TTCT - Chọn những bức tượng Phật để mong mang an yên, may mắn cho ngôi nhà ấm cúng ở quận 2 (TP.HCM), bà Amanda Rasmussen - chủ tịch Amcham Việt Nam - nói gia đình mình xem Việt Nam như ngôi nhà thứ hai. Bởi đất nước này đã chứng kiến hành trình trưởng thành của một cô gái Mỹ trẻ ham học hỏi đến một nữ doanh nhân, nhà lãnh đạo truyền cảm hứng của ngày hôm nay. Bà Amanda Rasmussen Ảnh: Quang Định Trong hơn 15 năm gắn bó đó, Amanda Rasmussen nói rằng bà nhìn thấy trọn vẹn sự thay đổi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, và tin rằng đây vẫn sẽ là mảnh đất đem lại sự phát triển tốt nhất cho các nhà đầu tư. “Việt Nam đã đối xử với tôi rất tốt” “Năm 2003, từ Singapore, tôi có quyết định lớn là sẽ sang Việt Nam sống và làm việc. Lúc đó, tôi là cô gái trẻ, chỉ vừa lập gia đình được khoảng 6 tháng. Việt Nam hồi ấy chưa tấp nập như bây giờ, những thành phố lớn như Sài Gòn hay Hà Nội chỉ có xe máy và xe đạp, rất hiếm xe hơi. Xe hơi ít ỏi đến mức nếu thấy một chiếc xe nào chạy trên đường, người ta sẽ băn khoăn ngay không biết chiếc đấy của ai - bà Amanda chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần - Sài Gòn bây giờ đã rất khác, mọi thứ phát triển nhanh hơn cả một cái chớp mắt, không chỉ xe hơi nhiều hơn, quán xá đông đúc hơn, nhiều tòa nhà cao tầng, văn phòng đẹp đẽ, nhà hàng, quán bar... mà lối sống cũng thay đổi, mọi người đón nhận các yếu tố tiện lợi, tiện nghi để phù hợp cuộc sống bận rộn của họ”. “Tôi vẫn nhớ cảm giác được chào đón thân thiện, nồng hậu bởi đồng nghiệp, những người bạn lúc đó, cả những người hàng xóm hay bất cứ người địa phương mà tôi vô tình gặp những ngày đầu chân ướt chân ráo bắt đầu cuộc sống mới ở đây. Đến nay con trai tôi đã 15 tuổi, có thể nói cháu sinh ra và lớn lên ở đây nên gắn bó hoàn toàn với Việt Nam” - bà kể. "Việt Nam đã có những thay đổi không thể tin được trong cách xây dựng, ban hành chính sách, các rào cản dần được gỡ bỏ. Rất nhiều thay đổi đã diễn ra theo hướng minh bạch, dễ hiểu hơn trong hơn 15 năm qua. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đều nói họ muốn gắn bó ở đây để tiếp tục thấy những sự thay đổi tích cực đó. Trong quan hệ giao thương với Mỹ, chúng ta nhìn thấy tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước đã lên hơn 68 tỉ USD trong năm 2019, mức tăng trưởng hai con số qua mỗi năm. Những tăng trưởng đó có được khi các cải cách của Chính phủ thành công. Và chúng ta thấy Chính phủ Mỹ và Việt Nam đều đang tích cực thúc đẩy quan hệ thương mại này sôi động hơn". Trong những ngày bắt đầu cuộc sống mới ấy, điều gì đã làm bà ấn tượng đến tận bây giờ? - Câu hỏi này gợi cho tôi thật nhiều thứ. Có một thứ rất nhỏ nhưng làm tôi nhớ mãi, là cách uống cà phê của người Sài Gòn. Tôi nhớ hồi đó mọi người vẫn quen cà phê quán cóc, vỉa hè, ít ai nghĩ đến cà phê có thể “take away”; họ có một khái niệm: đã cà phê là phải ngồi nhâm nhi ở quán. Đó là một thói quen rất khác với văn hóa phương Tây, nơi mọi người vẫn thường mua cà phê, vừa đi vừa uống hay làm việc. Tôi đã rất ấn tượng về văn hóa “kỳ lạ” này và phát hiện rằng trong một Sài Gòn vô cùng bận rộn vẫn luôn có những không gian bình yên lạ thường, đó là lúc mọi người ngồi uống cà phê với nhau, làm quen, trò chuyện rôm rả. Tôi đã làm quen với những người bạn mới, hàng xóm mới bằng những buổi cà phê như thế. Quận 2, khu vực nhà tôi lúc đó, còn giống như một làng quê thu nhỏ. Tôi cũng nhớ lần đầu tiên được gọi là “chị gái” từ những người đồng nghiệp. “Anh trai, chị gái”, đó là văn hóa gia đình rất ấm áp mà tôi tin là khó tìm được ở đâu ngoại trừ Việt Nam. Khi những người trong một doanh nghiệp gọi nhau thân tình như vậy thì nơi ấy đã trở thành một gia đình rồi. Rồi cả cách người Việt yêu trẻ con cũng rất đặc biệt và đáng tin cậy, tình yêu gia đình trong mỗi người Việt cũng rất riêng. Việt Nam trong mắt bà từ khi là một cô gái trẻ cho đến bây giờ là một lãnh đạo nữ thành công đã thay đổi như thế nào? - Tôi đã trải qua ở đây những giai đoạn khác nhau, những năm 20 tuổi, 30 tuổi và hiện nay là hơn 40 tuổi ở Việt Nam, đều gắn với những thay đổi lớn của cuộc đời. Tôi may mắn tìm thấy những cơ hội làm việc một cách chuyên nghiệp, trưởng thành và cống hiến ở đây, từ những công ty đầu tiên cho đến vị trí ngày hôm nay là giám đốc một công ty lớn trong lĩnh vực logistics. Tôi có cơ hội trải nghiệm, trưởng thành và xây dựng tinh thần lãnh đạo ở đây. Ở Việt Nam, phụ nữ cũng gặp những thách thức như ở bất cứ nơi đâu, nhưng ở Amcham tôi có thể làm việc bình đẳng như những nam giới khác. Điều đó rất quan trọng và tôi tận dụng những giá trị này. Điều quan trọng là chúng ta có cơ hội được thử sức, học tập và trưởng thành và được tin tưởng giao phó. Một Việt Nam rất khác: đầy ứng biến "Chắc chắn trong 17 năm ở đây, Việt Nam đã thay đổi tôi. “Sẵn sàng chia sẻ” là một điều gì đó rất đặc biệt, rất riêng diễn ra bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam này." 17 năm ở Việt Nam, hẳn có những lúc bà cũng phải đối mặt với những quyết định khó khăn về một chính sách liên quan công việc hay một biến động thời cuộc nào đó? - Có chứ, đó là những năm 2008 - 2009, tôi điều hành một doanh nghiệp riêng và không tránh khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới lúc ấy. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị phá sản, hoạt động đình trệ, đối tác ở Singapore của tôi lúc đó rút khỏi thị trường. Với một người từng điều hành nhiều doanh nghiệp và thành công trước đó, đó là một khoảng thời gian không dễ chấp nhận. Kinh tế Việt Nam lúc đó cũng phản ứng với ảnh hưởng suy thoái chung. Sau đó, tôi quay lại thị trường nhanh chóng khi có cơ hội, và bài học lớn mà tôi rút ra được chính là khả năng thích ứng với hoàn cảnh. Tôi nghĩ Việt Nam đã làm rất tốt điều này trong những ngày chống dịch COVID-19 vừa qua. Cách Chính phủ Việt Nam chống dịch hiện nay thật kỳ diệu, tôi nghĩ Chính phủ đã thành công nhờ sự thích ứng nhanh chóng đó và trở nên linh hoạt hơn, ứng biến nhanh hơn. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thích ứng tốt sẽ giúp vượt qua khó khăn nhanh hơn. Quá trình phát triển kinh tế Việt Nam cũng đang diễn ra như thế. Việt Nam đã thay đổi rất nhanh chóng trong hai thập niên qua. Các nhà kinh doanh, nhà đầu tư đều đến đây tìm kiếm các cơ hội phát triển, dù có những thăng trầm nhưng nhà đầu tư vẫn nhìn thấy cơ hội diễn ra trên mảnh đất này với sức sống riêng của nó. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia có chất lượng phát triển bậc nhất khu vực với những cơ hội phát triển mà không nhà đầu tư nước ngoài nào muốn bỏ qua. Họ đã xem Việt Nam là nơi an toàn cho những khoản đầu tư, là nơi người trẻ thử sức với những cái mới. Nói đến yếu tố an toàn, tôi nghĩ những người nước ngoài chọn Việt Nam đều đồng ý đây là yếu tố họ luôn hài lòng nhất. * Có tính cách nào mà bà nhận thấy rằng mình bị ảnh hưởng từ môi trường, cuộc sống ở Việt Nam không? - Tôi có rất nhiều người bạn Việt Nam và họ nói rằng tôi rất Việt Nam, nhưng thật tình tôi cũng không biết “rất Việt Nam” như thế nào (cười). Tôi nghĩ có thể là văn hóa cởi mở hay thích nghi nhanh, những tính cách rất đặc trưng của người Việt! Có một điều nhỏ mà tôi không thể không nhắc đến là mọi người ở đây rất hay chia sẻ thức ăn mình có và dành phần ngon cho người khác. Hồi đầu tôi gặp khó khăn với chuyện đó, nhưng sau đó thì tôi hiểu điều đó thể hiện tính cách quan tâm, sẵn sàng chia sẻ của người Việt. Tính cách đó thấm dần vào con người tôi một cách tự nhiên lúc nào không hay./. Là giám đốc điều hành của một doanh nghiệp và cũng là chủ tịch của Amcham, chúng tôi vẫn thường đưa ra các kiến nghị, đóng góp để hoàn thiện hơn môi trường kinh doanh Việt Nam như không nên thường xuyên thay đổi hiệu lực của luật pháp và quy định, bởi điều đó đôi lúc sẽ tạo ra các mối đe dọa cho nhà đầu tư nước ngoài. Những thay đổi này ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Xét trong khoảng thời gian dài, Việt Nam đã tạo được nhiều sự thay đổi tích cực, nhưng để tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư, Chính phủ vẫn cần tiếp tục cải thiện sự ổn định chính sách, công bằng pháp luật... Chúng tôi đang hi vọng Chính phủ Việt Nam và Mỹ có thể hợp tác phát triển năng lượng xanh, cải thiện điều kiện hạ tầng, và mong nhìn thấy sự cởi mở hơn trong hợp tác giữa doanh nghiệp tư nhân Mỹ với Chính phủ Việt Nam. Tags: Việt NamAmanda RasmussenChủ tịch Amcham Việt NamViệt Nam phát triển
Báo Mỹ: Ông Trump vươn lên 198 phiếu đại cử tri, bà Harris 112 phiếu TRẦN PHƯƠNG 06/11/2024 Theo cập nhật mới của New York Times, số phiếu đại cử tri của ông Trump là 198, trong khi số phiếu của bà Harris lên 112.
Trực tiếp: Số liệu 'đếm phiếu' bầu cử Tổng thống Mỹ 06/11/2024 Câu hỏi ông Donald Trump hay bà Kamala Harris đang thường trực trong đầu không chỉ những người ở Mỹ mà còn nhiều nơi khác. Ai sẽ chiến thắng? Cùng Tuổi Trẻ Online xem trực tiếp: Số liệu 'đếm phiếu' bầu cử Tổng thống Mỹ.
Bầu cử Mỹ: Một thành phố ở bang chiến trường Wisconsin phải kiểm lại hơn 30.000 phiếu TTXVN 06/11/2024 Sự cố này được cho là sẽ làm chậm quá trình công bố kết quả bầu cử tại Wisconsin, một trong những bang chiến địa quan trọng nhất trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Ông Trần Huy Tuấn được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Yên Bái CHÍ TUỆ 06/11/2024 Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn (50 tuổi) được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái bầu giữ chức bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2020-2025.