Người dân đã nở nụ cười hạnh phúc - Ảnh: TRẦN MAI
Ngày 19-12-2018, ông Huỳnh Thanh Long (xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) gõ cửa phòng ông Phan Bình, bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành.
Bức thư cảm ơn là tấm lòng của dân! Chúng tôi thấy mình được chính quyền lắng nghe, được giải quyết.
Ông Huỳnh Thanh Long
Cái bắt tay hòa giải
Ông Bình mở cửa, bắt tay chào ông Long: "Có chuyện gì chưa hài lòng sao anh?". "Hôm nay, tôi đại diện bà con có thư cảm ơn chính quyền đã lắng nghe và giải quyết khiếu kiện đất đai ở xã Hành Dũng" - ông Long cười rổn rảng. Dưới sảnh, người dân cũng đang nói cười.
6 năm qua, hai người đàn ông này từng đối diện nhiều lần mà hầu hết đều rất "căng thẳng". Nghiêm trọng đến mức người dân kéo thẳng về UBND tỉnh Quảng Ngãi khiếu kiện cả chục lần. Tháng 10-2015, họ lại ra tận Ban Tiếp dân trung ương khiếu kiện vì không tin chính quyền địa phương...
Sự thật thế nào? Ngược về phía núi, chúng tôi đi tìm những người dân viết thư cảm ơn chính quyền. Nhà ông Long, nơi phải đến đầu tiên, vì là "thủ lĩnh" vụ khiếu kiện này. Nhưng thư cảm ơn, ông cũng là người ký đầu tiên. Uy tín ông thấy rõ, chỉ cần nhấc máy gọi, lập tức người dân đến nhà.
Sân nhà ông Long từng diễn ra nhiều cuộc họp bàn cách khiếu kiện vô cùng căng thẳng, giờ ngập nụ cười. Bà Huỳnh Thị Hường (48 tuổi) mặc áo lấm bùn đất từ ruộng, thanh thản tâm sự: "Tôi đồng tình ký vào thư cảm ơn, bởi tâm phục cách giải quyết của chính quyền dù đang còn chờ giải quyết một phần đất nữa".
Từng người đến, hòa cùng câu chuyện. 80% diện tích đất về đúng chủ đã đủ cho niềm tin. Những khuôn mặt căng thẳng ngày nào giờ hiền lành, chân chất. "Nói thật, chúng tôi mong được giải quyết rồi về cày cuốc nuôi con. Chẳng ai muốn bỏ việc để khổ sở đi khiếu kiện" - ông Lê Thanh Bảo góp chuyện.
Ông Long báo tin vui đất đai được trả lại - Ảnh: TRẦN MAI
Sự mập mờ dẫn đến khiếu kiện
Ngược dòng thời gian, cớ sự xảy ra khiếu kiện phức tạp kéo dài bắt đầu từ năm 2000. Chủ trương cấp cây keo giống trồng rừng, UBND xã Hành Dũng mời người dân có đất rừng lên họp. Thông tin mập mờ việc rằng ai khai hoang đủ diện tích 1ha liền kề mới được cấp cây giống và sổ đỏ.
Chữ nghĩa ít, chẳng ai thấy mình đủ tiêu chí. Họ trở về nhà tự canh tác trên phần đất của mình, bỗng có người đến phát dọn trồng keo. Người dân hỏi, thêm một lần nữa chính quyền xã Hành Dũng mập mờ. Đến năm 2008, khi những người trồng keo khai thác lứa đầu tiên, người dân khai hoang đòi lại đất dọn rẫy trồng keo. Chẳng có khiếu kiện nào.
Nhưng xung đột ào đến vào năm 2012. Thời điểm đến kỳ thu hoạch, người dân mới tá hỏa biết đất được cấp sổ đỏ cho người khác. Người có sổ đỏ chặn đường không cho khai thác. Uất ức bùng thành khiếu kiện vượt cấp bắt đầu từ cuối năm 2012.
"Bức xúc nhất là nhiều cán bộ được cấp sổ đỏ với diện tích lớn. Còn những người khai hoang ngày xưa chẳng có lấy tấc đất cắm dùi. Chúng tôi thấy cán bộ hưởng lương từ tiền thuế của dân nhưng không làm tròn bổn phận" - ông Long nói.
Mất đất thì phải đòi, người dân bắt đầu tìm hiểu luật pháp, dựa vào luật để đòi lẽ phải. Cuộc khiếu kiện kéo dài biến những thường dân thành "luật sư". Họ khiếu kiện với quy tắc tôn trọng pháp luật, không nghe người lạ xúi giục, không manh động, gây rối...
Bàn cúng đất và lá thư cảm ơn
Năm 2016, sau thời gian kiểm tra cẩn thận, ông Trần Ngọc Căng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ký công văn thu hồi đất rừng được cấp sổ đỏ cho cán bộ xã Hành Dũng. 7 lãnh đạo và cán bộ xã bị kỷ luật, chuyển công tác. Tiếp đến là xác minh và trả đất cho dân. Sự nghiêm minh này đã gây xúc động và khôi phục lại niềm tin cho người dân.
Ngày 13-11-2018, người dân tổ chức trang trọng một bàn cúng theo phong tục địa phương. Ngoài lời cảm tạ trời đất, người dân còn cảm ơn chính quyền. Và một bức thư được gửi đi.
Thư có đoạn: "Qua 5 năm yêu cầu quyền lợi cấp đất rừng sản xuất của quần chúng nhân dân xã Hành Dũng, đến nay đã được Đảng - chính quyền các cấp sáng suốt quan tâm giải quyết quyền lợi chính đáng cho nhân dân. Đến nay đã được 80%, vậy nhân dân chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn Tỉnh ủy và lãnh đạo các cấp.
Còn tồn đọng 20%, rất mong các cấp lãnh đạo quan tâm giải quyết để nhân dân chúng tôi an tâm sản xuất ổn định, góp phần xây dựng quê hương nông thôn mới".
Ông Trần Ngọc Căng xúc động kể lại: "Chúng tôi không giải quyết chung chung, phải đến tận hiện trường, lắng nghe người dân, trích lục toàn bộ văn bản cũ và giải quyết từng trường hợp cụ thể. Người dân nào chứng minh đủ cơ sở thì hoàn trả đất. Như trường hợp ông Nguyễn Văn Giáp, khi xuống thực địa, xác nhận đúng phần đất của ông bị cấp sai cho người khác phải lập tức trả lại".
Trực tiếp giải quyết vụ kiện phức tạp, ông Căng xúc động nhất khi được dân mời về làng dự lễ cúng liên hoan. Nhận được bức thư cảm ơn do tập thể người dân tận tay trao là niềm vui lớn đối với chính quyền...
Lá thư cảm ơn của người dân Hành Dũng - Ảnh: TRẦN MAI
Bà Phạm Thị Thu Trang, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Vụ kiện đất đai ở Hành Dũng kéo dài, phức tạp, nhiều vấn đề cần giải quyết. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã hai lần tiếp dân. Sau khi lắng nghe ý kiến, đoàn có văn bản đề nghị và được chính quyền các cấp xử lý kịp thời. Nhờ vậy, 80% bức xúc của dân đã được giải quyết. Những hộ còn lại, đề nghị chính quyền tiếp tục giải quyết trên tinh thần thẳng thắn. Những tranh chấp dân sự hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa xử lý.
Lá thư cảm ơn đã thể hiện sự cố gắng của chính quyền. Đây là điều đáng mừng.
Diễn biến vụ kiện phức tạp
* Trước năm 2000: người dân tự khai hoang đất rừng ở xã Hành Dũng trồng chuối, mì...
* Khoảng năm 2000: chính quyền xã Hành Dũng cấp giống keo trồng rừng và thông báo ai có 1ha rừng liền kề thì đăng ký sổ đỏ và nhận keo giống. Người dân không đủ diện tích bỏ về, tiếp tục canh tác.
* Năm 2003: một số người và cán bộ địa phương bất ngờ phát dọn trồng keo. Người dân hỏi, chính quyền xã Hành Dũng trả lời mập mờ.
* Năm 2008: khai thác lứa keo đầu tiên, người dân trước đây khai hoang đòi lại đất trồng keo. Không có tranh chấp nào xảy ra.
* Năm 2012: người dân chuẩn bị khai thác keo thì bị ngăn chặn và mới biết đất đã được cấp sổ đỏ cho người khác.
* Từ đầu năm 2013 đến 2017: người dân nhiều lần kéo đến UBND huyện Nghĩa Hành, UBND tỉnh Quảng Ngãi để khiếu kiện. Năm 2015, họ ra tận Ban Tiếp dân trung ương. Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ngãi 2 lần tiếp dân, cùng nhiều cuộc tiếp dân của các cấp chính quyền.
* Năm 2016: UBND tỉnh Quảng Ngãi thu hồi đất rừng của cán bộ và người được cấp sai để hoàn trả đất cho dân.
* Cuối năm 2018: 80% vụ việc cơ bản được giải quyết xong, người dân viết thư cảm ơn chính quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận