TTCT - Các ông lớn công nghệ (big tech) Mỹ đồng loạt khóa tài khoản cựu tổng thống Mỹ Donald Trump như để chứng tỏ họ sẵn sàng “thực thi” quyền điều chỉnh các diễn ngôn mang tính kích động trên mạng xã hội sau vụ bạo loạn ở Đồi Capitol, một chức năng đáng lẽ phải thuộc về các cơ quan được bầu chọn một cách dân chủ. Ảnh: New York TimesTiền lệ nguy hiểmLên tiếng một tuần sau khi khóa tài khỏa của “người dùng @realDonaldTrump” sau cuộc bạo loạn 6-1 ở Đồi Capitol, CEO của Tweeter, Jack Dorsey, khẳng định việc khóa vĩnh viễn tài khoản có 88 triệu người theo dõi của ông Trump là một “quyết định đúng đắn”, nhưng cũng tạo tiền lệ nguy hiểm khi nó thể hiện “sức mạnh mà một cá nhân hay một tập đoàn nắm giữ đối với một phần của cuộc đối thoại công khai toàn cầu”.Dù tuyên bố bản thân không hề vui mừng hay tự hào về quyết định này, Dorsey nhấn mạnh “tác hại ngoài đời thực của những phát ngôn trực tuyến là có thật, và trên hết chính là điều thúc đẩy việc (ban hành) và thực thi chính sách của chúng tôi”. “Lệnh cấm là một sự thất bại của chúng tôi trong việc thúc đẩy giao tiếp lành mạnh” - vị CEO 45 tuổi thừa nhận và cho biết về lâu dài, tiền lệ mà Twitter tạo ra ngày hôm nay sẽ “hủy hoại mục đích và lý tưởng cao đẹp của mạng Internet mở”.Nhưng Twitter không đơn độc trong quyết định lần này. Facebook và những cái tên lớn khác trong làng truyền thông xã hội đã gần như đồng loạt thể hiện thái độ cứng rắn với những phát ngôn của ông Trump sau giọt nước tràn ly là sự kiện ở Đồi Capitol. Kênh YouTube của ông Trump bị khóa chức năng đăng video mới và livestream ít nhất 1 tuần từ ngày 12-1 sau khi nhận “1 gạch” vì vi phạm liên quan đến truyền bá thông tin sai lệch về gian lận bầu cử. Snapchat, Reddit, Twitch và ngay cả… TikTok, nền tảng từng bị chính quyền ông Trump làm cho một phen lao đao với nguy cơ bị cấm cửa ở Mỹ, cũng đã khóa tài khoản của ông và chặn những nội dung thuyết âm mưu liên quan đến cuộc bầu cử.Các động thái này, trên lý thuyết hoặc ít nhất là theo kỳ vọng của các nền tảng mạng xã hội này, nhằm mục đích đề phòng những nỗ lực kích động bạo lực sau nhiều tháng Trump ra rả cáo buộc vô căn cứ về hành vi gian lận cử tri và thực tế cho đến nay ông vẫn từ chối chấp nhận thua cuộc một cách chính thức. Đồng minh của Trump hiển nhiên nổi giận và gọi đây là sự kiểm duyệt thông tin chỉ tồn tại ở những thể chế phi dân chủ, nhưng những ai ghét cay ghét đắng ông Trump cũng không hẳn đang khui sâmpanh ăn mừng dù họ tin rằng những nỗ lực ngăn chặn tin xấu, tin giả trên mạng xã hội đáng lẽ đã phải được làm cứng rắn từ lâu.Thủ tướng Đức Angela Merkel, thông qua người phát ngôn, cho rằng các nhà lập pháp - chứ không phải các công ty tư nhân - mới có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan đến hạn chế tự do biểu đạt, theo Reuters. “Một quyết định như thế nên được đưa ra bởi người dân chứ không phải bởi một vị giám đốc điều hành. Người dân cần có quyền giám sát đối với các nền tảng trực tuyến lớn” - Clement Beaune, bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu của Pháp, trả lời phỏng vấn Bloomberg về lệnh cấm của Twitter.Matt Hancock, bộ trưởng Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Anh, cho rằng việc chặn tài khoản ông Trump của các nền tảng truyền thông xã hội đã đặt ra một “câu hỏi rất lớn” về mặt quy định vì nó đồng nghĩa họ đang đưa ra các quyết định biên tập nội dung do người dùng đăng tải. Thủ lĩnh phe đối lập ở Nga Alexei Navalny gọi đây là “một hành động kiểm duyệt không thể chấp nhận được” và “tiền lệ này sẽ bị khai thác bởi những kẻ thù của tự do ngôn luận trên toàn thế giới”. Sẽ có kiểu lập luận rằng bịt miệng một ai đó trên mạng xã hội không có gì đáng om sòm vì “đến Trump còn bị chặn nữa là”.Ảnh: CNBCVắt chanh bỏ vỏSự phản đối của phe cánh hữu dành cho lệnh cấm của các mạng xã hội có vẻ đi ngược lại với những gì họ ra sức ủng hộ - một thị trường tự do không bị chính phủ kiểm soát. Nhưng theo cây bút nội chính Jeet Heer của tạp chí The Nation, chính phe cánh tả vốn không tin tưởng vào sự tập trung quyền lực kinh tế mới có nhiều cơ sở chính đáng hơn để lo ngại về một lệnh cấm như thế.“Như nhà văn Anand Giridharadas thường nói, cuộc đàn áp trên mạng xã hội đối với ông Trump là một trường hợp mà những kẻ đốt nhà lại được phép tự nhận mình là lính cứu hỏa” - Heer viết. Toàn bộ sự nghiệp chính trị của Trump được thúc đẩy bởi mạng xã hội: Twitter cho phép ông tự định vị mình là một người ngoài cuộc tham gia chính trường để thanh tẩy Washington khỏi những chính trị gia của phe kiến chế, còn Facebook là đất sống cho các thuyết âm mưu hoang đường mà Trump đề xướng.Có gì đó võ đoán và thậm chí là hèn nhát về thực tế là những mạng xã hội này chỉ dám quay lưng lại với Trump trong thời kỳ hoàng hôn của nhiệm kỳ tổng thống của chính trị gia 75 tuổi. Sắm vai anh hùng không khó khi rủi ro không nhiều: một tổng thống chỉ còn vài tuần ngắn ngủi tại vị và đang mất dần ủng hộ từ trong nội bộ đảng mình ít có khả năng tung đòn trả đũa một lệnh cấm bẽ mặt - việc mà một Donald Trump của trước bầu cử hoàn toàn có thể làm, và Jack Dorsey hay Mark Zuckerberg thừa thông minh để hiểu điều đó.Trước đó, trong suốt chiều dài sự nghiệp chính trị và giải trí của Trump, các mạng xã hội này đã rất hoan hỉ kiếm bộn từ cá tính đặc biệt của ông: chỉ trong 6 tháng cuối năm 2020, Trump đăng tổng cộng gần 6.000 dòng tweet, tương đương tốc độ “bắn” tweet khủng ở mức 34,8 tweet/ngày, cao hơn 6 lần so với thời điểm nhậm chức cách đây 4 năm.Những phát ngôn của Trump - không quá lạ với một ngôi sao truyền hình, nhưng luôn gây sốc vì đến từ nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới - tạo ra hàng triệu lượt tương tác; chiến dịch tranh cử của ông là đối tác chạy quảng cáo hào phóng; và chính sách cắt giảm thuế của chính quyền Trump giúp các tỉ phú Thung lũng Silicon đã giàu lại càng giàu hơn.Việc Facebook và Twitter quay lưng lại với Trump ở thời điểm muộn màng, vì thế, là một hành động có cân đong đo đếm trước tiên đến lợi ích của bản thân những công ty này, sau mới đến cái gọi là an nguy của nền dân chủ bị đe dọa mà họ rao giảng. “Chẳng có lý do gì Trump nên bị cấm cửa vào tuần trước khi toàn bộ sự nghiệp chính trị của ông phủ đầy sự dối trá, phân biệt chủng tộc và những lời đe dọa - chưa kể đến sự nghiệp trước đây của ông trong tư cách một ông trùm bất động sản và ngôi sao truyền hình thực tế” - Jeet Heer viết.Nếu các mạng xã hội cho rằng Trump đáng bị cấm bây giờ, ông đáng lẽ ra phải bị cấm nhiều năm trước bởi cùng những lý lẽ đó. Quyết định cấm cửa ông bây giờ là một sự khẳng định quyền lực của nhóm big tech hơn là một lập trường dựa trên nguyên tắc. Nó nêu bật lý do tại sao những quyết định quan trọng như vậy không nên rơi vào tay nhóm nhỏ những người đứng đầu các công ty đang làm chủ những gì hơn 7 tỉ công dân toàn cầu được phép phát ngôn trên mạng. Tương lai để ngỏTrong phản ứng chính thức về vụ việc, người phát ngôn Steffen Seibert của bà Merkel nhấn mạnh tự do biểu đạt là một quyền căn bản và quyền này “có thể bị can thiệp, nhưng phải theo luật pháp và trong khuôn khổ được định nghĩa bởi các nhà lập pháp - chứ không phải dựa trên một quyết định đưa ra bởi những nhà quản lý các nền tảng mạng xã hội”.Đây là một nhận xét thỏa đáng, bởi lẽ nếu ngôn từ kích động của một cá nhân hay một nhóm người thật sự đe dọa nền dân chủ thì việc kiểm duyệt chúng lại càng cần phải được thực thi một cách dân chủ, thông qua những quyết định và chính sách đến từ các nhà lập pháp được người dân bầu ra.Cho dù vậy, vấn đề lớn hơn vẫn chưa được giải quyết đó là các mạng xã hội lớn nhất thế giới đang vận hành như những công ty độc quyền trên thực tế. “Việc các công ty công nghệ, chỉ bằng cách hành động đồng thời, có thể khiến nhân vật ồn ào nhất thế giới gần như phải im tiếng là một khả năng đáng kinh ngạc và cho thấy so sánh (mạng xã hội) với các kênh truyền thông truyền thống là khập khiễng” - Michelle Goldberg viết trên The New York Times.Dù trên nguyên tắc, Trump vẫn hoàn toàn có thể triệu tập một cuộc họp báo hoặc xuất hiện trên đài truyền hình thân hữu Fox News để phát ngôn với thế giới, việc tước đi quyền truy cập của ông vào các công cụ truyền thông xã hội đã khiến sức ảnh hưởng của Trump giảm sút theo cách mà cả cuộc luận tội của quốc hội và thất bại trong nỗ lực tái cử cho đến nay đều không thể làm được, Goldberg nhận xét.Về ngắn hạn, lệnh cấm đối với Trump có thể đáng hoan nghênh để làm dịu tình hình trong nước. Nhưng Trump giờ đây đã là cựu tổng thống, còn Facebook, Twitter và những gã khổng lồ Internet khác thì vẫn còn đấy với tầm ảnh hưởng chỉ tăng thêm chứ không hề giảm sút. Một cải cách sâu rộng về quản lý nhóm big tech như Đảng Dân chủ cam kết trên hết phải giải quyết được vấn đề này.■ Tags: FacebookTự do ngôn luậnDonald TrumpTwitterKhóa tài khoản
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam và Malaysia chia sẻ những lợi ích chiến lược trong thế giới biến động THANH HIỀN 22/11/2024 Sáng 22-11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và phát biểu tại trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất của Malaysia.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.