02/12/2019 11:04 GMT+7

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 2: Đội cấp cứu đường không

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Một buổi sáng, bệnh nhân nam Ấn Độ, 34 tuổi, được chuyển lên tuyến trên - Bệnh viện dã chiến cấp 3 ở Uganda.

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 2: Đội cấp cứu đường không - Ảnh 1.

Chuyển bệnh nhân lên xe cấp cứu chở ra sân bay - Ảnh: HỒNG VÂN

Hai y bác sĩ Việt tận tình tháp tùng bệnh nhân suốt gần 6 giờ bay từ Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam ở Bentiu bằng trực thăng MI8 lên thủ đô Juba, rồi tiếp tục di chuyển bằng máy bay ATR sang Uganda...

Một ca suy tim

Trong sáng chuyển viện, bảy quân nhân, bác sĩ đồng đội của bệnh nhân có mặt ở Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam từ sớm. Họ lo lắng hỏi thăm và liên tục nhìn về phía giường đồng hương đang nằm thở máy khó nhọc.

Hạ sĩ Ravindra Singh cho tôi biết mình là y tá Bệnh viện dã chiến cấp 1 của đơn vị công binh Ấn Độ và rất lo lắng cho bệnh nhân đồng hương. Trước đó, người này còn làm việc bình thường, chạy bộ khoảng 5km mỗi ngày. 

Hai tuần gần đây, anh thường xuyên cảm thấy khó thở khi chạy hoặc gắng sức. Bệnh nhân khám ở Bệnh viện dã chiến cấp 1 của đơn vị mình và được chuyển lên Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam ngày 4-11.

Thiếu tá, bác sĩ Hồ Ngọc Phát, người trực tiếp khám cho bệnh nhân, cho biết: "Khi nhập viện, mạch bệnh nhân nhanh, phân áp oxy thấp (có thể hiểu là thiếu oxy trong máu) rất dễ dẫn đến suy tim". Bước đầu, bệnh nhân được các bác sĩ Việt tận tình chăm sóc ổn định tình trạng. Sau khi xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm tim, đo điện tim..., hai vấn đề sức khỏe lớn của bệnh nhân là giảm oxy máu có khí máu động mạch và tình trạng mạch nhanh đặc biệt. Nhận định trường hợp bệnh nặng, cần các xét nghiệm chuyên sâu và điều trị bằng thuốc cao cấp, bệnh viện quyết định chuyển lên tuyến trên tại Bệnh viện dã chiến cấp 3 ở Uganda, nơi có thiết bị tốt hơn. Sáng 6-11, trước giờ dự kiến chuyển bệnh lúc 8h, bệnh nhân ngồi dậy và gặp một cơn khó thở cấp.

Trong phòng chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân được thở oxy trong khi các y tá, điều dưỡng kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân: nhịp tim, huyết áp, phân áp oxy... đồng thời truyền thuốc an thần, thuốc chống loạn nhịp (tim) để bệnh nhân ổn định sức khỏe.

Chỉ huy, đồng đội bệnh nhân đứng trong, đứng ngoài phòng bệnh. Còn bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 1 Ấn Độ tranh thủ hỏi thăm về tình hình với đồng nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, đội cấp cứu vận chuyển đường không (AMET) gồm thượng úy, bác sĩ Nguyễn Quang Tường và trung úy, y sĩ Hoàng Văn Chinh chu đáo chuẩn bị các thiết bị phục vụ chuyển bệnh gồm máy theo dõi (monitor), máy thở, bình oxy, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, máy hút đàm... để mang theo trong hành trình nhiều giờ bay cùng bệnh nhân.

Tôi đứng nhìn xe cấp cứu chở bệnh nhân rời đi và tốp quân nhân Ấn Độ đi bộ trở về đơn vị mà ngậm ngùi. Mới hôm qua, bệnh nhân vẫn nói chuyện, cho phép tôi chụp hình. Sáng nay, anh ấy còn cười khi tôi hỏi thăm...

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 2: Đội cấp cứu đường không - Ảnh 2.

Trực thăng chuẩn bị chở bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên - Ảnh: NGUYỄN VĂN TÁM

Chuyển bệnh nhân bằng máy bay

Những ngày có mặt trực tiếp ở Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam, tôi được biết nếu chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện dã chiến 2+ ở thủ đô Juba, thời gian bay 3 tiếng với trực thăng hoặc 1,5 tiếng với máy bay ATR. 

Nếu phải sang Bệnh viện dã chiến cấp 3 ở các nước lân cận, sẽ có thêm một lần kiểm tra sức khỏe và chuyển máy bay, thời gian bay cũng dài hơn. Theo đó, lượng thuốc cấp cứu, oxy và các phương tiện mang theo phải phù hợp để không phải mang vác quá nhiều, quá nặng, nhưng vẫn đầy đủ như một phòng khám thu nhỏ và cụ thể theo tình hình bệnh tật của bệnh nhân.

Trực tiếp chuyển bệnh nhân Ấn Độ đến Uganda, bác sĩ Tường chia sẻ: "Chúng tôi giống như bê một quả trứng suốt gần 6 tiếng. Lúc nào cũng chú ý đến bệnh nhân, không rời một phút". Y sĩ Chinh nói thêm: "Chúng tôi thậm chí không ngồi trên ghế mà thường xuyên đứng cạnh bệnh nhân, chú ý và kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn. Khi bàn giao bệnh nhân an toàn, tôi mới thực sự nhẹ người".

Cấp cứu đường không là quyết định tốt nhất cho bệnh nhân nhưng cũng có những thách thức trong hành trình vận chuyển. Khó khăn của y bác sĩ là không gian máy bay chật chội, tiếng ồn lớn và áp lực cao vì bệnh nhân thường nặng và họ không có sự hỗ trợ của bất cứ ai khác. Về phía bệnh nhân, khi bay lên cao, nồng độ oxy không khí giảm, họ dễ mệt, khó thở hơn, nhất là những người bị giảm oxy máu.

Ở trên không, y bác sĩ phải cố định chặt bệnh nhân cũng như các thiết bị khác để giảm thiểu các tai nạn ngoài ý muốn do đổvỡ các vật dụng mang theo khi máy bay gặp vùng thời tiết xấu. Bình oxy có thể nặng đến 40kg lại dễ gây cháy nổ nên phải cố định chặt. Chai thủy tinh, dịch truyền dễ rơi vỡ, kim tiêm phải bỏ vào hộp cố định đậy chặt nắp để tránh gây thương tích cho bệnh nhân và y bác sĩ.

Thành công của một ca chuyển bệnh đường không, theo các y bác sĩ đội AMET, là được quyết định từ khâu chuẩn bị. Những gì có thể làm cho bệnh nhân, êkip đã thực hiện đầy đủ trước khi lên đường vì mọi thủ thuật trên không đều khó khăn hơn gấp bội so với thao tác ở buồng bệnh. 

Để thiết lập một đường truyền ở buồng bệnh, nói vui là các điều dưỡng nhắm mắt cũng làm được, nhưng ở trên không thì không hề dễ dàng do rung lắc của máy bay. Nếu không cố định chặt, kim truyền có thể bung ra.

Hỗ trợ đội bác sĩ AMET không thể thiếu người lái xe cấp cứu. Trung úy Đàm Chánh Hưng và trung úy Nguyễn Văn Tám là hai người thường xuyên chở bệnh nhân ra sân bay. 

Chặng đường gần 4km ra sân bay có khoảng 1km là đường nhựa, còn lại là đường đất đỏ ngập bụi mà mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì ổ gà và những lằn bánh xe lồi lõm, sâu hoắm. 

Trung úy Tám tâm sự với tôi: "Đường ở đây rất nhiều ổ voi ổ gà. Xe chạy cứ tưng tưng, bật lên bật xuống, bác sĩ rất xót ruột cho bệnh nhân. Tôi lái chỉ 5km/h nhưng bác sĩ vẫn hỏi có thể chậm hơn nữa được không".

Khi đến sân bay, người lái xe tiếp tục hỗ trợ khiêng cáng đưa bệnh nhân vào khoang máy bay. Do cửa vào máy bay hẹp, lối đi trong máy bay cũng hẹp, hai người khiêng phía trước, một người khiêng phía sau phải cắn răng, cố sức nâng cáng có bệnh nhân cùng máy monitor lên quá đầu. 

Đa số bệnh nhân là nam giới, có người trên 80kg. Dù nặng, người khiêng cáng vẫn phải cố gắng để di chuyển bệnh nhân thật nhẹ nhàng và an toàn.

Trước mắt tôi, các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã có một ngày rất vất vả, nhưng mọi người đều nở nụ cười thật tươi khi đã cố gắng hết mình và hoàn thành trách nhiệm một cách tốt nhất...

Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam tại Bentiu, Nam Sudan đã tiếp nhận và chuyển cấp cứu đường không thành công 8 ca bệnh nặng như viêm tụy cấp, suy thận cấp... lên tuyến trên sau hơn một năm hoạt động. Khi tiếp nhận Bệnh viện dã chiến cấp 2 từ Anh, họ được các chuyên gia Anh, Úc tập huấn thêm về cấp cứu đường không.

Ngoài chuyên môn, các y bác sĩ Việt còn phải tập luyện sức khỏe, sức bền để khiêng cáng, di chuyển người bệnh mà phần nhiều là người nước ngoài to cao hơn chính họ. Chi phí một chuyến bay cấp cứu khoảng 15.400 USD hoặc hơn. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc xem trọng tính mạng con người và làm tất cả để bệnh nhân được điều trị tốt nhất khi cần.

14h30, Bệnh viện dã chiến cấp 1 của đơn vị Ấn Độ chuyển đến hạ sĩ Salunke Ramesh bị thương tay. Người ta đã phải cưa chiếc nhẫn đeo ở ngón áp út bị đè móp méo trước khi chuyển đến Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam.

Kỳ tới: 24 giờ ở bệnh viện dã chiến

Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan

TTO - Ba tuần đầu tháng 11, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt ở Nam Sudan để trực tiếp chứng kiến các bác sĩ, chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam tích cực thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên