Giáo dục có chất lượng; bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; tăng trưởng kinh tế, các thành phố và cộng đồng bền vững; năng lượng, các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, xã hội định hướng tái chế; sức khỏe và an sinh là năm chủ đề được chia sẻ tại phiên thảo luận "Vai trò của thanh niên trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững" - một trong các nội dung trong khuôn khổ festival lần này.
Tìm kiếm giải pháp căn cơ
Dưới sự điều phối của các chuyên gia từng lĩnh vực, các bạn trẻ chia sẻ góc nhìn, đồng thời đề xuất các giải pháp mang tính căn cơ, hướng đến phát triển bền vững.
Thảo luận về giáo dục có chất lượng, sinh viên Nguyễn Minh Uyên (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nói mình và nhiều bạn khác nghĩ rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo điều kiện cho việc học thuận lợi, giúp học sinh tìm kiếm ý tưởng, nghiên cứu, tự học.
Tuy nhiên, cùng bàn luận, nhận định được các bạn thống nhất rằng để có nền giáo dục chất lượng, yếu tố đầu tiên phải là đội ngũ giáo viên có năng lực và cơ sở vật chất tốt. Đó mới là nền tảng thúc đẩy, hỗ trợ việc học, còn AI chỉ là một trong các công cụ.
"Giáo dục Việt Nam thể hiện tầm nhìn nhân văn và bền vững, nỗ lực đưa giáo dục đến vùng xa, hải đảo, đảm bảo thế hệ trẻ được tiếp cận tri thức và không ai bị bỏ lại phía sau" - Minh Uyên bày tỏ.
Trong khi đó, nói về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, bạn Kanhapich Virak (Campuchia) trăn trở trước các giới hạn mà xã hội đặt ra cho nữ giới tại nhiều quốc gia, nhất là các vùng quê.
Điều này, theo Virak, đã phần nào cởi mở hơn ở các TP lớn vì có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho phụ nữ cũng như nhiều tổ chức sẵn sàng hỗ trợ và thúc đẩy mọi người trao quyền cho nữ giới.
"Ở Myanmar có những công việc ưu tiên tuyển phụ nữ vào làm. Lần đầu tiên trong lịch sử Campuchia đã có nữ chủ tịch Quốc hội. Điều này truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ, trong đó có những người trẻ chúng tôi" - Virak nói.
Tương tự với các chủ đề khác, những đại biểu quốc tế cùng chia sẻ nhiều vấn đề. Trong đó làm sao để phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích tái chế và ứng phó biến đổi khí hậu, hạn chế tình trạng "kiệt sức" ở người trẻ...
Sẻ chia và học hỏi
Neil Vincent Leander - giáo viên Trường trung học quốc gia Dikapinisan - sinh ra và lớn lên ở một vùng quê tại Philippines. Sau khi ra trường, thay vì tìm kiếm cơ hội ở TP lớn, chàng trai sinh năm 1994 ấy chọn về dạy cho các em nhỏ tại miền duyên hải xa xôi.
Anh cho biết chủ yếu ở tại trường mình dạy, thỉnh thoảng mới về nhà. Sóng Internet ở khu vực đó rất yếu nên giáo viên gặp khá nhiều khó khăn.
"Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể ứng dụng công nghệ thông tin dạy cho các trẻ ở những vùng xa xôi như thế? Với tôi, giải được những bài toán khó này mới chính là giáo dục" - Leander nhận định.
Anh bạn giáo viên trẻ ấy kỳ vọng sẽ được học hỏi, trao đổi những góc nhìn, kinh nghiệm với bạn bè quốc tế về giáo dục, tìm được giải pháp khi đến với festival lần này mà có thể áp dụng phù hợp tại Philippines.
Trong khi đó, Kevin Arnan Sanchez (Ủy ban Thanh niên quốc gia của Philippines) nhận thấy thế hệ trẻ ngày nay quan tâm sâu sắc hơn đến phát triển bền vững và bình đẳng giới. Mà các chương trình giáo dục, truyền thông đóng vai trò rất quan trọng.
"Chúng tôi có những chương trình được phổ biến rộng rãi đến các tổ chức, đơn vị và cộng đồng về bình đẳng giới. Qua đó, thế hệ trẻ được nâng cao nhận thức, có tiếng nói mạnh mẽ hơn về chủ đề này" - Sanchez chia sẻ.
Chàng trai sinh năm 1993 ấy nói muốn tận dụng cơ hội dự festival này để chia sẻ, học hỏi về văn hóa, con người vốn đa dạng từ các quốc gia ASEAN và Nhật Bản.
Trong khi đại biểu Minh Uyên nói các bạn trẻ của các quốc gia đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, có đại biểu đang giữ vai trò lãnh đạo, quản lý nên có kinh nghiệm và kiến thức khá rộng.
Do đó, Minh Uyên kỳ vọng có thêm góc nhìn mới về các vấn đề toàn cầu như phát triển bền vững, đổi mới công nghệ. "Tôi háo hức học cách làm việc nhóm hiệu quả trong bối cảnh đa dạng ngôn ngữ, văn hóa và quan điểm.
Đồng thời chờ mong được trải nghiệm hoạt động giao lưu văn hóa. Đây cũng là cơ hội tốt để tôi cùng các đại biểu Việt Nam khác giới thiệu về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế" - Uyên nói.
110 đại biểu quốc tế từ 10 quốc gia
Festival thanh niên ASEAN - Nhật Bản 2023 do Trung ương Đoàn tổ chức tại TP.HCM từ ngày 12 đến 15-12 với 110 đại biểu đến từ Nhật Bản cùng các quốc gia Đông Nam Á (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).
Đại biểu dự festival từ 18 - 30 tuổi, có kinh nghiệm, kỹ năng tham gia các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế thanh niên.
Các bạn đại diện cho những người trẻ cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN bền vững, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản.
Nhiều trải nghiệm cho đại biểu
Với chủ đề "Thanh niên ASEAN - Nhật Bản chung tay thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững", festival góp phần giao lưu, hiểu biết chung và nâng cao nhận thức cho thanh niên, người dân về ASEAN - Nhật Bản.
Đây cũng là khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác ASEAN và ASEAN +, đồng thời là hoạt động đối ngoại thanh niên quan trọng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Ngoài thảo luận và tọa đàm về vai trò của thanh niên ASEAN - Nhật Bản trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đại biểu dự festival còn tham gia giải chạy bộ "Những bước chân vì cộng đồng", triển lãm "Quan hệ hữu nghị, hợp tác thanh niên ASEAN - Nhật Bản", giao lưu văn hóa và ẩm thực, tham quan một số địa danh ở TP.HCM, trồng cây đước tại huyện Cần Giờ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận