mua bán thời “order - ship”

TTCT - Ngày nay, việc mua bán online kiểu order (đặt hàng) và ship (giao hàng) đã trở nên quá quen thuộc với mọi người. Bất cứ món hàng nào từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm đến xúp cua xe đẩy, bữa cơm cá kho tộ, canh chua… đều có thể bán online.

Từ chỗ bán hàng rong với đôi quang gánh, bà Nguyễn Thị Cảnh (quê Bình Định) 2 năm nay phải tăng cường người và thuê thêm mặt bằng để phục vụ người mua qua mạng. Ảnh: NGỌC HIỂN
Từ chỗ bán hàng rong với đôi quang gánh, bà Nguyễn Thị Cảnh (quê Bình Định) 2 năm nay phải tăng cường người và thuê thêm mặt bằng để phục vụ người mua qua mạng. Ảnh: NGỌC HIỂN

Khi cơm, canh cũng mua... online

Sau khi dự xong một sự kiện, chị Nguyễn Ngọc Quỳnh (29 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông) vội vàng thu dọn để về nhà nấu cơm trưa cho mẹ và con nhỏ. Một mình mẹ chị ở nhà lo chăm cháu nên không thể đi mua thức ăn, nấu nướng.

Nhưng đối tác nhất định mời chị ở lại dùng cơm trưa. Từ chối không được, chị mở điện thoại ra để order bữa trưa cho hai bà cháu với món canh mồng tơi tôm nõn và thịt kho tiêu trên một app giao đồ ăn. Gõ tên hai món ăn cần mua, ứng dụng lập tức giới thiệu một loạt quán bán các món ăn chị cần với đủ mức giá cả.

Sau khi chọn đồ ăn ở một tiệm cơm gia đình cách nhà chị 500m, chị đặt hàng, thanh toán trực tuyến ngay trên app và cho số điện thoại của người nhận là mẹ mình. Chị gọi điện thoại báo cho mẹ biết và yên tâm ngồi vào bàn ăn với đối tác.

“Đôi khi có những chuyện đột xuất như vậy, có các ứng dụng gọi đồ ăn này sẽ bớt áy náy. Nếu là ngày trước, chắc mẹ tôi chỉ có nước... ăn mì gói”, chị Quỳnh cho biết. Không chỉ các bữa cơm gia đình, chị Quỳnh kể đôi lúc gia đình... chán cơm nhưng con nhỏ không tiện ra ngoài, chị sẽ lên các ứng dụng để gọi bánh xèo, nem nướng, bún đậu mắm tôm... Chỉ cần đợi chục phút sẽ có đồ ăn còn nóng hổi giao tới, phí ship chừng vài chục ngàn đồng.

Để phục vụ những khách hàng như chị Quỳnh, hiện hầu hết các cửa hàng đều liên kết với các dịch vụ giao hàng để bán hàng online như GrabFood, Go-Food, Now...

Tại cửa hàng Rau Má Mix với đồ uống là rau má phối hợp các loại thạch đa dạng, bên cạnh lượng khách trực tiếp đến mua hàng mang đi, ba nhân viên của quầy nước này liên tay phục vụ các shipper - các tài xế giao hàng của GrabFood, Go-Food, Now... đến mua hàng.

Đây là mô hình cửa hàng nhỏ gọn chỉ có quầy hàng chuyên phục vụ khách “take away” với giá một ly rau má từ 12.000 đồng. Trong vòng một tiếng đồng hồ, trong 11 lượt khách mua thì có đến 6 shipper. Anh Phan Khánh Tín, quản lý chuỗi cửa hàng, cho biết khi bắt đầu hoạt động từ tháng 4-2019, cửa hàng đã liên kết với năm kênh giao đồ ăn để phục vụ khách đặt hàng online.

“Hiện khách hàng mua trực tiếp tại cửa hàng chiếm đa số nhưng lượng khách mua online cũng chiếm tới hơn 20% và đang ngày càng tăng. Ngày nay đa số khách hàng ưa chuộng mua hàng online cộng với việc thanh toán trực tuyến ngày càng tiện lợi, nếu không bán hàng online và dịch vụ ship hàng sẽ rất khó cạnh tranh và tồn tại được”, anh Tín chia sẻ.

Theo xu hướng bán hàng online, nhiều bạn trẻ khi khởi sự kinh doanh đã chuyển hẳn sang phương thức bán hàng online, thậm chí dẹp luôn cả cửa hàng bán trực tiếp. Chị Nguyễn Thanh Thủy (Bắc Giang) kinh doanh thời trang cũng đã dẹp cửa hàng để bán online sau nhiều năm vừa duy trì cửa hàng vừa bán online. Trước đó, chị mở cửa hàng dạng siêu thị bán lẻ quần áo, túi xách...

Chi phí sửa sang cửa hàng, mua bàn ghế... gần 200 triệu. Tiền thuê mặt bằng là 8 triệu/tháng dù chỉ nằm trong con hẻm nhỏ, tiền trả nhân viên 5 triệu/tháng, tiền điện, nước cả triệu đồng. Bán được hơn một năm thì chị Thủy trả mặt bằng, chuyển sang bán online.

Thủy cho biết do trước đó mở cửa hàng, chị đã có lượng khách quen, biết được chất lượng hàng hóa tốt, uy tín của người bán nên dù bán online chị vẫn duy trì được lượng khách ổn định. Đồng thời việc đăng ký quảng cáo trên các mạng xã hội cũng rất dễ dàng.

Do đó, doanh thu bán online so với trực tiếp trước kia tương đương nhau, mỗi ngày lên đến 40-50 đơn. “Việc này tiết kiệm khoảng 14 triệu đồng cho phí mặt bằng, nhân viên, điện nước. Chi phí ship bán hàng online do khách trả”, chị Thủy nói.

Chị Nguyễn Bích Vân (27 tuổi) đã mở đại lý phân phối độc quyền của một thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc tại VN. Vân cho biết lúc đầu chị cũng mở gian hàng tại một khu mua sắm nhưng sau đó quyết định bỏ cửa hàng. Kênh bán hàng online của chị vô cùng đa dạng: từ bán hàng trên Facebook đến các sàn thương mại điện tử như Adayroi, Shopee, Tiki, Lotte, Lazada...

Trên các sàn thương mại điện tử, khi có đơn hàng shipper sẽ đến nhà chị lấy đưa về kho rồi giao cho khách hoặc hàng hóa được ký gửi ngay tại kho của sàn để chở cho khách. “Trường hợp khách liên lạc trực tiếp qua Facebook, Zalo thì tôi sẽ nhờ Grab, Go-Viet hoặc tìm các group shipper tự do trên Facebook đăng tìm người giao hàng”, chị nói.

Theo chị, bán hàng online hiệu quả hơn việc duy trì cửa hàng rất nhiều. “Mở cửa hàng sẽ đi cùng với rất nhiều chi phí: phí thuê mặt bằng, thiết kế cửa hàng, thuê nhân viên, điện, nước, rác... Trong khi với các dịch vụ giao hàng online thì sẽ chỉ tốn một mức phí khoảng 10-15% giá trị mặt hàng”, Vân nói thêm.

Nguồn: Dribble
Nguồn: Dribble

U50 cũng bán hàng online

Không chỉ người trẻ nhanh nhạy trong việc bắt kịp xu hướng khi kết hợp giữa cách bán hàng truyền thống và bán hàng qua mạng, nhận giao và đặt hàng thông qua bên thứ ba là các ứng dụng, các tiệm ăn lâu đời của những thế hệ U40-U50 cũng bắt đầu liên kết với các ứng dụng này.

Ông Nguyễn Chí Thành (54 tuổi, đường Vũ Huy Tấn, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mở quán cơm tám năm nay, bán các món ăn trong bữa cơm gia đình bình dị như cá kho tộ, canh chua, thịt kho trứng. Quán đã có lượng khách cố định, còn những mối quen thì ông thuê xe ôm hoặc người nhà đi giao cơm.

Cách đây vài tháng, các con của ông liên kết với các ứng dụng gọi đồ ăn qua mạng, qua app, mỗi ngày ông bán thêm khoảng 30 phần cơm. “Tui thấy bên Go-Food, GrabFood trưa hay đến lấy cơm. Trong đó có một mối của Go-Food trưa nào cũng lấy 7-8 phần cơm”, ông Thành cho hay.

Vốn là người xưa nay chỉ dùng điện thoại để nghe - gọi và đọc tin tức, nay ông Thành được con “huấn luyện” lên điện thoại để mở app kiểm tra đơn hàng. Ông Thành cho biết liên kết như vậy “bán được thêm cũng đỡ chứ”, hơn nữa tiệm cơm không phải trả bất kỳ chi phí nào cho các tài xế giao hàng. “Tui vẫn bán một phần cơm 25.000 đồng. Tiền ship do khách tự thanh toán với shipper”, ông nói.

Thời gian gần đây, một tiệm cơm chiên ở Q.Phú Nhuận luôn thu hút người đi đường bởi trước cửa tiệm có khá nhiều shipper chờ mang đi giao những hộp cơm gà nóng hổi. Vào giờ ăn trưa, có thời điểm vì quá đông người đặt, các shipper phải đứng bên kia đường chờ đến lượt mình nhận thức ăn.

Dù buôn bán có tiếng đã gần 5 năm nhưng từ khi các hãng công nghệ đến đặt vấn đề hợp tác, đưa thực đơn online ăn lên các app của Lalamove, Loship... suốt nửa năm qua, tiệm này mới phất lên trên thị trường đặt thức ăn online. Các món ruột của tiệm như cơm gà nước mắm, bò lúc lắc, cơm chiên cá mặn... bỗng dưng được khách hàng đặt đắt như tôm tươi.

Theo anh Lê Ngọc Linh, đại diện tiệm cơm, các nguyên liệu chế biến thức ăn đều phải tăng hơn 2/3 so với trước khi các món này lên "sàn" online. Như thịt bò, thường ngày chỉ bán từ 3-4kg, nay tăng lên 7-8kg, gạo nấu cơm trước đây chỉ 1 bao, nay cũng tăng gấp đôi.

"Làm không có thời gian nghỉ luôn, giờ 7 nhân viên, 3 đầu bếp chính nấu xuyên trưa rồi mà vẫn phải tuyển thêm 2 phụ bếp nữa", anh Linh nói. Mỗi ngày, tiệm thức ăn này chế biến từ 200 - 300 phần thức ăn đặt qua app, khách hàng chủ yếu là dân văn phòng đặt về ăn trưa.

Nguồn: Dribble
Nguồn: Dribble

Tương tự, tiệm gà nướng trên 20 năm tuổi ở đường Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh) từ ngày kết nối với các app công nghệ cũng đỡ được nhiều chuyện nhiêu khê của cách bán truyền thống. 

Trước đây, họ phải cử người trực điện thoại, ghi lại các đơn hàng, sau đó mới giao cho xe ôm giao hàng và nhận tiền rất rườm rà, vào các ngày lễ là tiệm... tất cả đều quá tải. Từ ngày có app, tuy đơn hàng tăng lên, giao đi xa hơn, thậm chí sang các quận khác nhưng tiệm không cần tăng nhân viên. ■

“Gánh hàng rong” cũng bán online

Không chỉ có các cửa hàng mà ngay cả món xúp cua, trà sữa xe đẩy lâu năm cũng bắt đầu bán hàng online. Với chiếc xe đẩy nhỏ đựng nồi xúp cua lớn, chồng tô, muỗng và mấy chiếc ghế nhựa khiêm tốn để bán “dã chiến” vào mỗi buổi chiều bên góc đường Vũ Huy Tấn (Q.Bình Thạnh), bà Chi - người bán hàng - cũng đã cho quầy hàng của mình lên Go-Food để khách có thể gọi món.

“Tui mới được nhỏ cháu cài cho hôm qua. Qua giờ cũng thấy có mấy anh tài xế Go-Food đến mua hàng cho khách rồi”, bà nói. Ngay bên cạnh xe xúp cua của bà Chi là quầy trà sữa của chị Hằng (27 tuổi). Chị Hằng cho biết chị mở quầy trà sữa được ba năm nay và cũng đã sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn để bán hàng. Theo chị, số lượng trà sữa chị bán qua các ứng dụng này tương đương với việc khách mua trực tiếp.

Còn với gánh bánh tráng chấm nằm dưới chân chung cư Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) của bà Nguyễn Thị Cảnh, chỉ là một gánh hàng rong vỏn vẹn hai rổ hàng ngồi bên vệ đường nhưng gánh hàng này lại nổi tiếng trên mạng. Mỗi buổi chiều luôn có nhiều shipper chờ đợi để mang những phần món ăn vặt vỉa hè này giao đi muôn nơi.

Riêng với tiệm thức ăn Bột (Q.Bình Thạnh) dù bán đến 32 món nhưng tiệm này không có cửa hàng. Nữ chủ tiệm chế biến ngay tại gia rồi giao thẳng cho shipper mang đi với một quy trình khép kín mà các giao dịch đều thực hiện online.

Từ chỗ bán hàng rong với đôi quang gánh (ảnh trái), bà Nguyễn Thị Cảnh (quê Bình Định) 2 năm nay phải tăng cường người và thuê thêm mặt bằng để phục vụ người mua qua mạng (ảnh phải). Ảnh: NGỌC HIỂN
Từ chỗ bán hàng rong với đôi quang gánh (ảnh trái), bà Nguyễn Thị Cảnh (quê Bình Định) 2 năm nay phải tăng cường người và thuê thêm mặt bằng để phục vụ người mua qua mạng (ảnh phải). Ảnh: NGỌC HIỂN


 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận