Văn bản gửi Chi cục Thủy lợi TP.HCM ngày 2-4 giới thiệu "người có khả năng cầu mưa nhưng chưa được kiểm chứng" ký tên tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp - giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và khoa học - công nghệ (CTCS), giảng viên thỉnh giảng cao cấp của 3 trường đại học và nguyên là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người.
Và người được ông Điệp giới thiệu là ông Lê Minh Hoàng (ngụ TP Hà Nội).
Theo nội dung văn bản lan truyền trên mạng, ông Điệp muốn giới thiệu ông Lê Minh Hoàng với Chi cục Thủy lợi TP.HCM.
Cụ thể, sau 2 lần gặp gỡ trực tiếp, ông Lê Minh Hoàng nhờ cơ quan của ông Điệp phụ trách giới thiệu với các tỉnh phía Nam đang bị hạn hán về khả năng cầu mưa có hiệu quả.
Trong văn bản, ông Điệp nhấn mạnh khả năng cầu mưa của ông Lê Minh Hoàng "chưa được kiểm chứng". Tuy nhiên ông Điệp cho biết rất xót xa, dằn vặt trước nạn hạn hán, thất bát mùa màng của một số tỉnh phía Nam nên đã giới thiệu ông Hoàng.
"Nếu quả thực anh Hoàng có khả năng kỳ diệu ấy thì các tỉnh phía Nam đang hạn hán được cứu. Song một lần nữa chúng tôi xin nhấn mạnh việc anh Hoàng có khả năng cầu mưa được hay không chúng tôi chưa khẳng định và phủ định" - văn bản của ông Điệp nêu.
Tuổi Trẻ Online cũng đã liên hệ với Chi cục Thủy lợi TP.HCM về văn bản này và được hẹn sẽ xin ý kiến lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM phúc đáp sau.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo có chức trách của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM xác nhận có văn bản "cầu mưa" này và khẳng định: "Chúng tôi tiếp cận các vấn đề theo căn cứ khoa học, còn việc cầu mưa như giới thiệu này là không có căn cứ và chúng tôi hoàn toàn không đồng thuận".
Tiến sĩ giới thiệu người cầu mưa: "Nếu cầu không được thì rõ ràng bậy bạ"
Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Điệp - vị tiến sĩ có văn bản giới thiệu người cầu mưa đến Chi cục Thủy lợi TP.HCM.
* Thưa ông, văn bản đang lan truyền việc ông giới thiệu với Chi cục Thủy lợi TP.HCM một người có khả năng cầu mưa, có đúng không?
- Văn bản đó chính xác là tôi ký sau khi gặp anh Lê Minh Hoàng và nghe anh trình bày về khả năng cầu mưa của anh ấy.
* Cụ thể cuộc gặp ra sao, anh Hoàng trình bày gì để thuyết phục ông?
- Anh Hoàng gặp tôi và chia sẻ trước đây có cầu mưa ở hồ Ba Bể. Tôi có nói thời điểm đó anh Hoàng không có nhân chứng, vật chứng, xác nhận của cơ quan chức năng mà chỉ là lời anh kể.
Tuy nhiên bản thân tôi là người nghiên cứu kỹ về các thiên tài của Ấn Độ, Ai Cập, Trung Quốc cổ đại và những sự kiện siêu nhiên xảy ra gần đây. Tôi thấy đã có những hiện tượng không thể lý giải được nên tôi đã đề xuất anh Hoàng với các đơn vị chức năng.
Thêm một cơ sở nữa, gần đây anh Hoàng có nói cầu cho TP Hà Nội nhiệt độ không vượt quá 37 độ C. Tôi có theo dõi và thấy đúng như vậy trong những ngày qua.
* Nhưng thưa ông, mưa gió là hiện tượng tự nhiên cần nhiều yếu tố hình thành, ông với tư cách là nhà nghiên cứu khoa học hẳn nắm được quy luật này. Chỉ qua lời trao đổi chưa có kiểm chứng khoa học, tại sao ông vẫn đề xuất?
- Tôi nhấn mạnh lại khả năng cầu mưa của ông Lê Minh Hoàng "chưa được kiểm chứng". Tôi chưa khẳng định và phủ định đúng hay sai. Tôi đề xuất vì muốn tốt cho người dân. Nếu anh Hoàng làm được thì đó là phúc của đất nước. Có mưa thì giải quyết được khô hạn, mất mùa. Nếu không làm được thì rõ ràng anh Hoàng "bậy bạ".
* Hiện nay văn bản gửi đi, có cơ quan nào phúc đáp lại ông chưa?
- Tôi ký văn bản giới thiệu thôi, còn gửi văn bản đến các cơ quan chức năng thì anh Hoàng là người trực tiếp làm. Anh Hoàng cũng trao đổi với tôi các đơn vị đang nghiên cứu để "trình cấp trên" xem xét...
Chuyên gia: "Hoàn toàn không có căn cứ"
Cũng liên quan tới vấn đề này, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nhận định "hoàn toàn không có căn cứ".
Bà Lan phân tích mưa là một hiện tượng tự nhiên cần quá trình hình thành với nhiều yếu tố khác nhau. Để có mưa thì phải có mây nhưng hiện nay mây dông tại Nam Bộ rất ít, họa chăng chỉ có mưa rào vài nơi không đáng kể.
"Trừ khi là làm mưa nhân tạo bằng tác động của khoa học kỹ thuật nhưng rất đắt đỏ. Mà muốn có mưa nhân tạo thì điều kiện tiên quyết là phải có mây dông. Các đám mây này chưa đủ đối lưu để gây mưa, người ta bắn vào đó các hạt nhân liên kết để kích động tạo mưa", bà Lan diễn giải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận