Theo các nhà chuyên môn, việc đại diện cho quyền tác giả trong hoạt động âm nhạc hiện nay chỉ cần một tổ chức VCPMC là đủ - Ảnh: T.T.D. |
Đó là những vấn đề tác quyền cần được giới chuyên môn tham chiếu từ nhiều góc độ.
Lâu nay, những tác phẩm nghệ thuật truyền thống luôn được sử dụng một cách miễn phí. Nhưng nếu các nhà làm luật đặt vấn đề bảo hộ quyền tác giả, nghĩa là khi sử dụng phải trả tiền cho những tác phẩm này thì sao?
Đó là một trong những ý kiến được đưa ra trong buổi Hội thảo về quyền tác giả, quyền liên quan và các vấn đề cấp bách do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, Cơ quan Văn hóa Nhật Bản đồng tổ chức sáng 5-8 tại khách sạn Kim Đô (133 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM).
Vẫn bàn cãi sau... 12 năm
Trên thế giới, việc bảo hộ tác quyền cho những tác phẩm nghệ thuật truyền thống đã được đặt ra. GS.TS Lim Heng Gee của Trường ĐH Teknologi MARA (Kuala Lumpur, Malaysia) cho biết: “Ở WIPO, người ta đã có 12 năm tranh luận về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa được thống nhất.
Các nước châu Á - Thái Bình Dương đặt ra các vấn đề đó, nhưng họ vấp phải sự phản đối của các nước châu Âu. Người châu Âu đặt vấn đề: Tại sao những tác phẩm nghệ thuật truyền thống xưa nay đã công bố rộng rãi, nay lại quy về cho một bộ lạc, một sắc tộc hay một nhóm người nào đó sở hữu?”.
Thế nhưng, ông Scot Morris - đối ngoại của Hiệp hội Quyền biểu diễn Úc (APRA), cũng là chủ tịch ủy ban Liên đoàn Quốc tế các nhà soạn nhạc và soạn lời châu Á - Thái Bình Dương (CISAC) - lại cho hay ở Úc không hiếm những vụ kiện mà ông xem là “thú vị” về đề tài.
Điển hình là về các môn nghệ thuật tạo hình. Nếu một họa sĩ hay một nhà thiết kế sử dụng mặt nạ với cách tạo hình, họa tiết truyền thống... của thổ dân nào đó để tạo nên tác phẩm của mình, thì liệu bộ tộc đó có được chia sẻ quyền lợi gì từ lợi nhuận mà họa sĩ hay nhà thiết kế đó thu về hay không?
Ông Scot Morris cho biết: “Tất nhiên các tác giả được bảo hộ tác quyền bằng luật, nhưng đồng thời họ cũng phải có một trách nhiệm hay nghĩa vụ nào đó với bộ tộc có tác phẩm truyền thống mà họ thụ hưởng. Cũng hay là luật pháp nước Úc dựa trên hệ thống thông luật của nước Anh, nên chúng tôi có tiền lệ giải quyết bằng cách trích một phần lợi nhuận thu được từ việc bán tác phẩm chia cho các bộ tộc. Và điều này đến nay thành công!”.
Nếu điều này được cụ thể hóa thành luật, thì Bắc Ninh có thể được chia lợi nhuận trong việc sử dụng các giai điệu quan họ, làng Đông Hồ có thể hưởng lợi từ việc khai thác các hình vẽ tranh dân gian Đông Hồ... Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vấn đề này vẫn còn được tranh cãi ở WIPO, và nó thuộc về một tương lai... rất xa!
Việt Nam, Úc một đại diện; Mỹ, Nhật nhiều đại diện
Một vấn đề nữa được đặt ra tại hội thảo là việc Việt Nam chỉ có một Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) có dẫn đến tình trạng “độc quyền”? Ông Scot Morris cho biết ở Úc các lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, nhiếp ảnh, phim ảnh... đều có những tổ chức phi lợi nhuận đại diện bảo vệ tác quyền.
Ở lĩnh vực tác quyền âm nhạc tại Úc chỉ có một tổ chức đại diện làm việc này, và ông cho rằng mọi việc đang tiến triển tốt. Còn ở Mỹ có nhiều tổ chức đại diện bản quyền âm nhạc, nhưng điều đó theo ông Scot Morris lại không tốt. Ông lý giải rằng việc có nhiều tổ chức có thể gây phiền toái cho người đàm phán tiền tác quyền (vì không biết liên hệ chỗ nào), cũng như tác giả (không biết chọn ai đại diện).
“Cho nên, tôi cho rằng việc chỉ có một tổ chức đại diện cho các tác giả là điều tốt, bởi vì tổ chức đó sẽ tạo nên một cơ sở dữ liệu về tác phẩm nhiều nhất, một cách đầy đủ nhất, cho nhiều người nhất. Thực tế là ở nước Úc chúng tôi tổ chức này đang hoạt động hiệu quả. Tôi cũng nghĩ rằng ở Việt Nam chỉ nên tồn tại một VCPMC là đủ!” - ông Scot Morris bày tỏ quan điểm.
Ông Vũ Ngọc Hoan - phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - cũng ủng hộ mô hình một VCPMC. Ông chia sẻ tại hội thảo: “Ở nước Đức chỉ có một tổ chức GERMA đại diện quyền tác giả âm nhạc, và tôi thấy họ hoạt động tốt. Trong khi Nhật Bản gần đây sửa luật, cho phép xuất hiện nhiều tổ chức đại diện quyền tác giả âm nhạc bên cạnh tổ chức lâu đời là JASRAC. Nhưng sau cùng thì họ cũng không đủ sức cạnh tranh với JASRAC, bởi vì JASRAC lâu đời hơn, có tổng hợp danh mục các tác phẩm cần bảo vệ đầy đủ hơn. Tôi cho rằng hiện nay một tổ chức VCPMC vẫn đang hoạt động tốt!”.
Sáng nay (6-8), hội thảo tiếp tục diễn ra với những vấn đề tác quyền trong lĩnh vực Internet bùng nổ hiện nay.
Tác quyền về kinh tế cho diễn viên Bà Yumi Ema - chuyên viên của WIPO - đề cập đến một khả năng trong tương lai rằng các diễn viên cũng sẽ được bảo hộ tác quyền về kinh tế (không phải quyền nhân thân) cho các tác phẩm mà mình tham gia. Hiệp ước Bắc Kinh năm 2012 đã công nhận vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có sáu quốc gia phê chuẩn, trong khi để có hiệu lực thì hiệp ước cần có ít nhất 30 quốc gia phê chuẩn. WIPO vẫn đang vận động cho hiệp ước này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận