Phóng to |
KTS Nguyễn Văn Tất - Ảnh: Hoài Trang |
* KTS Nguyễn Văn Tất:
Không nên tiếp tục phổ biến
Trước tiên, tôi khẳng định rằng ở đây không phải việc tranh luận đúng sai mà là tìm ra được sự vừa phải, hiệu quả cao cho nhiều mặt giá trị của vấn đề xây dựng công sở. Và để làm được điều đó, các luồng ý kiến nên có sự kiềm chế cũng như công bằng trong trao đổi quan điểm. Theo tôi, phải xác định giá trị cốt lõi của các trụ sở công quyền của một chính quyền của dân, do dân, vì dân.
Đầu tiên phải nói đến mục đích công năng và quy mô, cũng như may cái áo thì phải mặc vừa. Thứ hai là vận hành hiệu quả, nhanh chóng, tiết kiệm. Thứ ba, phải tính đến giá trị của một công trình kiến trúc ở góc độ văn hóa, chính trị... như sự thân thiện với tình cảm của người dân, sự tương thích, cân đối trong không gian đô thị... Và cuối cùng là tính khả khi và phù hợp về điều kiện kinh tế - xã hội, có định hướng tương lai.
* Ông có nói tới việc phân loại các trụ sở công quyền, đây là một vấn đề không thiếu tính nhạy cảm và phức tạp. Vậy làm thế nào để phân biệt, chưa kể việc dồn chung các trụ sở này vào một tòa nhà hay một trung tâm như nhiều nơi đang làm?
- Có thể phân loại theo chuyên ngành và cấp bậc địa phương. Ví dụ, một trụ sở UBND, HĐND, tòa án... thì tính chất pháp quyền, giá trị biểu trưng quyền lực trong kiến trúc chắc chắn không thể thiếu, trong khi trụ sở cơ quan văn hóa - thể thao và du lịch thì hẳn mọi người chờ đợi ở đó cảm giác thư giãn hơn... Điểm thứ hai của vấn đề phân loại này là cũng cùng một ngành chuyên môn, một thể loại công trình nhưng ở cấp khác nhau, tính biểu trưng cũng có thay đổi.
Ngay trụ sở UBND cũng có cấp trực tiếp hằng ngày với đại chúng, cấp thì không, chưa kể những vấn đề tế nhị. Ví dụ ở một cấp quận, HĐND và UBND ở chung, HĐND là quyền lực (lớn hơn, có quyền bổ nhiệm UBND) nhưng lại có quy mô làm việc khiêm tốn hơn. Vậy thì cơ quan công quyền này về mặt hình thức sẽ rất tế nhị khi giải quyết tính biểu trưng phù hợp.
Hay trụ sở hành chính tập trung cho cấp quận huyện có vẻ rất hợp lý để vừa đủ chỗ làm việc cho các phòng ban chuyên môn vừa đủ bề thế của một trụ sở công quyền mà vẫn đảm bảo một cự ly phục vụ tương đối đều cho địa bàn nhỏ. Nhưng chuyển lên trung tâm hành chính cấp tỉnh, TP thì có vẻ không còn thuận tiện nữa vì nó chiếm không gian quá lớn, công việc giao tiếp đặc thù của từng sở cũng xuất hiện sự không tương thích trong giải pháp bố trí không gian làm việc cho cả các ngành.
* Nhưng ngay khi đưa ra mô hình một trung tâm hành chính, nhiều người đã nhắc tới mô hình một dấu một cửa. Cũng không ít người hồ hởi với việc bán hàng loạt công trình phân tán đơn lẻ khác để tập trung về tòa nhà hành chính tập trung và tiết kiệm?
- Về tính hiệu quả, việc tập trung hành chính ngoài mục tiêu “một cửa một dấu” còn có ý tiết kiệm đất đai mà Q.10 (TP.HCM) là một trong những mô hình được đánh giá rất tốt, từ chủ trương cho tới giải pháp kiến trúc (tòa nhà này được bình bầu là một trong 20 công trình tiêu biểu của 20 năm đổi mới - PV). Nhưng cũng mô hình này ở quy mô cấp tỉnh thành thì liệu còn phù hợp? Nên có tổng kết minh bạch qua các trụ sở hành chính tập trung cấp tỉnh thành đã xây dựng.
Về vấn đề hiệu quả, đối với những cơ sở kiến trúc lớn và siêu lớn, quản trị và điều phối vận hành là một kỹ năng chuyên nghiệp. Trong đó, nếu các công năng chung như sảnh, hội trường lớn, phòng họp, kho, đội xe... được vận hành để chạy với công suất cao nhất là việc nhất thiết phải đạt được, nếu không tòa nhà hay khu hành chính tập trung sẽ là một con số cộng các tổ hợp nhỏ, vừa cồng kềnh vừa thiếu hiệu quả.
* Có phải ông cho rằng chúng quá lãng phí? Nhưng có ý kiến cho rằng nếu chúng ta cứ ngồi tính toán chi li thì làm gì có những trụ sở UBND TP.HCM (dinh xã Tây)?
- Dinh xã Tây nguyên là trụ sở công quyền của chính quyền thực dân, có nhiều giá trị lịch sử, công năng đáng tự hào. Nhưng nó có bao gồm trong đó tất cả sở ngành của TP.HCM không? Nói về lãng phí cũng có hai mặt, đó là chi phí vật chất vừa hay quá cao cho 1m2 xây dựng thì dễ tính, nhưng chi phí cho những giá trị phi vật thể có tính biểu trưng nghệ thuật kiến trúc cao, tính bền vững trong chuyển đổi công năng, tác động tích cực về tình cảm cộng đồng... cũng cần thiết có đầu tư cụ thể. Cho nên ở đây, vấn đề không phải chi nhiều hay ít, lấy ở đâu chi mà là sự đầu tư của toàn xã hội để mang lại giá trị sử dụng hiệu quả nhất, phù hợp tâm tư tình cảm lẫn mục tiêu chính trị nói chung.
Nói về giá trị quy hoạch kiến trúc, trên thế giới suất đầu tư của trụ sở công quyền thường vẫn cao hơn so với thị trường công trình dân dụng nói chung, vì trụ sở công quyền là tài sản của toàn xã hội có tuổi thọ dài lâu nên được cân nhắc và đầu tư về kiến trúc lẫn quy hoạch có hiệu quả cao nhất.
Một trong những cân nhắc cho việc đầu tư các trụ sở công quyền là nên có chủ trương cụ thể về việc cho và không cho phép xây dựng theo chủng loại và phân cấp như đã nêu trên. Đặc biệt, việc tập trung tất cả cơ sở công quyền cấp tỉnh, TP về chính quyền lẫn ban ngành đoàn thể vào các khu hành chính tập trung có quy mô quá lớn vài chục hecta trong đô thị rất cần cân nhắc lại bằng các tổng kết đầy đủ và nghiêm túc. Bằng cảm nhận và phân tích cá nhân, tôi vẫn nghiêng về đề nghị không tiếp tục phổ biến chủ trương xây dựng các khu hành chính tập trung khổng lồ ở cấp tỉnh, TP.
* TS Nguyễn Anh Tuấn (phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kiến trúc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM): Cần tiện nghi, thân thiện Theo tôi, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước cần độc lập tương đối với nhau nhưng không nhất thiết phải mỗi cơ quan một trụ sở. Từ quy mô một phòng, nhóm làm việc nhỏ đến quy mô của một cơ quan ban ngành, sự cách biệt về không gian có thể dẫn đến trở ngại trong việc phối hợp, tương tác trong công việc. Đơn giản như cuộc họp cần đại diện của nhiều sở, ngành, chỉ cần một người nào đó bị kẹt xe hoặc kẹt mưa (chuyện này thường xuyên xảy ra ở TP.HCM) thì nhiều người khác phải chờ đợi, mất thời gian. Ở góc độ kinh tế sử dụng đất, các cơ quan nhà nước riêng biệt sẽ phải sử dụng riêng mặt bằng, hạ tầng, thiết bị, bảo vệ... kèm theo các loại chi phí quản lý, vận hành liên quan. Vì vậy, việc tập trung các nhóm cơ quan, đơn vị hành chính về một khuôn viên hoặc khu vực trụ sở sẽ giúp việc phối hợp, trao đổi giữa các cơ quan được thuận lợi hơn, đồng thời tiết kiệm hơn chi phí xây dựng, quản lý hệ thống hạ tầng và tiện ích phục vụ chung như thang máy, hội trường, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật... Việc tập trung nơi làm việc vẫn có thể duy trì tính độc lập của các cơ quan chức năng nếu tòa nhà được bố trí và quản lý vận hành phù hợp. Đồng thời cần có giải pháp tổ chức giao thông tiếp cận để tránh ùn tắc. Các trụ sở cơ quan hành chính có tính chất phục vụ đại chúng, dây chuyền không gian cần tổ chức mạch lạc, dễ định hướng, thân thiện, không nhất thiết phải thật bề thế, uy nghi. Kiến trúc trụ sở thường theo phong cách văn phòng làm việc, không cầu kỳ nhưng cũng cần tính sáng tạo, tránh những biểu hiện đơn điệu hoặc sao chép. Về công năng, cần tách biệt các chức năng làm việc, chức năng phục vụ, các khu vực tiện ích công cộng như lối đi, nhà vệ sinh... để nhân viên làm việc hiệu quả, đồng thời người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng thuận lợi. Theo tôi, cơ quan nhà nước có gần dân hay không chủ yếu do yếu tố con người, chứ không do phong cách kiến trúc của trụ sở. Ví dụ thể hiện ở việc cán bộ tiếp dân tận tình, chu đáo, am hiểu lĩnh vực, có thực tế, cơ quan nhà nước giải quyết công việc thấu tình đạt lý... Trụ sở to hay nhỏ không quan trọng bằng việc tổ chức bố trí không gian làm việc và tổ chức, quản lý hệ thống tiện nghi để các hoạt động quản lý hành chính đạt hiệu quả và phục vụ tốt người dân. * KTS Nguyễn Luận : Tập trung là tốt và đúng, nhưng... Đã không ít lần nhìn ngắm những trụ sở công quyền và những trung tâm hành chính ở Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Vinh, Hà Tĩnh... với tôi chỉ đọng lại một ấn tượng là hình thức nhìn chung đều... tệ. Đó là những khu hành chính tách rời, khu biệt với các khu chức năng khác, với đời sống cộng đồng và là biểu hiện của quan niệm xưa, cũ kỹ và lạc hậu về quan hệ công dân - công quyền. Công quyền khống chế công dân thay vì phục vụ công dân. Theo tôi, việc tập trung các khu hành chính là tốt và đúng, vấn đề là tập trung như thế nào và dứt khoát phải tránh tập trung mà mỗi cơ quan vẫn một khu đất. Không tách khu hành chính ra khỏi các khu chức năng khác và nếu phải tập trung nên theo tiêu chí tiết kiệm, đa năng, đa dụng và cởi mở. Có như vậy mới có thể có hiệu quả tốt. * TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Nên học quốc tế trong tư duy quản lý và thiết kế Để đổi mới kiến trúc cơ quan hành chính tại VN cần đổi mới từ tư duy tổ chức sử dụng và quản lý trước. Đa số cơ quan hành chính VN hiện được thiết kế theo một trong hai thái cực tư duy lạc hậu so với thế giới. Một mặt, quy định mét vuông sử dụng cho các cơ quan nhà nước hiện nay khá nghiêm ngặt, mà nếu tuân thủ hoàn toàn sẽ rất khó có thể tổ chức các không gian kiến trúc đẹp và thường không đáp ứng được nhu cầu mở rộng trong tương lai. Mặt khác, tất cả trụ sở hoành tráng mà báo chí đang nêu không những vi phạm các quy định mét vuông sử dụng nói trên, mà còn lãng phí vô cùng, vì chúng chủ yếu sử dụng trong giờ hành chính, đóng cửa tắt đèn vào ban đêm, vừa tạo những khoảng tối trong đô thị, vừa không tận dụng được hiệu suất đầu tư và sử dụng. Công trình trụ sở hành chính phải thân thiện với môi trường xung quanh, tạo được sự giao tiếp gần gũi giữa người dân với công chức, có các chức năng phục vụ cộng đồng hoạt động linh động trong và ngoài giờ hành chính, và khi điều kiện kinh tế cho phép thì được thiết kế như điểm nhấn kiến trúc cảnh quan sinh động. Tư duy này tuy mới mà không mới, vì dù đã và đang được áp dụng từ nhiều thập niên trên thế giới, nhưng đến nay vẫn hiếm thấy ở VN. Hai điển cứu có thể tham khảo là tòa thị chính Toronto (Canada, 1965) và tòa thị chính San Jose (Hoa Kỳ, 2005). Điểm mạnh của chúng là hoạt động 24/24 giờ, không có sự ngăn cách, không hàng rào, ngoài giờ hành chính dân tới để vui chơi... Đó cũng là những công trình trọng điểm, một điểm nhấn kiến trúc, nơi thăm viếng của du khách. Người dân sau giờ làm cũng tới đó nghỉ ngơi, thư giãn, cho con cái vui đùa... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận