Kỳ quặc hơn, tang vật trong vụ án không hề bị tịch thu, hàng chục siêu xe nhập lậu được phép lưu thông trên mọi miền đất nước.
Ngày 9-6-2009, Bộ Tài chính ban hành thông tư số 118 cho phép người VN định cư ở nước ngoài khi hồi hương được phép nhập một ôtô cá nhân về VN. Lợi dụng chủ trương trên, từ tháng 1-2011 đến tháng 12-2012, một số cá nhân đã nhập lậu 54 siêu xe vào VN.
Tổng trị giá của 54 chiếc xe đắt tiền nói trên hơn 5,17 triệu USD. Tổng số tiền thuế thất thu trên 218,8 tỉ đồng.
Đầu năm 2014, Công an TP.HCM đã khởi tố bốn người là: Nguyễn Quang Vinh, Trần Phước Thạnh, Trần Thái Nguyên và Nguyễn Giang Lam đều về tội “buôn lậu” nhưng chỉ truy tìm và kê biên được 38/54 xe nhập lậu.
TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Quang Vinh và Nguyễn Giang Lam mỗi người 16 năm tù, Trần Phước Thạnh 12 năm tù và Trần Thái Nguyên 9 năm tù đều về tội “buôn lậu”. Tuy nhiên, TAND TP.HCM đã cho phép 38 xe là tang vật được lưu thông như xe được nhập khẩu hợp pháp.
Từ xưa đến nay chưa thấy có vụ án nào mà tang vật được xác định là “buôn lậu” lại được... trả về cho người mua. Dù có “ngay tình” thì hàng buôn lậu cũng phải bị tịch thu mới đúng quy định của luật pháp.
Việc hội đồng xét xử trong vụ án trên giao tang vật buôn lậu cho chủ sở hữu là trái quy định của luật pháp. Trong lúc đó, tòa tuyên phạt bốn bị cáo về tội “buôn lậu”, nhưng lại “thả” cho tang vật hàng lậu là những chiếc siêu xe tự do lưu thông, lưu hành là không ổn, là không đúng quy định của luật pháp.
Tuy nhiên, cần phải xác định đây có phải là vụ án buôn lậu hay không? Nếu là “buôn lậu” thì chính phạm trong đường dây buôn lậu này là ai? Cũng phải làm rõ ai là người mua xe và ai là người bán xe lậu?
Thực tế trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Giang Lam chỉ là người cung cấp thông tin những người VN hồi hương, còn Nguyễn Quang Vinh, Trần Phước Thạnh, Trần Thái Nguyên chỉ là những người làm dịch vụ nhập xe.
Trong khi đó, thủ tục nhập cũng được Cục Hải quan TP.HCM xác nhận là đúng đối tượng, đúng trình tự và đúng pháp luật.
Lúc đầu Công an TP.HCM cũng đã khởi tố và ra lệnh bắt bị can để tạm giam một chủ salon về tội “buôn lậu” nhưng Viện KSND TP.HCM lại cho rằng chỉ có lời khai của Nguyễn Quang Vinh nên không có chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của chủ salon ôtô, vì thế quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với chủ salon.
Rõ ràng trong vụ án này có nhiều điểm cho thấy có sự mâu thuẫn giữa các cơ quan tố tụng trong việc định tội bị can. Ngoài ra, một số cán bộ công an cửa khẩu cũng có hành vi tiếp tay cho các chủ salon ôtô nhập xe “tiêu chuẩn” của Việt kiều hồi hương nhưng lại không bị khởi tố, làm cho dư luận đặt ra nhiều nghi vấn.
Một vụ án với quá nhiều điều kỳ quặc nêu trên thiết nghĩ khi xét xử phúc thẩm, hội đồng xét xử sẽ làm rõ những khuất tất và có những quyết định xác đáng để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Một vụ án với quá nhiều điều kỳ quặc nêu trên, thiết nghĩ khi xét xử phúc thẩm hội đồng xét xử sẽ làm rõ những khuất tất và có những quyết định xác đáng để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận