25/10/2014 13:01 GMT+7

​Một thông tư mù mờ, bất khả thi

NGUYỄN ÐỨC DÂN
NGUYỄN ÐỨC DÂN

TT - Xin nói ngay, thông tư cấm dùng tên danh nhân đặt tên doanh nghiệp thì cũng thuộc loại cấm người ngực lép lái xe, cấm bán rượu bia sau 11g đêm, cấm hàng rong trên vỉa hè...

Những tên doanh nghiệp như thế này có được xem là phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa... của dân tộc? - Ảnh: Hữu Khoa

Chúng tôi đã gửi văn bản cho Bộ VH-TT&DL đề nghị nếu thông tư có hiệu lực thì cần làm rõ ai là danh nhân để áp dụng khi cấp phép.

Bộ phải bổ sung phụ lục đính kèm gồm danh sách tên danh nhân, nhân vật lịch sử, tên đất nước trong các thời kỳ bị xâm lược, tên những nhân vật trong thời kỳ lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ, tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc

Bà TRẦN THỊ BÌNH MINH
(phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM)

Ông bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch vừa ký thông tư (ngày 1-10-2014) hướng dẫn đặt , văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thông tư này có nhiều điều mù mờ, không thực tế.

Xin nói ngay quan điểm của tôi: thông tư này thuộc loại cấm người ngực lép lái xe, cấm bán rượu bia sau 11 giờ đêm, cấm bán hàng rong trên vỉa hè, cấm chụp hình công an đang làm nhiệm vụ...

Cái gì phức tạp vượt tầm tư duy, cái gì không quản được, không kiểm soát được thì cấm. Ðây là một thông tư không khả thi.

Những khái niệm mù mờ

Thông tư này quá tùy tiện về khái niệm nên mơ hồ về từ ngữ. “Sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ” (điều 2.2) đều bị coi là vi phạm truyền thống lịch sử dân tộc.

Có khái niệm “tên đất nước” không, hay chỉ là “tên nước”? Nếu muốn hiểu “tên đất nước” là tên những vùng đất thì sao còn thêm “địa danh”?

Trong kho tàng cả trăm nghìn địa danh VN có bao nhiêu địa danh do kẻ xâm lược đặt ra, còn bao nhiêu địa danh có bóng dáng của kẻ xâm lược mà lại ghép tất tần tật vào những tên bị coi là “vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc”?

Hà Nội, Sài Gòn, Thái Nguyên, Bến Tre... là những địa danh trong thời kỳ Pháp thuộc, nay nếu dùng để đặt tên doanh nghiệp sẽ là “vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc” chăng?

Văn bản này dùng một mớ khái niệm mơ hồ, không có tiêu chí xác định, cần được nghiên cứu và thảo luận kỹ lưỡng:

“những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ” (điều 2.2), “những người có tội với đất nước, với dân tộc” (điều 2.3), “sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử theo quy định của pháp luật” (điều 2.4), “những từ ngữ, ký hiệu mang ý nghĩa dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội” (điều 3.1), “thể hiện hoặc ám chỉ sự đe dọa, xúc phạm, phỉ báng, lăng mạ, bôi nhọ... với tổ chức, cá nhân khác” (điều 3.2), và hàng loạt khái niệm khác ở các điều 3.2, 3.3, 3.4.

Trước mỗi khái niệm dùng trong văn bản, chỉ cần hỏi “thế nào là...” lập tức chúng ta sẽ lúng túng và khó mà trả lời dứt khoát được.

Các vua Gia Long, Minh Mạng lập đội hải thuyền Hoàng Sa trấn giữ biên cương, xây miếu ở đó. Chỉ với một “chi tiết” này, ai có quyền quyết định cho phép hay không cho phép dùng tên hai vị này để đặt cho doanh nghiệp?

Chắc Bộ VH-TT&DL cần tăng biên chế vài chục người để ngồi nghiên cứu rồi tổ chức những hội nghị, hội thảo hoành tráng cơ hồ mới xác định được những khái niệm này với những danh mục cụ thể.

Tầm nào thì được danh nhân?

Hình như không ai băn khoăn khi dùng tên danh nhân để đặt tên thành phố (Hồ Chí Minh), tên các trường học như các trường Ðảng Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Văn Cừ, tên các trường THPT Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Lê Hồng Phong...

Ðặc biệt nhiều ở VN là cách dùng tên danh nhân để đặt cho đường phố. Nếu chỉ ghi “số nhà 115 Trần Hưng Ðạo” thì bưu chính VN đành chào thua. Thành phố lớn nào ở VN mà chả có đường Trần Hưng Ðạo, Quang Trung, Hai Bà Trưng...?

Thậm chí có vị tên còn xuất hiện trên hai ba con đường. Ðến TP.HCM tìm đường Phạm Ngũ Lão thì phải nói rõ Phạm Ngũ Lão Gò Vấp hay Phạm Ngũ Lão phố Tây.

Cũng có lệ lấy tên người đặt cho các giải thưởng: giải Nobel, giải Lê Quý Ðôn, giải Tạ Quang Bửu... Cách đặt tên như vậy để vinh danh.

Nhưng người Việt có tục kỵ húy. Không được nhắc tới tên vua chúa, dù chỉ là tình cờ, nói hay viết. Tài danh kiệt xuất như Tú Xương nhưng vẫn lận đận vì luôn luôn phạm trường quy, mắc lỗi kỵ húy khi viết.

Dấu vết kỵ húy còn đọng lại trong tiếng Việt. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, người Ðàng Trong khi nhắc tới tên người trong hoàng tộc thì buộc phải đọc trại đi.

Gặp những từ thì, hoa, cảnh... phải đọc trại thành thời, huê, kiểng... Thế là từ “cây cảnh” ở Bắc bộ thành “cây kiểng” ở Nam bộ. Cấm dùng tên danh nhân đặt cho doanh nghiệp hẳn không phải vì kỵ húy.

Ðể vinh danh một người, có thể lấy tên người đó đặt cho công ty, cho bảo tàng, cho trường học... Ðây là một thông lệ trên thế giới cũng như ở VN. Cấm dùng tên danh nhân đặt tên công ty hóa ra danh nhân sẽ không đáng vinh danh bằng người thường?

Nhưng ngay cái khái niệm “danh nhân” cũng rất mơ hồ. Người tầm cỡ nào được gọi là danh nhân? “Anh hùng” đủ tầm chưa?

Trước đây từng có hai trường cấp III mang tên anh hùng Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị (tiền thân của Trường THPT Lê Hồng Phong Nam Ðịnh hiện nay). Vậy anh hùng đủ là danh nhân.

Nhưng mới đây, anh hùng Hồ Xuân Mãn, nguyên bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên  - Huế, nguyên ủy viên BCH Trung ương Ðảng, vừa bị tước danh hiệu anh hùng. Vậy anh hùng chưa đủ là danh nhân. Tức là danh nhân xếp trên anh hùng.

Nhưng thế nào là “trên”? Khái niệm “danh nhân” trở nên rất mơ hồ, mong manh, không định lượng được. Không có tiêu chí rõ ràng cho một danh nhân.

Một thông tư có quá nhiều điều mù mờ như vậy hẳn không khả thi. Bộ VH-TT&DL nên rút lại thông tư này.

NGUYỄN ÐỨC DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên