04/11/2016 10:45 GMT+7

Mua bán, sử dụng súng săn, xử lý ra sao?

YẾN TRINH (yentrinh@tuoitre.com.vn)
YẾN TRINH ([email protected])

TTO - Hiện nay, việc mua bán, sử dụng các loại súng săn diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, các quy định pháp luật lẫn việc quản lý của cơ quan chức năng chưa thật sự chặt chẽ.

Súng săn, súng tự vệ... rao bán trên mạng - Ảnh: Tự Trung
Súng săn, súng tự vệ... rao bán trên mạng - Ảnh: Tự Trung

Ngày 25-10, một Facebook có tên T.V. đã đăng trên trang của mình hình ảnh cầm một loại súng và khoe rằng mới trải qua một cuộc đi săn thú rừng, kèm theo hình ảnh những “chiến lợi phẩm” đầy máu me...

Đủ loại súng săn

Sau khi V. đăng tải những hình ảnh trên, nhiều người đã vào bình luận và còn ngỏ ý mượn súng của V. để đi săn. V. cho biết anh trai có hai cây súng rất “chiến” và V. thường lấy để đi săn.

Không riêng V., nhiều người cũng vô tư lên mạng xã hội đăng tải những khẩu súng săn cao cấp mà mình đang sở hữu. Ở TP.HCM còn có một số nhóm chuyên tổ chức đi săn động vật hoang dã vào cuối tuần ở vùng ven Q.12, H.Bình Chánh... với các loại súng săn có giá lên đến cả trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, việc mua bán súng săn cũng diễn ra công khai với những quảng cáo mời chào hấp dẫn trên mạng.

Khi liên hệ với một địa chỉ bán súng săn trên trang tren18..., chủ trang cho biết có “hàng ngon” là các loại súng hơi loại 9-12kg, súng bắn chim với giá từ 16 triệu đồng trở lên, có cả hàng mới lẫn cũ.

Trang này cũng bán các phụ tùng súng săn: lò xo, ống ngắm, các loại đạn... Chủ trang cam kết sẽ giao dịch trực tiếp hoặc khách chuyển khoản trước rồi gửi hàng sau.

Còn trang Facebook Súng hơi - Súng săn đăng tải các loại súng có xuất xứ từ Indonesia, Slovakia... với giá từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng. Trang này cũng cho biết súng không có giấy phép, đồng thời còn nhận sửa chữa các loại súng đã qua sử dụng.

Luật không cho phép

Theo luật sư Lê Trung Phát, trong trường hợp của T.V., nếu đó là súng săn thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2-4 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 điều 10 nghị định 167/2013 quy định việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự.

Nếu súng do T.V. tự chế tạo, mức phạt có thể lên đến 40 triệu đồng. Còn nếu T.V. sử dụng súng quân dụng, có thể bị khởi tố hình sự theo điều 230 BLHS tội sử dụng vũ khí quân dụng trái phép với hình phạt tù 1-7 năm hoặc hơn tùy mức độ, đồng thời có thể bị phạt bổ sung với số tiền lên đến 50 triệu đồng.

Trong khi đó, theo luật sư Trương Xuân Tám, pháp lệnh 16/2011 chia vũ khí thành vũ khí quân dụng và vũ khí là súng săn, vũ khí thể thao và công cụ hỗ trợ.

Pháp luật nghiêm cấm mọi công dân, nếu không phải lực lượng vũ trang hoặc được người có thẩm quyền trong lực lượng vũ trang trang bị, không được tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng.

Nếu người sử dụng vũ khí không thuộc lực lượng vũ trang thì họ phải được cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí.

Thế nhưng nghị định 25/2012 hướng dẫn pháp lệnh này có quy định về “sử dụng vũ khí, vật liệu nổ khai thác trái phép động, thực vật, tài nguyên, hủy hoại môi trường sinh thái, gây hại đến an ninh, trật tự xã hội”.

Vì thế hiện nay cơ quan chức năng không cấp phép cho việc sử dụng súng săn bởi vi phạm điều cấm của pháp lệnh 16/2011. Vì thế, tất cả các hành vi có liên quan đến súng săn đều bị cấm.

Cần tăng chế tài

Theo luật sư Tám, nếu cho, tặng, cho mượn, cho thuê vũ khí; trao đổi mua bán, sửa chữa, làm giả các loại giấy phép về sử dụng vũ khí; sử dụng các loại vũ khí trái quy định hoặc không có giấy phép sẽ bị phạt tiền 2-4 triệu đồng.

Với hành vi mua bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí cũng bị phạt tiền 5-10 triệu đồng. Đối với việc sản xuất, chế tạo vũ khí trái phép sẽ bị phạt tiền 20-40 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Thế nhưng theo các chuyên gia pháp lý, thực tế diễn ra việc người dân đã tự ý sản xuất, chế tạo, mua bán, vận chuyển các loại súng săn nhằm phục vụ việc săn bắn hay phục vụ các hành vi giết người, cướp của... Điều này đang là mối đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, góp phần làm gia tăng tội phạm sử dụng vũ khí, công cụ có nguy cơ gây hại nhiều người.

Vì thế lực lượng chức năng cần quyết liệt hơn trong việc phát hiện nơi chế tạo, sản xuất cũng như ngăn chặn việc mua bán.

Đồng thời, theo luật sư Phát, cần tăng chế tài cho tội danh mua bán, vận chuyển súng săn vì hiện nay việc xử lý hành vi này còn quá nhẹ, chưa đủ răn đe.

Bên cạnh đó, có thể sửa đổi khái niệm trong điều 230 BLHS bằng việc mở rộng đối tượng không chỉ dừng lại là vũ khí quân dụng mà còn phải bao gồm súng săn, vũ khí thể thao và các công cụ hỗ trợ khác.

Còn theo luật sư Tám, nếu ai có hành vi sử dụng súng săn để bắn người, đe dọa bắn, đả thương người khác, cướp giật... tùy trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc đe dọa giết người, cướp có vũ khí…

Theo một lãnh đạo Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM, việc người dân tự ý mua bán hay sử dụng các loại súng để săn bắn là vi phạm về pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Xem xét tùy theo mức độ, tính chất của vụ việc mà lực lượng chức năng xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thời gian qua, PC64 đã tổ chức nhiều cuộc vận động người dân giao nộp các loại vũ khí cũng như các loại súng săn. “Người dân có thể tới công an phường xã, quận huyện gần nhất hoặc PC64 giao nộp những loại súng này” - vị cán bộ này nói.

NGỌC KHẢI

YẾN TRINH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên