Phóng to |
Bốn tác giả đoạt giải (từ trái qua): Nguyễn Huệ Chi, Giáng Vân, Nguyên Ngọc và Phan An Sa - con trai nhà báo Phan Khôi - Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Tuổi Trẻ trích giới thiệu:
Đây là lần thứ ba tôi được nhận giải thưởng về sáng tác văn học ở trong nước. Lần đầu là cách đây 58 năm, hồi 1955, của Hội Văn nghệ Việt Nam, về tiểu thuyết Đất nước đứng lên. Lần thứ hai là 10 năm sau đó, năm 1965, của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam, cho tập truyện ngắn Rừng xà nu. Và lần này, của Hội Nhà văn Hà Nội, cho một tập bút ký.
Chủ nhân các giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2013 gồm nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Nguyễn Huệ Chi (tuyển tập nghiên cứu Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật), nhà thơ Giáng Vân (tập thơ Đường gió) và tác giả Phan An Sa (tập biên khảo Nắng được thì cứ nắng - Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn) đã đến dự lễ trao giải. Một tác giả đoạt giải khác là dịch giả Phạm Vĩnh Cư (Tâm - tuyển thơ của M. Tsvetaeva) vắng mặt. Năm nay, các tác phẩm được giải thiên về phi hư cấu, tư liệu, vắng mặt thể loại văn xuôi hư cấu. Đặc biệt, không có tác giả trẻ nào đoạt giải. mi ly |
Tôi nhận ra hai điều:
Một là tôi đi ngược. Thường thì người ta đi từ bút ký, “lên” truyện ngắn, rồi mới “lên” tới tiểu thuyết. Tôi lại lần mò đi dần hơn 50 năm từ tiểu thuyết “xuống” truyện ngắn, cuối cùng “xuống” bút ký. Tặng thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội chứng tỏ hội không quan niệm giá trị các thể loại văn học theo trật tự lên xuống đó. Hoặc cũng có thể hội đã nhạy cảm nhận ra sự chọn lựa của cuộc sống thay đổi đang dành quan tâm nhiều hơn cho thể loại vốn từng bị coi là không mấy văn học.
Riêng với tôi, qua cuộc đời sáng tác dài, cuối cùng tôi đã bị lôi cuốn bởi bút ký vì khả năng to lớn đến không ngờ của nó có thể trộn lẫn tất cả, hiện thực khắc nghiệt và tưởng tượng bay bổng, phi hư cấu nghiêm nhặt và thả lỏng tự do, trữ tình say đắm và chính luận chặt chẽ, cả suy tư lan man và triết luận sâu xa. Cũng có lúc tôi nghĩ có phải sự trộn lẫn như vậy, chắc chắn không chỉ mang ý nghĩa hình thức, có thể là một nét đặc biệt của hiện đại hay hậu hiện đại chăng, khi cuộc sống ngày càng là một hiện thực phức hợp? Thôi thì ít ra ở đây người viết cũng dễ tìm được không gian thật rộng cho biểu đạt tự do.
Và điều thứ hai: hóa ra cả ba lần đều là về Tây nguyên. Vậy đó, đối với tôi Tây nguyên là một số kiếp. Nếu có người còn chịu khó đọc cả ba tác phẩm của tôi vừa kể trên, hẳn có thể thấy càng về sau càng bi tráng hơn, hay nói thẳng và rõ ra, càng buồn hơn. Ấy là vì, Tây nguyên nơi tôi tin có thể hàm chứa những câu trả lời cho những câu hỏi trằn trọc nhất không chỉ của chính nó, mà còn của cả đất nước, thậm chí của con người nói chung, vùng đất thâm trầm và tuyệt diệu ấy đang bị tàn phá, bởi sự ngu dốt và tham lam của con người, đến mức không biết có còn quay lại được nữa không.
Cuốn sách được Hội Nhà văn Hà Nội vinh danh hôm nay, tôi xin nói, là một tiếng kêu, mong không đến nỗi tuyệt vọng. Một giải thưởng có uy tín và có tiếng vang như giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội tất có thể làm cho tiếng kêu ấy vang xa hơn, được chú ý hơn, được nghe rõ hơn. Tôi xin rất cảm ơn Hội Nhà văn Hà Nội về sự tiếp âm đầy hiệu quả đó.
___________
(*) tựa do Tuổi Trẻ đặt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận