06/09/2015 09:25 GMT+7

Một tiến sĩ nước ngoài nhận Việt Nam là quê hương

QUANG THI
QUANG THI

TT - Tự lúc nào không biết, vị tiến sĩ y khoa người Pháp gốc Ấn Ariel Hòa lại nghĩ mình là người Việt Nam. Mặc dù sự “thừa nhận” của Việt Nam đối với ông chỉ mới là visa du lịch chứ không phải quốc tịch!

Bác sĩ Ariel Hòa - Ảnh: Q.Định

Ông mang một cái tên nửa Tây nửa Việt. Còn tiếng Việt thì ông nói rất sõi, không pha một chút tiếng Tây nào. Ariel Hòa phát âm giọng Nam bộ, diễn đạt những thổ ngữ địa phương như “nói chuyện tào lao thôi mà”, “thằng đó nó lối quá”... có vẻ “hơi bị” rành. Ông “khoe” tiếng Việt nói thì khó, chứ học viết thì dễ. Ông học viết tiếng Việt chỉ mất nửa tháng. Tất nhiên vẫn có nhiều chữ viết được (là đánh vần được) nhưng chưa hiểu được.

“Nếu đội tuyển bóng đá Anh đá với Ấn Độ, tôi và người anh trai của tôi sẽ ủng hộ Ấn Độ. Nhưng nếu Ấn Độ đá với Việt Nam, tôi sẽ ủng hộ đội Việt Nam!
Bác sĩ Ariel Hòa

Tha phương nguồn cội

Theo lời kể của Ariel Hòa, ba mẹ ông qua Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Ông sinh ra ở Sài Gòn. “Lúc đó tuy Ấn Độ đã là thuộc địa của Anh, nhưng Ấn Độ vẫn còn năm vùng thuộc Pháp. Vì người Pháp không tin người Việt Nam nên mới đưa người Ấn Độ qua làm việc cho họ, bù lại là những người Ấn qua Đông Dương sẽ được nhập quốc tịch Pháp. Đối với những người nghèo Ấn Độ thì được nhập quốc tịch Pháp quả là một giấc mơ, nên ba mẹ tôi mới rời Ấn Độ qua Việt Nam” - Ariel Hòa nhớ lại.

Quả thật, những tác phẩm của Vương Hồng Sển mô tả miền Nam thời Pháp thuộc có rất nhiều chủng dân như Việt, Hoa, Ấn, Khmer... Trong đó, người Ấn (Chà) thường làm những công việc như gác gian, sửa xe, cho vay nặng lãi... Ariel Hòa cười thoải mái: “Phải rồi. Ba tôi trước đây là một thợ sửa xe!”.

Sau đó, Ariel Hòa được sang Pháp học. Dù là tiến sĩ y khoa, có vợ Tây, đẻ con Tây, lãnh lương Tây... nhưng sâu trong tâm khảm của ông vẫn có một tấm gương trong suốt vô hình đứng giữa ông và nước Pháp. Ông nói đó là do màu da đen của ông!

Thông thường, nếu không cảm thấy thoải mái tại nơi đang sống, con người vẫn còn niềm an ủi ở cố hương. Nhưng đất nước Ấn Độ với Ariel Hòa vẫn còn một rào cản khác.

Arial Hòa tâm sự: “Ở Ấn Độ quan niệm về sự phân chia giai cấp vẫn còn rất nặng. Không cần biết con người tôi hôm nay như thế nào, việc tôi làm họ vẫn lấy tổ tiên nghèo khó ngày trước của tôi ra để phán xét. Ví như tôi khám bệnh, có giúp người này 5 đồng, người kia 10 đồng thì người được giúp 5 đồng sẽ quay lại nói với tôi: “Sao mày giúp nó 10 đồng mà giúp tao chỉ có 5 đồng? Mày có biết ông nội mày ngày xưa nghèo khó đến mức nào, nhờ gia đình tao mà mới có được ngày hôm nay không? Những điều đó khiến tôi không thích!”. Nỗi ưu tư của vị bác sĩ tha phương nguồn cội lúc này trĩu nặng trong ánh mắt.

Tại sao là Việt Nam?

Câu hỏi này đến giờ Ariel Hòa cũng chưa giải thích được.

Ông nhớ một chuyến đi thời sinh viên đến nước Anh những năm 1960, hải quan Anh đã ách ông lại để hỏi quốc tịch. Lúc đó chưa nhập quốc tịch Pháp, ông lúng túng không biết mình mang quốc tịch gì. Sau khi nhìn giấy tờ thấy ông sinh ở Việt Nam, hải quan Anh xí xóa: “Thôi vậy, chúng tôi coi anh là quốc tịch Việt Nam. Ở nước tôi, con người sinh ra tại đâu thì mang quốc tịch nước đó!”.

Sau chuyến đi, Ariel Hòa bắt đầu có nhu cầu tìm hiểu về nơi ông sinh ra. Ariel Hòa học tiếng Việt, nghiên cứu nhiều thứ về Việt Nam như văn hóa, tập quán, con người... Trong những lần học về văn hóa Việt Nam như vậy, ông ghi danh vào lớp đàn tranh của GS.TS Trần Văn Khê, bắt đầu một mối quan hệ thân thuộc như trong gia đình hơn 30 năm cho đến ngày người thầy qua đời.

“Ở Việt Nam tôi cảm thấy rất thoải mái. Không ai để ý đến màu da của tôi. Thậm chí họ hỏi sao tôi đen vậy, tôi cố ý giải thích rằng vì là người Ê Đê thì mọi người cũng cười xòa đi. Chẳng ai để ý cả” - Ariel Hòa cảm giác rất thoải mái.

Nhưng Ariel Hòa cũng chưa thể là người Việt Nam được. Ông kể: “Tôi đến đăng ký thì nhà chức trách hỏi tôi có quan hệ máu mủ gì với Việt Nam không? Tất nhiên, tôi không có quan hệ máu mủ, ruột thịt gì với ai ở Việt Nam hết!”.

Người vợ Tây của ông sau khi dắt hai con du lịch một chuyến Việt Nam về đặt vấn đề thẳng: “Nếu anh về Ấn Độ, tôi về Ấn sống với anh. Còn nếu anh ở Việt Nam thì không bao giờ!”. Trong một lần đi bộ trên vỉa hè hồ Tây (Hà Nội) bà bị xe máy chạy tràn lên lề đâm phải. Rồi ở chợ Bến Thành (TP.HCM) bà bị cướp giật. Trong chuyến đi miền Tây, khi ngồi hàng ghế đầu, bà bị kinh hãi bởi giao thông và cách lái xe của tài xế Việt Nam. “Tất cả điều đó làm bà ấy bị ám ảnh” - Ariel Hòa nhắc lại với vẻ tiếc nuối.

Nhưng rồi Ariel Hòa vẫn ở đây, với một cái duyên mà ông cảm thấy mình cũng chưa đủ sức để lý giải nổi. Lúc ở Pháp, ông giúp nhiều sinh viên Việt Nam. Bởi ông nhớ mình những ngày đầu đặt chân đến Paris học hành trong đói kém, đến khi tốt nghiệp bác sĩ mà chỉ mua được một quyển sách. Còn lại tài liệu ông phải chép tay.

Giờ đây, ở Việt Nam ông có thêm nhiều bạn mới. Tuy không hành nghề y khoa nhưng ông cũng tư vấn cho nhiều người về sức khỏe. Nói về sự gắn bó của mình với Việt Nam, Ariel Hòa có một “quan điểm” rất rõ: “Nếu đội tuyển bóng đá Anh đá với Ấn Độ, tôi và người anh trai của tôi sẽ ủng hộ Ấn Độ. Nhưng nếu Ấn Độ đá với Việt Nam, tôi sẽ ủng hộ đội Việt Nam!”.

Nếu ai đã một lần tiếp xúc qua với Ariel Hòa, hẳn sẽ biết lời nói của ông không phải là xã giao hay khách sáo!

Tôi gặp anh Ariel Hòa thường xuyên ở những buổi nói chuyện của thầy Khê (GS.TS Trần Văn Khê). Anh nói tiếng Việt sõi, rất rành văn hóa, phong tục tập quán, lễ lạt... của người Việt Nam. Tôi thấy anh giống kiểu người Việt xưa, sống tốt và tình nghĩa. Đám tang của thầy Khê anh luôn túc trực. Cúng lớn cúng nhỏ gì của thầy anh đều tranh thủ ghé về.

Điều tôi học được nơi anh là ở cách đặt câu hỏi. Xưa nay chúng ta thường bằng lòng với nhau rằng ông bà dạy sao thì làm như vậy đi, mà quên mất không hỏi lý do vì sao phải làm như vậy. Còn Ariel Hòa thì luôn muốn hiểu lý do vì sao. Anh muốn hiểu nhiều thứ về văn hóa Việt Nam một cách cặn kẽ.

NSƯT HẢI PHƯỢNG

 

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên