08/12/2019 09:24 GMT+7

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ cuối: Chia tay Bentiu

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Khi biết ai đó đến công tác Bentiu, người cũ thường nói với người mới: "Chào mừng đến thiên đường" (Welcome to Bentiu paradise). Họ giải thích với tôi chữ "thiên đường" được dùng một cách châm biếm, ý ngược lại.

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ cuối: Chia tay Bentiu - Ảnh 1.

Mọi thành viên đều 2 lần được trao huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình - Ảnh: HỒNG VÂN

Đây là lần đầu tôi gặp một tập thể Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình quốc tế. Tôi biết họ từ ngày đầu mới sang, khi đơn vị còn trống trơn, họ phải đi trồng từng cây rau, cây hoa. Các bạn đã làm việc rất tốt, bệnh viện sạch sẽ, thân thiện. Mọi người rất yêu quý các bạn, một tập thể nhỏ của những người xuất sắc.

Stephen (người Namibia)

Cũng có người giải thích vì Bentiu từng là nơi chiến sự, nhiều người chết, biệt danh "thiên đường Bentiu" nghĩa là nơi của những linh hồn. Dù trong trường hợp nào, không ai bảo Bentiu thực sự là "thiên đường".

"Các bạn quá tuyệt vời"

Căn cứ Bentiu có gần 2.500 người đi theo các đơn vị tập thể công binh, bệnh viện, bộ binh... Ngoài ra, còn có khoảng 1.500 người là nhân viên Liên Hiệp Quốc (LHQ). Từ tháng 10-2019, một tháng trước thời điểm cán bộ Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam về nước, bạn bè quốc tế đã hẹn gặp để... nói lời tạm biệt.

Bentiu là một trong ba căn cứ khó khăn nhất của Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan, chủ yếu do vấn đề giao thông. Suốt thời gian mùa mưa 5-6 tháng liền, đường bộ từ thủ đô Juba về Bentiu gần như đóng cửa vì hư hỏng và trơn trượt như bôi mỡ.

Bentiu không có dịch vụ, hàng quán, địa điểm giải trí, thư viện, công viên, những thứ tưởng như bình thường trong xã hội. "Ai cũng có thể có tiền để mua đồ nhưng vấn đề là họ có thể mua những thứ mình cần ở đâu tại một nơi như thế này?", một nhân viên LHQ cảm thán nói.

Trừ một số người có nhiệm vụ, rất nhiều người chưa từng ra khỏi chính đơn vị mình, chưa nói đến đi xa hơn là ra ngoài căn cứ.

Khoảng hơn 4.000 nhân viên nhưng chỉ có một quán cà phê do đơn vị Mông Cổ mở, ba điểm bán bia - gọi là tukul (tên gọi loại nhà của người địa phương lợp bằng sậy, vách đất). Tukul có rất ít bàn ghế, mỗi người đến mua 1-2 lon bia, đứng nói chuyện với nhau đến khuya, rồi ai nấy về đơn vị của mình - đó gọi là giải trí cuối tuần.

Một người làm việc ở Bentiu đã được ba năm chia sẻ với tôi: "Ngày tôi mới đến, một tuần liên lạc được với gia đình hai lần là may. Hiện nay Internet vẫn còn khó khăn, chủ yếu ở sự đắt đỏ nhưng đã tốt hơn nhiều so với trước. Ở căn cứ này, nhân viên không được mang theo gia đình, ngoài công việc, chúng tôi chỉ có những người bạn".

Anh Emmanuel Tandoh, nhân viên y tế kiêm lái xe cấp cứu của Bệnh viện dã chiến cấp 1 đơn vị Ghana FPU, cho biết: "Thời gian trôi thật nhanh.

Tôi đến đây tháng 4-2019. Giờ thấy các bạn Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ về nước, tôi rất bùi ngùi. Bác sĩ Bình (đại úy, bác sĩ khoa nội Nguyễn Công Bình) là bạn tốt của tôi. Tôi sẽ rất nhớ các bạn và mong ngày nào đó các bạn có thể đến thăm quê hương Ghana chúng tôi".

Ngày 15-11, đúng vào tối thứ sáu, tối xôm tụ vì đa số nhân viên nghỉ làm vào thứ bảy, một nhóm gần 10 anh em Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam đã tổ chức một bữa tiệc BBQ để chia tay bạn bè quốc tế đến từ Zimbabwe, Namibia, Ấn Độ, Nepal, Brazil, Guatamala, Nam Phi...

Anh Deepark Tristar, người Ấn Độ, đã ở lại đến những giây phút cuối cùng của bữa tiệc. Anh tâm sự với tôi: "Tuấn (đại úy Vũ Anh Tuấn, điều dưỡng khoa khám bệnh) là thầy dạy đàn guitar cho tôi ở đây.

Lúc tôi bị đau vai, tôi đến bệnh viện làm vật lý trị liệu với Huyền (thiếu úy Phan Thị Minh Huyền, kỹ thuật viên vật lý trị liệu) và đỡ hẳn tới giờ. Tôi đã thấy nhiều đoàn đến rồi đi, dù vậy tôi vẫn ghét những lúc phải chia tay những người bạn tốt".

Anh Rishi Semwal, người Ấn Độ, trải lòng: "Cho tôi ngả mũ trước các bạn, những người biến không thành có. Tôi thích cách các bạn cùng nhau làm việc.

Không phải tập thể nào cũng được như vậy - các bạn rất tự lập, tự cường, tự cắt cỏ, làm bàn làm ghế, trồng cây, trồng rau, tạo ra sự khác biệt ngay trong căn cứ Bentiu bằng nghị lực và tinh thần đồng đội của mình. Nhóm Bệnh viện dã chiến cấp 2 khác sẽ đến, tôi chắc chắn vẫn sẽ yêu mến họ vì tôi đã có những người bạn Việt Nam rất tuyệt vời".

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ cuối: Chia tay Bentiu - Ảnh 3.

Tập thể Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam được Liên Hiệp Quốc đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ - Ảnh: HỒNG VÂN

Nôn nao nhưng phải trở về

Khi tôi đi tập thể dục vào buổi chiều với một số nhân viên bệnh viện Việt Nam, bạn bè quốc tế nhận ra họ và cất tiếng chào. Chúng tôi đi ba vòng, mỗi lần đi qua chốt gác của anh lính người Nam Sudan là mỗi lần anh nói: "Việt Nam, very good".

Thiếu úy Phạm Thị Thùy, sinh năm 1993, cho biết: "Tôi có bạn thân người Ghana. Bạn ấy chỉ tôi học tiếng Anh hầu như mỗi ngày. Thậm chí bạn ấy còn lên kế hoạch học tập cụ thể để giúp tôi nói tiếng Anh tốt hơn. Chúng tôi thường xuyên nhắn tin, có khi gọi điện thoại kể cho nhau về cuộc sống hằng ngày của mình".

Trở về VN trong đợt đầu sau một năm, đại úy, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân không vội thu xếp vali. Ngân tâm sự: "Không hiểu sao tôi không thấy quá nôn nao. Tôi có dịp đi ra ngoài khám bệnh cho hoạt động dân vận của bệnh viện, có đến bệnh viện Bentiu tìm hiểu hoạt động của đồng nghiệp. Ở đó, bệnh nhân nằm la liệt mà thiếu thuốc men trầm trọng. Rất thương cho người dân...".

Khó có thể kể hết sự hi sinh và trăn trở của mỗi thành viên cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế này. Sau lý tưởng, vinh quang của Tổ quốc là những người lính, người y bác sĩ với bao hi sinh thầm lặng. Họ đã bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc bên người thân ở Việt Nam: bé yêu biết bơi, biết đi xe đạp khi mẹ vắng nhà, con trai thành chàng trai độc lập, trưởng thành khi vắng bố...

Chia tay Bentiu và được LHQ đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, họ đã làm trọn phần việc của mình. Qua công việc cũng như lối sống, họ thể hiện tầm vóc, trình độ của y bác sĩ Việt Nam, được bạn bè quốc tế yêu mến, trân trọng...

Lưu luyến nhưng đã đến lúc trở về gia đình, tiếp tục những kế hoạch còn dang dở, kể cả là đám cưới của chính mình như trường hợp của Hà Minh Tuấn.

"Ở đây, tôi có niềm vui thử món ăn truyền thống mà bạn bè các nước nấu. Có lần tôi trực, chưa kịp ăn sáng và rất mệt mỏi thì nhận điện thoại của người bạn Thụy Điển. Bạn ấy sẽ nấu đồ ăn sáng mang đến cho tôi. Đó là hỗn hợp gồm sữa với phômai, ăn rất ngán vì lạ khẩu vị nhưng tôi cố ăn hết vì xúc động trước sự nhiệt tình của bạn", Tuấn chia sẻ.

Thiếu tá, bác sĩ Hồ Ngọc Phát tâm sự: "Tôi có con gái 6 tuổi ở nhà nên tôi nghĩ rất nhiều về trẻ nhỏ ở đây. Tôi nghĩ con mình quá may mắn.

Ở đây trẻ em không được đến trường, rất là thương. Sau này nếu có cơ hội quay lại, tôi mong mỏi nhất là được thấy cuộc sống của trẻ em thay đổi ra sao. Tôi thực sự mong mỏi các em có ngày được đến trường, có đủ cơm ăn, áo mặc. Tôi chỉ tiếc mình đã không mang theo dù là vài bộ đồ trẻ em để tặng cho các bé...".

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 7:  Lỗ đạn, nhà cháy và giọt nước ở Bentiu Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 7: Lỗ đạn, nhà cháy và giọt nước ở Bentiu

TTO - Quầy tạp phẩm buồn thiu với những gói đường, gia vị... Dầu ăn bán trong từng bịch nilông nhỏ như thời bà ngoại tôi còn sống khoảng 30 năm trước ở Đà Lạt.


HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên