06/12/2019 14:25 GMT+7

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 6: Tâm sự người em gái út ở Bentiu

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam có 10 thành viên nữ, người lớn tuổi nhất tuổi xấp xỉ tuổi mẹ của người trẻ nhất.

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 6: Tâm sự người em gái út ở Bentiu - Ảnh 1.

Trung úy Hoài Thu chăm sóc bệnh nhân người Mông Cổ sau mổ ruột thừa - Ảnh: HỒNG VÂN

Từ những ngày đầu gian khổ đến lúc công việc ổn định, các thành viên nữ tham gia tất cả công việc như anh em trong đơn vị.

Tôi đã đổi thay nhiều

Ngoài đảm bảo tốt việc chuyên môn, cánh chị em cũng khiêng vác đồ đạc, thức đêm canh gác, cắt cỏ, phụ nhà bếp và các giao lưu thể thao, thi nấu ăn Master Chef ở căn cứ Bentiu. Tâm sự của trung úy Bùi Thị Hoài Thu, 26 tuổi, một trong ba bạn nữ trẻ nhất cho thấy sức mạnh của những nữ chiến sĩ:

Ngày còn ở quê hương, tôi làm điều dưỡng phòng hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 175. Bệnh nhân nhiều, áp lực công việc cũng nhiều nên tôi luôn căng thẳng. Sau mỗi tua trực, tôi về nhà ngủ vùi. Thích một người nhưng do tôi không có nhiều thời gian tìm hiểu, tình cảm chỉ dừng lại ở mức trên bạn bè một chút rồi thôi. Nhịp sống bận rộn 24/7 khiến tôi nhiều lần tự hỏi mình đang sống thế nào?

Sang Bentiu, Nam Sudan làm việc với bệnh viện dã chiến, thứ tôi có nhiều nhất là thời gian. Tôi vẫn nói với bạn bè: ở Việt Nam, thời gian của mình chia sẻ cho bố mẹ, bạn bè, đồng nghiệp... Còn ở Nam Sudan, tất cả thời gian của tôi là dành cho công việc, bản thân và đồng nghiệp.

Về đồng nghiệp ở Việt Nam, do áp lực công việc chúng tôi hay căng thẳng, có điều gì không vừa ý là nói ngay. Nhưng qua đây, sống với nhau tôi học các anh chị chín bỏ làm mười, nhiệt tình với nhau, không vì chuyện nhỏ nhặt mà chấp nhất. Tôi học các anh chị tìm niềm vui trong trồng rau, trồng hoa, đọc sách và yêu thương bệnh nhân.

Khi không còn áp lực, mọi người chỉ nghĩ làm sao để tất cả cùng vui vẻ. Chúng tôi không có những câu nói nặng lời. Cả lúc bực cũng suy nghĩ để nói câu nào nhẹ nhàng nhất hoặc bỏ qua cho nhau. Chẳng hạn, bốn người phụ nữ sống chung một phòng, có lúc có người chưa gọn gàng, việc dọn vệ sinh phòng người làm người không, quần áo để lung tung rất dễ tranh cãi. Thay vì tị nạnh, góp ý như hồi còn ở nhà, tôi nghĩ thôi thì mình hãy dọn, làm nhiều hơn một chút cũng không sao.

Tôi tập thể dục mỗi ngày để cảm thấy yêu bản thân. Lần đầu sống xa nhà, tôi biết tự chăm sóc, bảo vệ mình khỏe đẹp. Lúc đi, tôi và nhiều anh chị em của bệnh viện chỉ nghĩ làm sao để làm tốt nhất công việc phục vụ bệnh nhân, hoàn thành nhiệm vụ mà đất nước, cộng đồng quốc tế giao phó. Vì vậy, chúng tôi chỉ mang theo đồng phục được phát: áo sơmi, quần tây, giày da đen và chỉ những bộ đồ tập thể dục, thể thao đơn giản vì không nghĩ mình sẽ có cơ hội ra ngoài, gặp gỡ bạn bè hay có dịp mặc đồ đẹp.

Nhưng căn cứ Bentiu có nhiều bạn bè quốc tế để giao lưu và cũng có những ngày đặc biệt như ngày UN Day hay tết dương lịch. Tôi nhớ ngày UN Day, đơn vị Mông Cổ mặc trang phục truyền thống và váy rất đẹp. 

Ngày tết tây, nam, nữ quân nhân các đơn vị mặc vest, váy lộng lẫy nhìn như diễn viên Hàn Quốc, tự nhiên tôi hơi chạnh lòng. Tôi thấy tiếc mình đã không nghĩ đến việc xếp vào vali một cái quần jean, một cái áo thun đẹp hay một bộ đồ tử tế. Tôi nhận ra sống ở đâu chúng ta cũng cần làm đẹp cho bản thân...

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 6: Tâm sự người em gái út ở Bentiu - Ảnh 2.

Thu (giữa) cùng đồng đội giành giải nhất cuộc thi nấu ăn Master Chef ở căn cứ Bentiu với các đơn vị bạn - Ảnh: NVCC

Trưởng thành ở Bentiu

Ở Việt Nam có nhiều thứ để giải trí, bất cứ lúc nào cũng có thể đi đâu đó, gặp gỡ bạn bè. Nhưng ở Bentiu, một trong ba căn cứ gian khổ nhất của Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan, khi không thể đi đâu ngoài căn cứ, ai cũng phải tự tìm niềm vui trong công việc và làm cho bản thân bận rộn.

Nhìn lại hơn một năm qua, tôi chưa bao giờ từ chối một nhiệm vụ gì, kể cả khi đang giờ nghỉ thì bị gọi vì có ca cấp cứu. Tôi tham gia lễ tân, hát, múa, nấu ăn, khiêng thiết bị, xếp, chuyển đồ bên cạnh việc chính của mình là điều dưỡng. Tôi chọn thái độ nhiệt tình và tích cực vì mỗi công việc đều là sự học tập và trải nghiệm.

Cái lớn nhất tôi thấy mình thay đổi là trong suy nghĩ của tôi không còn nhỏ nhen, ích kỷ như ngày trước. Vì ở đây ai cũng bỏ qua cho nhau nên trước khi làm việc gì, tôi cũng nghĩ xem có ảnh hưởng người khác không. Tôi đang sống với những người khác 24/7, từ lúc thức dậy đến lúc đi ngủ, trong môi trường đó càng không so đo, tính toán thì càng thoải mái hơn.

Cuộc sống ở Nam Sudan không quá khó khăn như tôi đã nghĩ. Trong một năm huấn luyện ở Việt Nam trước khi lên đường, thứ tôi chuẩn bị nhiều nhất là ý chí và tinh thần trải qua mọi gian khổ. Tôi hình dung Nam Sudan là nước rất dễ sợ - nội chiến, xung đột sắc tộc, đói nghèo. Chúng tôi thực hành nhiều lần việc dựng lều và chuẩn bị tinh thần sẽ sống, làm việc trong nhà lều. Tuy nhiên khi sang đây, chỉ hai tháng đầu khám bệnh trong lều, rồi sau đó chuyển về bệnh viện được xây...

Nhiều người, kể cả một số đồng nghiệp ở nhà hỏi tôi sao không ở nhà cho yên ổn, còn lấy chồng sinh con, đi đến đất nước còn mùi thuốc súng, nghèo đói, bệnh tật làm gì. 

Nhưng khi tôi mới nghe về nhiệm vụ gìn giữ hòa bình là đã muốn đi rồi. Tuổi tôi cái gì cũng thấy mới, cái gì cũng muốn học. Tôi nghĩ các bạn trẻ như tôi ai cũng háo hức tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Không phải đi đến những nước phát triển, điều kiện đầy đủ mới là đi và học hỏi. Đi đâu mình cũng có thể học và tôi không hối hận về quyết định của mình.

Được về Việt Nam sau hơn một năm công tác ở Nam Sudan, trong lòng tôi cũng rất lưu luyến. Tuy nhiên, chỉ là lưu luyến thôi, vì chặng đường này đã hoàn thành, những hành trình khác sẽ mở ra. Tôi mong muốn những ngày cuối ở đây là những ngày sống trọn vẹn nhất với anh em, bạn bè. Tôi cũng đã đăng ký tham gia gìn giữ hòa bình lần nữa dù sứ mệnh ở đâu. Tinh thần là nếu được đi thì sẽ vẫn đi, vẫn tận tâm phục vụ.

Căn nhà hai lầu khang trang duy nhất đầy lỗ đạn chúng tôi nhìn thấy trên đường đi trung tâm Bentiu được cho là nhà thủ lĩnh phe đối lập. Những trận đánh dữ dội từng xảy ra ở đây. Xác xe to, xe nhỏ, xe tăng, xe bồn, cây xăng, nhà cửa bị đốt cháy dọc đường...

10 đóa hoa Việt trong nắng châu Phi

Trong số các đơn vị ở căn cứ Bentiu, Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam là một trong các đơn vị có tỉ lệ nữ cao nhất, 10/63 người (tỉ lệ 15,9%) của Phái bộ gìn gìn hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan. Có bạn độc thân, có chị có gia đình riêng và con nhỏ. Họ đã gác lại những dự định của bản thân như việc học chuyên khoa 1.

Và với thời gian sáu năm từ lúc triệu tập đến khi hoàn thành sứ mệnh (năm 2014-2019) theo lộ trình bình thường, họ có thể đã học xong chuyên khoa 2.

Hơn một năm làm việc cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam ở Nam Sudan, 10 chị em vừa yêu thương, bảo bọc nhau vừa hăng hái tham gia mọi hoạt động của bệnh viện...

Căn nhà hai lầu khang trang duy nhất đầy lỗ đạn chúng tôi nhìn thấy trên đường đi trung tâm Bentiu được cho là nhà thủ lĩnh phe đối lập. Những trận đánh dữ dội từng xảy ra ở đây. Xác xe to, xe nhỏ, xe tăng, xe bồn, cây xăng, nhà cửa bị đốt cháy dọc đường...

Kỳ tới: Bên ngoài căn cứ Liên Hiệp Quốc


Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan

TTO - Ba tuần đầu tháng 11, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt ở Nam Sudan để trực tiếp chứng kiến các bác sĩ, chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam tích cực thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên