04/12/2019 12:57 GMT+7

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 4: Ngồi bên nhau uống tách trà

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Mỗi bác sĩ mũ nồi xanh của Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam được 2Gb dung lượng data miễn phí một tháng.

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 4: Ngồi bên nhau uống tách trà - Ảnh 1.

Đại úy, bác sĩ Thu Ngân cắt quả đu đủ đầu tiên ở Nam Sudan - Ảnh: HỒNG VÂN

Tôi cũng cuốn theo nhịp sống điều độ ở bệnh viện, đi bộ thể dục đều đặn sáng, tối. Tôi cũng xuống phòng gym, bóng bàn mà sáng sớm hay chiều muộn đều đông đúc. Người nhiều giảm 17kg, người ít giảm 7kg, có cơ tay, cơ bụng, hoàn toàn khác xưa. Mọi người hài lòng hơn với cơ thể khỏe mạnh của mình.

Mỗi Gb mua thêm giá 19 USD, bằng tiền gói cước data ào ạt ở nước nhà. Mọi người dành dung lượng này để liên lạc gia đình và cập nhật tin tức...

Ốc đảo xanh của đội Việt Nam

Ba tuần ở Nam Sudan là thời gian khó quên với tôi vì được sống chậm lại. Tôi chỉ mua 1 Gb Internet và chờ mãi mới gửi được bản tin về nhà. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn hài lòng khi được tham gia những cuộc trò chuyện thân tình bên vườn cây, trong bữa cơm, hay bên ấm trà dưới bầu trời sao khi chúng tôi vừa nói chuyện vừa phải rung chân và hun vỏ cam để đuổi muỗi.

Sau 17h, ca làm việc chính trong ngày kết thúc, trừ những người có ca trực, cán bộ bệnh viện trở về không gian sinh hoạt của mình cách bệnh viện chừng hai phút đi bộ. Với thiếu tá Nguyễn Thành Công, phó giám đốc chuyên môn bệnh viện, làm gì thì làm nhưng mỗi sáng và mỗi chiều anh đều tưới khu vườn trước phòng mình. Mảnh đất nhỏ chừng hơn 2m2 có cả một cây chùm ngây đã vươn cao, gốc mướp, giàn mồng tơi, nhiều loại hoa và cả rau quế.

Không chỉ anh Công, nhiều cán bộ cũng trồng hoa, trồng rau và coi đây là niềm vui hằng ngày. Trước phòng V11 có một cây ớt trái dáng tròn nhưng vẹo vọ, rất lạ so với trái ớt thuôn, nhọn ở Việt Nam. Không cần phân công, bốn thành viên nữ trong phòng thường xuyên tưới cây, tỉa lá mà không biết chán.

Điện thoại nhiều người còn lưu giữ hình ảnh cây mình trồng lớn lên hằng ngày, hằng tuần. Với giàn mướp, ban đầu họ còn đếm trái, về sau lượng mướp lên đến hàng chục, hàng trăm trái, không ai còn đếm nổi nữa.

Đặc biệt, giữa hai phòng V12 và V11 có một cây đu đủ rất sum suê do đại úy, bác sĩ của khoa khám bệnh Nguyễn Thị Thu Ngân mang hạt giống sang trồng. Đây là cây đu đủ gần con người nhất, sinh trưởng tốt nhất và chi chít trái. Ngân tâm sự: "Ý định của tôi là trái đu đủ chín đầu tiên sẽ dành thắp hương trên bàn thờ Tổ quốc ở bệnh viện. Trái thứ hai tôi muốn tặng bà Hiroko Hatara, chỉ huy căn cứ Bentiu. Bà rất vui tính và tốt bụng. Tôi đã nhờ đoàn cán bộ mới chăm cây sau khi rời Bentiu".

Màu xanh của hoa và rau trái khiến cái nắng ban ngày ở châu Phi bớt khủng khiếp. Nắng ban mai từ 8h-10h còn dễ chịu. Nhưng từ 10h-16h, nắng chói chang như muốn nổ tròng mắt. Và cũng chính cái nắng, cái nóng châu Phi này đã khiến mọi người càng quyết tâm chăm sóc từng mầm xanh. Dần dần giàn mướp, vườn hoa làm cho không gian Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam mát mắt hơn, giống một ốc đảo xanh giữa vùng đất trống trải, nóng bỏng, chỉ toàn nhà cửa, hạ tầng quân sự và những đám lau sậy phất phơ ven hào nước.

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 4: Ngồi bên nhau uống tách trà - Ảnh 3.

Chơi bóng bàn sau giờ làm trong khuôn viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam tại Bentiu, Nam Sudan - Ảnh: HỒNG VÂN

Bên nhau cho khuây nỗi nhớ nhà

Buổi chiều mát, sau khi tưới cây, anh em cán bộ bệnh viện ngồi uống trà, chơi cờ tướng, nói chuyện gia đình. Sau 21h họ vào phòng để tránh muỗi nhưng vẫn uống trà, nói chuyện hay chơi cờ đến khuya.

Biết tôi mới sang, ngủ say như cục đá ai cũng mừng, vì có một số đáng kinh ngạc là cán bộ bệnh viện thức giấc từ 1-2h sáng và không thể nào ngủ lại dù đã sống một năm ở Bentiu. Đêm khuya là lúc nỗi nhớ trong lòng khắc khoải nhất. Lúc này ở Việt Nam là 5-6h sáng, con cái chuẩn bị đến trường, người thân chuẩn bị bữa sáng, đưa con đi học, đi làm. Cảnh đầm ấm đó như chạm tay là với tới nhưng chỉ chập chờn trong nỗi nhớ khi đêm về.

Ngày và đêm ở Bentiu xa quê hương như dài thêm gấp đôi. Mỗi người đều phải nghĩ ra nhiều hoạt động để lấp đầy khoảng thời gian trống và tạo niềm vui cho mình. Với thiếu úy Sa Minh Ngọc, chị tìm niềm vui trong phác họa và vẽ tranh màu nước. Đại úy, điều dưỡng khoa khám bệnh Vũ Anh Tuấn thư giãn với cây đàn guitar và organ. Anh đánh những bài mình thích, đệm cho anh em trong đơn vị hát...

Khi lên đường năm 2018, ai cũng lo chuyện chuyên môn, nhưng sang đến nơi họ nhận ra căn cứ có nhiều hoạt động như ngày UN (UN Day), mừng năm mới, thi nấu ăn, thi đấu thể thao, giới thiệu nhạc truyền thống... cần phát huy tài lẻ múa, hát, nấu ăn, chơi thể thao. Và những niềm vui lành mạnh đó giúp giảm bớt nỗi nhớ quê nhà.

14 tháng sống ở Bentiu, Nam Sudan, cánh chị em chỉ để kiểu tóc suôn, dài vì ở đây không có tiệm cắt tóc, càng không có salon, spa làm đẹp. Với nam giới, họ thường phải cắt tóc mỗi hai tháng một lần. Đơn vị có 3-4 người thường xuyên cắt tóc cho anh em.

Đại úy chuyên nghiệp Ngô Văn Thành là kỹ thuật viên điện lạnh, phụ trách bảo trì, sửa chữa các loại máy lạnh (container thực phẩm, tủ trữ thuốc, trữ máu, súng...). Nhưng anh cũng là người chơi bóng bàn giỏi nhất bệnh viện, từng đoạt giải nhì đơn nam, giải nhất đôi nam nữ trong giải bóng bàn giao lưu giữa các đơn vị tại căn cứ Bentiu.

Trước khi sang Nam Sudan, lãnh đạo Bệnh viện 175 đề nghị anh học thêm về cắt tóc. Anh Thành dành vài ngày quan sát người thợ cắt tóc quen và mua riêng một bộ dụng cụ. Sang Bentiu, anh cắt cho anh em và được công nhận là người cắt tóc đẹp nhất bệnh viện.

Vào cuối tháng 11, trước lúc trở về Việt Nam, Liên Hiệp Quốc trao huy chương cho 63 cán bộ, chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam, nhiều người muốn tóc tai gọn gàng nên hầu như chiều nào Thành cũng bận rộn với những lời đề nghị cắt tóc.

Anh tâm sự: "Lần đầu cầm kéo thật sự cũng lo, cứ sợ cắt hỏng tóc của người ta. Thực sự đấy. Nhưng tôi cũng thấy vui vì anh em tin tưởng cho mình thực hành. Dần dần rồi cũng quen. Mình cắt không được kiểu cách nhưng gọn gàng, phẳng phiu theo quy định trong quân đội. Nhìn chung anh em cũng hài lòng và nhu cầu của mọi người cũng chỉ cần gọn gàng".

Học thêm tiếng Anh

Trẻ nhất bệnh viện là những thành viên sinh những năm 1990. Cùng trải qua chuyến công tác quốc tế khó quên của thời thanh xuân là lý do đưa các bạn trẻ gồm trung úy Nguyễn Thế Anh (1994), Bùi Thị Hoài Thu (1993), Trần Văn An (1990), Phạm Phú Hải (1995) và Huỳnh Cẩm Thư (1993) trở thành những người bạn thân.

Một người phụ nhà bếp là tất cả cùng xuống bếp. Họ rủ nhau chơi thể thao và rèn luyện tiếng Anh khi rảnh rỗi, vừa để giao tiếp tốt hơn với bệnh nhân vừa để phục vụ ước mơ xa sau này là học lên cao.

Các ngày trong tuần, nhóm bạn năm người dưới sự hỗ trợ của Phú Hải, người nói tiếng Anh tốt nhất trong nhóm tập trung giải đề IELTS. Bình thường họ rất nhí nhố, nhưng khi cần nghiêm túc họ cũng có thể dành tối đa sự tập trung.

Chính ở Nam Sudan, các bạn trẻ biết sử dụng thời gian "chất" hơn, chủ động nghĩ ra nhiều việc để làm ngoài chuyên môn như thể dục, giao lưu với các đơn vị bạn, đọc sách, nấu ăn và tự học để biến những ngày dài thành thời gian ý nghĩa...

Mỗi khi có khách, nhà bếp họp với các khoa để thêm người hỗ trợ. Bữa cơm 5-6 món, luôn có món Việt như gỏi, chả giò, gà luộc, xôi đậu và cả chè bà ba với hầu hết nguyên liệu từ VN.

___________________________

Kỳ tới: Món Việt ở Nam Sudan

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan

TTO - Nhiệm vụ Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam là khám cho khoảng 4.000 quân nhân và chuyên gia phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.


HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên