18/07/2011 06:08 GMT+7

Một thời vác đá xây Trường Sa - Kỳ 5: Niềm tự hào Tốc Tan

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - “Đây là niềm tự hào nhất của tôi”, thượng tá Trần Quốc Thống chỉ vào tấm ảnh chụp căn nhà cấp 1 ở đảo Tốc Tan năm 1990.

Nhà cấp 1 ngày đó còn thô phác như một cái lô cốt hình trụ, màu bêtông xám như muốn lẫn vào trời biển, mấy ô cửa sổ nhỏ hẹp hình chữ nhật như mấy con mắt. Ngón tay của ông chỉ lên nóc nhà, trên đó có một hình khối được đặt trên cột ximăng, mặt quay chính diện ra trước máy ảnh còn đọc được dòng chữ mờ nhòa màu đỏ: “CHXHCN VN - đảo Tốc Tan - kinh độ: 08o48’N; vĩ độ: 113o59’E”.

l4WnH9rx.jpgPhóng to
Điểm ném đá xây mới nhà cấp 1 bêtông cốt thép trên đảo Tốc Tan A tháng 3-1999 - Ảnh: Phạm Văn Minh

Thuốc thử bản lĩnh

Ông Thống kể ngày ấy Tốc Tan là đảo thứ ba mà ông đến xây dựng. Những tấm bia chủ quyền nối tiếp dựng lên như một kế tục quyền làm chủ biên cương trên biển từ bao thế hệ cha ông truyền lại. Bia hình khối hộp tam giác ba mặt, chữ đắp nổi bằng ximăng. Một mặt là quốc kỳ, mặt thứ hai là quốc hiệu, tên đảo và tọa độ, mặt thứ ba là tên đơn vị thi công.

Nghe chúng tôi kể chuyện được đến Trường Sa, được chơi bóng chuyền ở sân đảo nổi, được hóng gió trên lầu cao ở đảo chìm, ông Thống cười tự hào: “Công trình của công binh chúng tôi đó!”.

Niềm tự hào thật là to lớn của một người chỉ huy. Còn người làm quân y kiêm hậu cần của Đoàn M31 như trung tá Lê Văn Học thì có niềm tự hào về những bí quyết bảo quản thuốc men, rau củ, ngón nghề ủ giá, làm đậu phụ, nuôi heo, nuôi gà, vịt dưới hầm tàu để đảm bảo được bữa ăn cho anh em những ngày chưa có lấy một mặt phẳng làm chỗ trồng rau. Những người lính tự hào về những ngưỡng của thể lực, của lòng quyết tâm mà mình đã vượt qua. Chính trị viên Đoàn M31 như trung tá Lê Văn Hữu cứ nhắc mãi về tính đồng đội, tính trong sáng đến tuyệt đối của những con người ngoài biển khơi...

Niềm tự hào có cả trong câu chuyện về hai thùng nước ngọt 200 lít còn lại cho cả 80 con người mà tàu tiếp nước, tiếp hàng thì không biết bao giờ mới tới. Nát óc suy nghĩ, ông Thống ra lệnh pha thêm nước biển vào để nước ngọt biến thành nước lợ và chỉ sử dụng để nấu canh, nấu cơm, cắt hết phần nước uống của cả cấp chỉ huy. Những bữa ấy cơm nấu không chín, vị mặn ở khắp nơi nung cơn khát, anh em nhìn nhau không ai nói một lời, quay đi để giấu cái nhăn mặt.

Sau hai ngày thì tàu tới. “Tôi nghe nhẹ cả người vì đã có nước cho anh em, lại tiếc hai thùng nước ngọt đã biến thành bốn thùng nước lợ phải đổ bỏ. Nhưng rồi nghĩ thấy cũng hay, thỉnh thoảng lại có những tình huống như là liều thuốc thử cho bản lĩnh, cho tình cảm, cho sự gắn bó của đội mình. Cứ qua một lần như vậy lại thương nhau hơn...”.

Những liều thuốc thử ấy của đời công binh nhiều lắm, những câu chuyện cứ miên man trong ngày họp truyền thống của Đoàn M31 mỗi ngày 6-11 hằng năm.

mczti9ju.jpgPhóng to
Nhà thuộc hai thế hệ 1988 và 1999 trên đảo Tốc Tan A - Ảnh: Phạm Văn Minh

“Trường Sa khổ mà vui...”

Trung tá Hữu cười khà khi bật mí: dưới thềm ximăng của đảo anh em thường dùng que vạch một câu ghi dấu: “Trường Sa khổ lắm nhưng mà thật vui”.

“Ở trong bờ không thể tưởng tượng được sự vất vả của công binh ngoài ấy, trong những ngày ấy” - ông Hữu chỉ nói vậy. Hàng ngàn tấn đá, cát, ximăng, sắt thép đi qua vai người lính công binh, cả thềm đảo, cả các công trình xây từ những bàn tay trần bợt bạt vì ngâm nước, trên không có mái che nắng lửa, dưới không có chỗ đặt chân khỏi mặt biển, sụp tối không có điện, vật liệu xây dựng mau chóng bị ăn mòn bởi nước mặn, áo quần, găng tay, giày vớ mau chóng bị mục nát vì ngấm muối, vì cọ xát... Chỉ có thịt da con người là vẫn còn và mồ hôi còn mặn hơn nước biển.

“Bệnh ngoài da hầu như ai cũng bị vì ngâm nước muối, tuột da tay, giập, đứt ngón tay cũng xảy ra thường xuyên trong giai đoạn kéo xuồng”, trung tá Học kể. Nhưng nguyên tắc của lính là không nghỉ ngơi, không rảnh rỗi nên những người bị bệnh, bị thương vẫn bình thản nhận những công việc phù hợp hơn, tiếp tục làm việc mỗi ngày trên 14 tiếng, tiếp tục chuyển hàng tấn vật liệu mỗi ngày và bệnh tật cũng trôi luôn xuống biển, ngấm xuống làm cứng hơn nền đảo.

Đã có những hi sinh không tránh khỏi của anh em công binh. Ngày 9-5-1988, trong lúc giật mìn để tạo hố móng, anh Nguyễn Văn Vĩ (quê Nghệ An) bị sức ép của mìn, của sóng tạo ra từ vụ nổ, hi sinh. Ngày 20-6-1989, khi cẩu hàng xuống xuồng để kéo vào đảo, giữa những cơn sóng lắc, bốn người phải kéo căng dây chỉnh con xuồng chao đảo, bập bềnh, đỡ khối hàng xuống cho cân. Sóng gió tạt ngang, khối hàng chao nghiêng một bên đánh văng anh Nguyễn Duy Thiệu (quê Quảng Ninh) xuống biển. Khi anh em lặn xuống vớt được lên anh đã tắt thở. Cả hai cùng hi sinh ở đảo Đá Lớn ở độ tuổi 20.

Những người ở lại không một ai nản lòng. “Là chỉ huy, tôi rất cảm kích với sự chia sẻ của anh em. Hễ nước lên, bất kể ngày đêm các chàng trai của chúng tôi vẫn lao xuống biển kéo xuồng, có khi họ vừa kịp chợp mắt, có khi bộ quần áo vừa kịp khô, có khi lòng bàn tay chưa hết rỉ máu...”, ông Hữu bồi hồi nhắc.

Những ngày ấy, người sĩ quan đóng vai trò khung trưởng như ông luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió với nghĩa sát thực nhất. Trong tấm ảnh chụp hiếm hoi ngày đặt viên đá xuống chân móng đảo Thuyền Chài, toàn thân ông Hữu ngập dưới nước, chỉ nhô lên cái đầu. Tàu vừa neo, ông đã là người đầu tiên lao xuống làn nước thăm thẳm xanh bơi vào đảo, tìm chỗ buộc dây kéo xuồng chở đá. Ông cười nụ cười sảng khoái sau mấy mươi năm “chỉ huy không đi trước thì làm sao điều động lính được”.

Những công trình ấy đã tiếp tục mọc lên nhanh không kém tốc độ xây dựng hiện đại hôm nay và “chất lượng thì chỉ có từ 100% trở lên mà thôi”, ông Hữu lại cười. Ông nói động lực thúc đẩy nhanh tiến độ, giám sát đòi hỏi chất lượng công trình cao nhất: thiên nhiên. Gần tới mùa gió bão là công trình buộc phải hoàn thành.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

------------------------------------

Đại dương sâu thẳm và đầy trở ngại, nhưng không ngăn cản được ý chí và sự sáng tạo mãnh liệt của những người lính công binh...

Kỳ tới: Chinh phục đại dương

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên