Thế hệ chúng tôi và nhiều sinh viên Trường ĐH Đà Lạt vẫn luôn tự hào vì điều đó. Hồi đó toàn sinh viên nghèo nhưng mê đọc sách lắm. Khuôn viên trường rất rộng, thoáng và khá yên tĩnh nhưng sinh viên vẫn tập trung vào thư viện để đọc, tham khảo tài liệu. Thư viện lúc nào cũng đông đúc, nhất là gần thi học kỳ, đến sớm mới còn chỗ.
Hình ảnh sinh viên xếp hàng nối dài vào thư viện đọc sách tự bao giờ đã trở nên thân thuộc vô cùng. Đông là thế nhưng ai cũng rất ý thức và tôn trọng không gian tập thể - không gian văn hóa đọc. Cần trao đổi sẽ nói vừa đủ nghe. Ai vô tình hơi lớn tiếng sẽ tự khắc điều chỉnh âm lượng ngay vì mỗi người tự dặn mình vào đó để lĩnh hội tri thức, thể hiện nét đẹp văn hóa đọc.
Mà Đà Lạt "dốc lên dốc xuống", sinh viên thường chọn ở trọ gần trường cho tiện. Vậy nên mỗi lần đi học, lên thư viện cả nhóm nhìn y như công nhân tới giờ vào ca vậy. Khi không vào thư viện, chúng tôi ngồi bên nhau chuyện trò chứ không như văn hóa lướt hay quẹt quẹt bây giờ.
Tôi quan sát thấy các bạn học sinh, sinh viên và cả giới trẻ hiện nay có vẻ ít quan tâm đến sách và việc đọc sách. Nhiều bạn trẻ vào mạng xã hội vài ba giờ mỗi ngày song cuốn sách để trước mắt chẳng bao giờ ngó tới. Hiếm lắm mới thấy được bạn trẻ nào đó cầm sách trên tay đọc. Đó là điều đáng buồn!
Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ dường như làm người ta lơ là với văn hóa đọc hơn trước. Đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp "văn hóa quẹt" vì ngón tay, ánh mắt luôn kết nối với thiết bị điện tử, từ nhà ra ngõ, trên xe, bất cứ đâu. Nhiều lần tôi chứng kiến cả nhóm bạn ngồi bên nhau nhưng mạnh ai nấy lướt, nấy quẹt điện thoại, không buồn nói với nhau câu nào.
Tôi không biết sinh viên Đà Lạt hôm nay có còn văn hóa đọc như xưa không. Hình ảnh sinh viên xếp hàng vào thư viện liệu có còn không. Tôi không rõ nhưng vẫn rất mong sẽ còn hình ảnh thân quen ấy dẫu có là thời đại của công nghệ. Và tôi mong dù khoa học công nghệ có phát triển đến thế nào chăng nữa, văn hóa đọc sẽ vẫn là một góc lưu giữ trong mỗi người, nhất là thế hệ trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận